Huyền thoại Joan Baez: Vẫn hát về tự do, hòa bình

30/06/2013 07:12 GMT+7 | Âm nhạc


(lienminhbng.org) - Nghệ sĩ huyền thoại Joan Baez (72 tuổi) đã góp phần định hình nên khung cảnh âm nhạc dân gian Mỹ trong những năm 1960. Với mái tóc đen dài và giọng ca trong trẻo, bà nổi tiếng với các ca khúc về nhân quyền như We Shall Overcome và còn được biết đến vì mối quan hệ tình cảm với Bob Dylan và phù thủy công nghệ Steve Jobs.

Vào ngày 16-17/8, bà trình diễn tại Thính phòng Hòa nhạc Perth (Australia). Đây là lần đầu tiên bà trở lại xứ sở chuột túi trong hơn 25 năm qua.

Cuộc sống điền viên và đam mê hội họa

Trong suốt 35 năm qua, Baez sống tại thị trấn Woodside, California, gần San Francisco. Bà mô tả rằng bao quanh ngôi nhà mộc mạc của mình là những cây sồi, 28 con gà và 2 chú chó. Cách đây 2 tháng, mẹ Baez đã qua đời thanh thản chỉ vài ngày sau khi cụ tròn 100 tuổi.

Đã ở tuổi ngoại thất thập, song trông Baez trẻ hơn nhiều. Bà cho biết cuộc sống của mình không sôi nổi như trước. “Giờ tôi chỉ muốn sống nhẹ nhàng. Điều mà tôi chú tâm tới nhất hiện nay là hội họa” - Baez chia sẻ.

Niềm đam mê này đã khiến bà không còn hứng thú thu âm album mới. Album gần đây nhất của bà, mang tên Day After Tomorrow, được phát hành năm 2008. “Đã 53 năm trôi qua kể từ khi tôi thu âm album đầu tiên. Tuy nhiên, bạn không thể hát được mãi” - Baez nói.

Baez trình diễn lần đầu tiên tại câu lạc bộ 47 ở Cambridge, Massachusetts vào năm 1958, khi mới 17 tuổi. Lúc ấy, một nhà phê bình mô tả giọng ca của bà làm “thiên thần cũng phải khóc”. “Trong 10 năm đầu, tôi không hề chăm chút cho giọng ca của mình” - Baez giải thích - “Nhưng sau 20 năm, tôi nhận ra mình cần phải có người huấn luyện giọng. Kể từ đó tôi luôn có người huấn luyện và giờ đây tôi nhận thấy mình không thể tiếp tục hát được nếu không có sự hỗ trợ đó. Tôi liên tục luyện giọng và thay đổi âm điệu các ca khúc của mình khi giọng tôi thay đổi. Cách đây nhiều năm, khi tôi hỏi huấn luyện viên rằng làm thế nào để biết được khi nào mình nên từ bỏ lưu diễn, ông ấy đã nói với tôi rằng: giọng ca của bà sẽ cho bà câu trả lời”.

Cuộc tình với Bob Dylan và Steve Jobs

Năm 1963, Baez đã giới thiệu Bob Dylan, khi đó còn khá vô danh, tới trình diễn tại Liên hoan Dân gian Newport. 50 năm sau, những câu chuyện của họ vẫn khiến nhiều người quan tâm, kể cả khi mối quan hệ lãng mạn của họ đã chấm dứt một cách bất ngờ, chỉ 2 năm sau khi Dylan từ chối đưa Baez đi hát cùng ông trong chuyến lưu diễn ở Anh. Câu chuyện tình tan vỡ của họ đã được kể lại trong bộ phim Don’t Look Back của D.A. Pennebaker.

“Tôi đã không nói chuyện về Dylan từ cách đây nhiều năm và giờ tôi rất hiếm khi nói đến ông ấy” - Baez tuyên bố - “Những ca khúc đầy kinh ngạc mà Dylan sáng tác từng được chúng tôi coi là “vũ khí”. Chúng tôi hát những nhạc phẩm đó trên các đường phố và thể hiện tinh thần phản chiến của mình”.

Năm 1967, Baez gặp David Harris trong khi đang phải ngồi tù cùng mẹ mình tại trại giam hạt Santa Rita vì tham gia phản đối chiến tranh Việt Nam. 2 người kết hôn và năm 1969, Baez sinh cậu con trai Gabriel. Năm đó, bà đã tham gia liên hoan âm nhạc Woodstock, trình bày ca khúc We Shall Overcome với cái bụng bầu. Trong chuyến lưu diễn ở Australia tới đây, Gabriel sẽ tháp tùng mẹ với vai trò là nghệ sĩ bộ gõ trong ban nhạc của bà.

Năm 1973, chồng Baez qua đời và đầu những năm 1980, bà từng có mối quan hệ lãng mạn với Steve Jobs, người đồng sáng lập hãng máy tính Apple. Cách đây 2 năm, bà đã hát tại lễ tưởng niệm Jobs và tự hào nói rằng 2 người vẫn là bạn bè thân thiết, dù chuyện tình cảm của họ đã chấm dứt từ lâu.

Baez kể, trong thời kỳ sơ khai của Apple, Jobs đã tặng bà một chiếc máy tính Macintosh và cố gắng hướng dẫn bà sử dụng, song không thành công. 2 tháng trước khi qua đời, Jobs đã tới thăm Baez. “Tôi không gặp Jobs trong một thời gian dài nên khi nhìn thấy anh, trông anh gầy gò chỉ còn da bọc xương. Tôi biết đó là lần cuối cùng anh đến thăm tôi. Anh không nói từ biệt, anh còn cố nói rằng chúng tôi sẽ sớm gặp lại nhau” - Baez kể lại.

Thấy thoải mái, vui vẻ khi lưu diễn

Joan Baez từng trú mình trong một căn hầm trú ẩn ở Hà Nội khi máy bay Mỹ ném bom, hát mừng sinh nhật lần thứ 90 của cựu Tổng thống Nelson Mandela và gần đây nhất là trình diễn vì phong trào phản kháng Chiếm phố Wall (OSW) ở New York.

Baez đã dành cả sự nghiệp của mình để hát về tự do, nhân quyền và hòa bình. Bản thân bà cũng tham gia các cuộc mít tinh về nhân quyền cùng Martin Luther King, đã truyền cảm hứng cho Vaclav Havel trong cuộc đấu tranh vì nước Cộng hòa Czech. Bà từng trú mình trong một căn hầm trú ẩn ở Hà Nội khi máy bay Mỹ ném bom, hát mừng sinh nhật lần thứ 90 của cựu Tổng thống Nelson Mandela và gần đây nhất là trình diễn vì phong trào phản kháng Chiếm phố Wall (OSW) ở New York.

Baez thấy rất thoải mái và vui vẻ mỗi lần đi lưu diễn. Năm 2012, bà đã trình diễn 2 đêm tại Festival Hall ở London và vừa hoàn thành tour diễn gồm 19 buổi diễn ở Mỹ.  “Ôi, thật tiếc khi 1/4 thế kỷ tôi mới trở lại Australia. Tôi đã có những ký ức rất đẹp về đất nước này. Ở giai đoạn này của cuộc đời mình, tôi phải nghĩ đến rất nhiều nơi mà tôi chưa có cơ hội trở lại” - Baez chia sẻ.

Việt Lâm (theo Thewest)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm