Nữ VĐV Nam Phi bị 'SOI' nhiều nhất Olympic Rio vì hormone ‘nam tính’ vượt trội

14/08/2016 13:58 GMT+7 | Thể thao

(lienminhbng.org) - Caster Semenya, nữ VĐV điền kinh của Nam Phi có lẽ là người bị soi mói nhiều nhất ở Olympic Rio 2016 chỉ vì trong cơ thể cô có chứa lượng testosterone quá cao.



Đây là một loại hormone tác động đến việc phát triển xương, các khối cơ cũng như sức mạnh thể chất của con người. Lượng testoterone ở nữ mà cao thì xương cứng, to; cơ bắp phát triển cũng như thể lực của họ khỏe hơn chuẩn mực thông thường, khiến họ tỏ ra nam tính hơn là nữ tính.

Semenya chính xác là rơi vào trường hợp này do lượng testosterone trong cơ thể cô cao hơn bình thường. Đó là lí do vì sao sau khi để thua nữ VĐV Nam Phi ở chung kết chạy 800m nữ tại giải VĐTG 2009, VĐV người Nga Savinova đã ám chỉ rằng Semenya giống đàn ông hơn là đàn bà với câu nói “hãy nhìn cô ta mà xem”.

Thực tế thì cảm giác là một chuyện còn sự thật lại là chuyện khác vì kết quả xét nghiệm giới tính cho thấy Semenya là “nữ” 100%. Vấn đề ở chỗ dù đã được chứng minh là “nữ” và không có bằng chứng khoa học nào cho thấy lượng testosterone cao trong cơ thể mà cô bẩm sinh đã có đóng vai trò quyết định đến thành tích thể thao của cô, Semenya vẫn bị truyền thông soi mói thường xuyên, bị nghi ngờ và cô đã phải chịu đựng, phải chung sống với sự nghi ngờ ấy khi tham dự các giải đấu mà Olympic Rio này không phải là ngoại lệ.

Nhà nghiên cứu tên tuổi Myron Genel đánh giá: “Có một số VĐV vào lúc này hay lúc khác đã trở thành tâm điểm chú ý vì họ đạt thành tích thể thao xuất sắc và có một sự rối loạn nào đó trong cơ thể họ liên quan tới sự phát triển giới tính. Nhưng khó nói rằng đó là lí do duy nhất khiến họ đạt thành tích thể thao vượt trội”.

“Khác biệt về gien cho phép VĐV nâng cao thành tích thể thao trong đó có sự biến đổi bẩm sinh của gien tiếp nhận erythropoietin dẫn tới lượng hemoglobin trong cơ thể cao không ảnh hưởng gì tới việc thành tích thể thao của họ được công nhận. Không có khác biệt cơ bản nào giữa rối loạn gien bẩm sinh dẫn tới lượng testosterone trong cơ thể cao với sự biến đổi bẩm sinh của gien tiếp nhận erythropoietin dẫn tới lượng hemoglobin trong cơ thể cao”.

Nói cách khác, không có lí do gì để loại bỏ một VĐV mà cơ thể họ bị rối loạn gien bẩm sinh dẫn tới lượng testosterone cao nếu như những VĐV biến đổi bẩm sinh gien tiếp nhận erythropoietin dẫn tới lượng hemoglobin trong cơ thể cao không bị loại khỏi các giải đấu. Các nữ VĐV vẫn bị phán xét một cách khắc nghiệt hơn các đồng nghiệp nam của họ. Chuyện đó không mới nhưng trong trường hợp của Semenya thì nó đã lên tới mức cực đoan. Cô không làm gì sai nhưng đã bị soi xét một cách thái quá.

HT
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm