20/10/2021 21:31 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại các địa phương, đến 18 giờ ngày 20/10, đã có 40 tỉnh, thành phố xác định, công bố cấp độ dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Trong đó, 22 tỉnh, thành phố đã xác định, công bố cấp độ dịch là cấp độ 1 - nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; 18 tỉnh, thành phố ở cấp độ 2 - nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng.
Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, có Thủ đô Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ đã công bố cấp độ dịch. Chính quyền thành phố Hà Nội đã công bố chi tiết việc phân vùng nguy cơ dịch COVID-19 theo 4 cấp độ với từng xã, phường tính theo phân bố ca mắc COVID-19 tại cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay. Theo đó, thành phố có 343 xã, phường cấp độ 1; 236 xã, phường cấp độ 2; không có xã, phường thuộc cấp độ 3 và 4. Người dân về từ các tỉnh, thành phố có dịch cần tuân thủ nghiêm việc theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong vòng 7 ngày, kể từ ngày về Hà Nội; luôn thực hiện 5K; khai báo y tế, chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú để được xét nghiệm và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch theo quy định.
Có 22 tỉnh, thành phố đã xác định, công bố cấp độ dịch là cấp 1 gồm: Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Điện Biên, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hòa Bình, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh, Quảng Nam, Phú Yên, Đồng Nai, Bến Tre, Bình Thuận, Sóc Trăng, Cần Thơ.
Tại Quảng Ngãi, căn cứ tình hình thực tế, tỉnh đã quyết định nâng cấp độ dịch từ cấp 1 lên cấp 2. Các địa bàn, điểm phong tỏa có ca F0 thực hiện giãn cách xã hội, cách ly y tế và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Quyết định số 3986/QĐ-BYT của Bộ Y tế. Hoạt động giao thông vận tải, lưu thông, vận chuyển hàng hóa nội tỉnh hoặc liên tỉnh được phép hoạt động, nhưng phải đáp ứng các điều kiện, quy định của cơ quan chức năng.
Như vậy, 18 địa phương đã xác định, công bố cấp độ dịch là cấp 2 gồm: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Đắk Lắk, Long An, Bình Phước, Tiền Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Đồng Tháp.
Tỉnh Phú Thọ - địa phương ghi nhận nhiều ca mới mắc COVID-19, đánh giá dịch trên toàn tỉnh ở cấp độ 2. Riêng thành phố Việt Trì dịch ở cấp độ 3. Thị xã Phú Thọ, huyện Lâm Thao và huyện Phù Ninh dịch ở cấp độ 2; các huyện còn lại dịch ở cấp độ 1. Đáng chú ý, xã Chu Hóa (thành phố Việt Trì) và thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) được đánh giá dịch ở cấp độ 4. Tỉnh có 5 xã, phường đang ở cấp độ 3 gồm: xã Thanh Đình, phường Bạch Hạc, phường Dữu Lâu (thành phố Việt Trì), xã Thạch Sơn (huyện Lâm Thao) và xã Phù Ninh (huyện Phù Ninh); 15 xã, phường ở cấp độ 2; các xã, phường, thị trấn còn lại ở cấp độ 1.
Đến thời điểm này, nhiều địa phương vẫn chưa chính thức ban hành văn bản xác định cấp độ dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP nhưng đã có hướng dẫn, triển khai các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng, chống dịch để ổn định đời sống và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, trong đó có hai thành phố trực thuộc Trung ương là Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng.
Tại Bình Dương, chiều 20/10, Sở Y tế tỉnh đã có bản đánh giá nguy cơ, cấp độ dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo đó, 3 huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên thuộc cấp độ 1; thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Tân Uyên cấp độ 2; thành phố Thuận An, thành phố Dĩ An, thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng cấp độ 3; không có huyện, thị ở cấp 4 (vùng đỏ).
Cũng trong chiều 20/10, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam đã ký Quyết định số 2013/QĐ-UBND ban hành quy định tạm thời về các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh giai đoạn 1, thực hiện đến hết ngày 11/11/2021. Theo đó, tỉnh phấn đấu kiểm soát chặt chẽ, không để phát sinh dịch tại 5 huyện (Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam) để đạt cấp độ 1; đến ngày 11/11 tới cơ bản kiểm soát được các ổ dịch trên địa bàn huyện Ninh Phước và thành phố Phan Rang – Tháp Chàm để đạt cấp độ 1.
Trong giai đoạn trên, UBND tỉnh Ninh Thuận đề ra các biện pháp hành chính để kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo từng khu vực từ cấp 1 đến cấp 4; việc đi lại của người dân đến từ các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau. UBND tỉnh giao trách nhiệm cho các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao để tổ chức đánh giá hằng tuần về cấp độ dịch ở quy mô thôn, khu phố; báo cáo UBND tỉnh. Hằng tuần, UBND tỉnh tổ chức đánh giá về cấp độ dịch ở quy mô xã, phường, thị trấn; công bố kết quả đánh giá và áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đối với từng cấp độ trên từng khu vực, phạm vi phù hợp.
Trước đó, ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định phân loại cấp độ dịch theo 4 cấp: Cấp 1 - nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2 - nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3 - nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4 - nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.
Cấp 1: Các sự kiện trong nhà và ngoài trời không hạn chế số người. Những lĩnh vực được hoạt động gồm: Vận tải công cộng đường bộ, đường thủy, hàng hải; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; nhà hàng, quán ăn, chợ truyền thống; các cơ quan, công sở; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, điểm tham quan du lịch; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao...
Người dân cần tuân thủ 5K, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để đăng ký tiêm chủng, khai báo y tế, khám chữa bệnh; tuân thủ về các điều kiện đi lại giữa các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau.
Cấp 2: Hạn chế các sự kiện tập trung đông người trong nhà, ngoài trời hoặc tổ chức có điều kiện. Các điều kiện cụ thể về chuyên môn, xét nghiệm do Bộ Y tế hướng dẫn. Địa phương căn cứ vào thực tiễn để quy định số người tham gia.
Vận tải hành khách công cộng được hoạt động, theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải.
Cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, massage, bar, internet, trò chơi điện tử, làm tóc, làm đẹp... phải ngừng hoặc hạn chế. Địa phương sẽ quyết định các dịch vụ nguy cơ khác được hoạt động hay không. UBND cấp tỉnh quy định điều kiện hoạt động của những người bán hàng rong, vé số dạo...
Các hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp vẫn được tổ chức theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ quy định về thời gian, số lượng học sinh...
UBND cấp tỉnh quyết định số người tham gia hoạt động tại cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự. Bảo tàng, triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim, địa điểm biểu diễn văn hóa, thể dục, thể thao hạn chế hoạt động; giảm công suất, số người tham dự.
Cấp 3: Nhiều hoạt động dừng hoạt hạn chế như: sự kiện trong nhà, ngoài trời; vận tải hành khách công cộng; bán hàng rong, vé số dạo. Cơ quan, công sở giảm số người làm việc, tăng cường làm việc trực tuyến.
Cấp 4: Các cơ sở kinh doanh dịch vụ như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối... hạn chế hoạt động. Trong trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quy định số lượng người mua, bán trong cùng thời điểm.
TTXVN (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất