Công an xã đá bay thau cá: ‘Quyền lực’ và hành xử

07/10/2017 08:03 GMT+7

(lienminhbng.org) - Tuần đầu tháng 10/2017, một video clip gây xôn xao dư luận: Đoàn cán bộ xã Quảng Điền (huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk) thực hiện dọn dẹp lòng lề đường, có một người được xác định là Trưởng công an xã liên tục quát tháo, đá văng nhiều thau cá, chiếu rau quả… của người dân.

Đây không phải lần đầu xảy ra những hình ảnh phản cảm trong ứng xử của người đại diện chính quyền với người dân. Từng có một Phó chủ tịch quận đi ăn trưa đậu ô tô không đúng quy định “gọi” Chủ tịch phường ra “trông xe”.

Từng có những cán bộ phường gây khó dễ khi người dân xin cấp giấy chứng tử. Có cán bộ Sở Ngoại vụ đánh tiến sĩ 76 tuổi nhập viện… Trong lĩnh vực lập lại trật tự lòng lề đường, một thượng sĩ tại TP Hồ Chí Minh khi dọn dẹp các khu vực buôn bán lấn chiếm đã quật ngã người bán hàng rong khiến người này phải nhập viện cấp cứu. Rất nhiều người “buôn thúng bán mẹt” từng bị giằng giật đồ nghề mưu sinh, bị tịch thu, huỷ hoại tài sản, hoặc bị mắng chửi.

Chú thích ảnh
Trưởng công an xã thừa nhận hành động đá thau cá của người dân là phản cảm. Ảnh: Quốc Thịnh - vnexpress.net

Trong vụ “đá bay thau cá”,  nhân vật nổi thịnh nộ đã thừa nhận hành vi của bản thân là phản cảm. Những người dân có hàng hoá bị đá văng, cũng nhận ra việc lấn chiếm lòng lề đường vì mưu sinh, là không đúng luật. Chính quyền địa phương đã kiểm tra tình hình, xem xét quy trình thực hiện nhiệm vụ, báo cáo lãnh đạo cấp trên để xử lý.

Tuy nhiên, sự việc không chỉ là “hành vi phản cảm” hay sai hoặc đúng quy trình công tác. Sâu xa của việc phát sinh những hành vi trên là bởi những người đại diện cho công quyền khi thực thi công vụ đã ngộ nhận về “quyền lực” của bản thân. Trong lời dạy đối với cán bộ, Bác Hồ từng chỉ ra khái niệm “quyền lực của người cán bộ” với tính hai mặt của nó: Nếu được sử dụng đúng đắn sẽ có sức mạnh to lớn. Ngược lại, nếu bị thoái hóa, biến chất thì quyền lực có tác hại ghê gớm, thậm chí có thể làm sụp đổ cả chế độ xã hội.

Tháng 10/1945 trong thư gửi UBND các cấp, Bác đã chỉ rõ 6 căn bệnh tiêu cực đã xuất hiện trong bộ máy nhà nước, trong đó có: “Trái phép”, “Cậy thế”, “Kiêu ngạo”, với các biểu hiện:… Có lúc vì tư thù, tư oán mà bắt bớ và tịch thu làm cho dân oán thán… Cậy thế mình ở trong bộ máy nhà nước để ngang tàng muốn sao được vậy… Coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt “quan cách mạng”…

Đến nay, những “căn bệnh” này dường như vẫn khó chữa. Đây đó vẫn có cảnh cán bộ nhũng nhiễu vòi vĩnh người dân, hoặc áp đặt, cửa quyền, hay coi dân như “con”, xơi xơi mắng mỏ. Cũng bởi lạm quyền, mà có những chiến sĩ công an quên đi một trong những lời răn dạy của Bác Hồ: “Đối với nhân dân phải kính trọng, lễ phép”. Những hành xử có thể nói là ngang ngược khiến người dân sợ hãi và uất ức, thực chất không hề có tính răn đe, mà còn có thể gây nên tâm lý bất bình, thậm chí có thể phát sinh hành vi phản kháng.

Đảng và Nhà nước ta đã và đang đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng, tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cho mỗi cán bộ, Đảng viên. Bên cạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI và Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhiều đơn vị, địa phương thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn về công tác quản lý, tác nghiệp, hoặc đưa ra những bộ quy tắc về hành vi ứng xử. 

Hà Nội cần kiểm tra việc công chức tiếp cận, thực hiện Quy tắc ứng xử 

Hà Nội cần kiểm tra việc công chức tiếp cận, thực hiện Quy tắc ứng xử 

Năm 2017 được Hà Nội chọn là “Năm kỷ cương hành chính”, đồng thời ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. 

Nhưng không hiểu sao những kỹ năng cơ bản về lời ăn tiếng nói, cách hành xử, sự kiềm chế… của những người hàng ngày hàng giờ tiếp xúc với nhân dân lại không được uốn nắn kỹ càng, khiến nhiều sự việc đáng tiếc liên tiếp xảy ra.

Hơn lúc nào hết, việc chấn chỉnh, đổi mới lề lối làm việc theo tấm gương đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh, phải được tiến hành sâu sắc hơn nữa ở cấp cơ sở, nơi những cán bộ công quyền hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc trực tiếp với người dân, thay mặt Đảng, Nhà nước giải quyết những công việc liên quan tới người dân.

Nội dung của những phong trào học tập, tập huấn, chỉnh đốn…. cần được cụ thể hoá hơn nữa, chuyển từ những mục tiêu thành những kỹ năng trong giao tiếp với nhân dân. Và quan trọng là mỗi cán bộ phải nỗ lực hơn nữa trong rèn luyện, xây dựng nếp sống văn hóa ứng xử tốt đẹp, trên cơ sở ý thức sâu sắc về “quyền lực” trong thực thi công việc. Bởi lẽ, những biểu hiện sai trái về quyền lực thể hiện qua hành xử với nhân dân có thể dẫn tới sụp đổ sự nghiệp chính trị của mỗi cá nhân hoặc làm giảm uy tín của Đảng và Chính quyền.

Theo Thùy Hương - Báo Tin Tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm