07/10/2015 06:00 GMT+7 | Hà Nội ngày nay
(lienminhbng.org) - “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông…”. Lụa Hà Đông nức tiếng xa gần được dệt tại làng Vạn Phúc (Hà Đông - Hà Nội). Nơi đây có chị Nguyễn Thị Tâm (sinh năm 1957) - chủ cơ sở dệt lụa tơ tằm Triệu Văn Mão - một trong những nghệ nhân cuối cùng biết dệt lụa vân - một loại lụa cổ “chính tông Vạn Phúc”.
Tơ lụa Vạn Phúc có nhiều loại: Lụa, là, gấm, vóc, vân, the, lĩnh, lượt, bằng, quế, đọi, sa, kỳ, cầu, đũi... Nhưng nổi tiếng nhất chính là lụa vân. Lụa làng vân chính là lụa làng Vạn Phúc, thứ lụa đã đi vào ca dao: The La, lĩnh Bưởi, chổi Phùng/ Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên…
Cha truyền...
Theo truyền thuyết, 1.200 năm trước, bà A Lã Thị Nương, một người con gái ở Cao Bằng nổi tiếng đảm đang, có tay nghề dệt lụa đã về làm dâu làng Vạn Phúc đã truyền nghề dệt lụa cho dân làng. Sau khi mất, bà được phong làm thành hoàng làng.
Làng lụa Vạn Phúc trải qua những thăng trầm, có lúc đứng trước những khó khăn tường chừng mai một. Nhưng chị Nguyễn Thị Tâm, con dâu của nghệ nhân Triệu Văn Mão vẫn giữ ngọn lửa nghề. Được bố chồng tin tưởng, trực tiếp truyền nghề, trao cho cơ nghiệp Triệu Văn Mão, chị càng quyết giữ nghề của ông cha...
“Khi còn sống, bố tôi đã không cam lòng chấp nhận để lụa vân thất truyền. Cụ đã đi khắp miền để tìm xin từng mảnh áo, chiếc khăn, từng miếng lụa vân cũ, thậm chí bỏ tiền mua lại... Rồi ông tìm đến những nghệ nhân thiết kế có tay nghề nhất trong làng nhờ thiết kế lại các mẫu lụa cũ và dệt thử.
“Đời tằm ngắn ngủi, nhưng sợi của nó nhả ra qua tay người thợ để lại cho đời những sản phẩm vô giá. Bố chồng tôi từng nói như vậy và bỏ bao công sức sưu tầm, mong giữ lại cho con cháu đời sau những kỹ thuật tinh xảo, những nét tinh hoa của cha ông. Chính tình yêu, sự trân quý nghề của ông đã khiến tôi kính phục” - chị Tâm nói.
Con nối
Hơn 40 năm làm nghề, chị Tâm không chỉ gây dựng thành công cơ nghiệp của ông cha, mà còn phát triển những ý tưởng mà nghệ nhân Triệu Văn Mão từng ấp ủ. Chính vì thế, đến nay, xưởng dệt Triệu Văn Mão vẫn là địa chị đáng tin cậy cho du khách khi đến thăm làng dệt lụa Vạn Phúc.
Hiện chị Tâm là bà chủ cơ sở dệt lụa tơ tằm Triệu Văn Mão (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông). Chị còn tham gia công tác đoàn thể xã hội, và hiện là Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Hà Nội, thành viên BCH Hiệp hội thủ công mỹ nghệ làng nghề Hà Nội, Ủy viên MTTQ quận Hà Đông.
Mặc dù bận nhiều việc, nhưng ngày ngày chị Tâm vẫn tham gia vào từng công đoạn dệt lụa, bởi đó là ý thức, sự cầu toàn trong từng công đoạn. Chính vì thế, lụa Triệu Văn Mão giữ được chất lượng của lụa Vạn Phúc truyền thống: ấm áp vào mùa Đông, mát mẻ vào mùa Hè...
Những sản phẩm của chị Tâm được đánh giá cao, đã đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước như: sản phẩm Lụa vân nghìn năm Thăng Long - Hà Nội được thành phố Hà Nội lựa chọn làm quà tặng cho các đoàn khách quốc tế đến tham dự đại lễ.
Năm 2011, sản phẩm lụa "Vân lưỡng long" đã được UBND thành phố Hà Nội chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Rồi những sản phẩm Lụa vân lưỡng long song hạc, lưỡng long song thọ, vân triện thọ, vân thọ đỉnh đã được Bộ NN&PTNT, UBND thành phố chọn là sản phẩm tiêu biểu.
Đặc biệt, những năm 2000, lụa vân của gia đình chị Tâm từng được nghệ nhân Trịnh Bách sử dụng may phục chế thành công 18 bộ triều phục cung đình Huế, góp phần bảo tồn, gìn giữ được những giá trị văn hóa của đất nước…
Với những đóng góp của mình, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm đã được UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2015. Nhưng có lẽ, với một nghệ nhân như chị Tâm, thì niềm vui sướng nhất chính là hàng ngày được ngắm nhìn những tấm lụa mượt mà, óng ả mà chị cùng người dân Vạn Phúc mất bao công sức dệt nên...
10 “Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2015: 1. Ông Trần Trọng Dực, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội 2. Trung tá Chu Thị Hoa, Đội trưởng đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an quận Hoàn Kiếm 3. GS-TS Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội 4. Ông Triệu Tiến Ích, Chủ tịch Hội sản xuất và kinh doanh nhãn chín muộn huyện Hoài Đức 5. Thạc sỹ, Nghệ sỹ ưu tú Trịnh Thúy Mùi, Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội 6. Tiến sỹ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội 7. Nghệ sỹ Nhân dân Chu Thúy Quỳnh, Chủ tịch hội Nghệ sĩ múa Việt Nam 8. Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm, Chủ cơ sở dệt lụa tơ tằm Triệu Văn Mão, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông 9. Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) 10. GS-TS, Anh hùng Lao động Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Chủ tịch Hội huyết học, truyền máu thành phố Hà Nội. |
An Như
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất