01/10/2016 14:14 GMT+7
(lienminhbng.org) - Wayne Rooney không còn khả năng đá chính ở M.U nữa. Câu chuyện đã quá rõ ràng từ trước khi HLV Jose Mourinho đành phải bỏ anh, càng rõ ràng hơn khi ngay lập tức một M.U không có Rooney đã chấm dứt chuỗi 3 trận thua liên tiếp bằng chiến thắng 4-1 trước ĐKVĐ Anh Leicester. Vấn đề ở đây: vì sao Rooney quá sa sút, khi anh "mới" 31 tuổi?
Sớm nở thì phải chóng tàn
Tuổi 31 không phải là độ tuổi quá già trong bóng đá đỉnh cao. Lớn hơn Rooney 8 tháng, Cristiano Ronaldo vẫn đang chuẩn bị lĩnh "Quả Bóng Vàng FIFA", sau khi đã kéo đội Bồ Đào Nha đến ngôi vô địch Euro. Hồi Teddy Sheringham tung chân nhanh như cắt, ghi bàn thắng muộn giúp M.U lội ngược dòng như một phép lạ trong trận chung kết Champions League 1999, anh ta đã 33 tuổi. Không nói đâu xa, Zlatan Ibrahimovic đã 35 tuổi, và đây chỉ mới là mùa đầu tiên ngôi sao này khoác áo M.U. Còn có biết bao ví dụ về những trường hợp "gừng càng già càng cay" trong bóng đá đỉnh cao. Chỉ mới cách đây vài ngày, lão tướng Francesco Totti ghi bàn thứ 250 ở Serie A để kỷ niệm sinh nhật thứ... 40. Roger Milla thì ghi bàn trên sân cỏ World Cup ở tuổi 42...
Thật ra, Rooney quả đã xuống cấp vì sự tàn phá của thời gian, dù không nhất thiết cứ phải có một độ tuổi làm chuẩn cho định nghĩa "già" trong bóng đá. Mới 16 tuổi, anh đã ghi bàn ở Premier League. Ở tuổi 17, Rooney trở thành tuyển thủ Anh trẻ nhất trong lịch sử. Cũng đã có lúc, Rooney là cây làm bàn trẻ nhất trong lịch sử Euro. Bây giờ, anh là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất trong lịch sử đội Anh, chỉ còn khoảng chục trận nữa là phá kỷ lục khoác áo "tam sư" nhiều nhất xưa nay. Thủ môn Peter Shilton là người duy nhất khoác áo đội Anh nhiều hơn Rooney (125 lần so với 116), và Shilton khoác áo đội tuyển lần chót ở tuổi 41.
Rooney quả đã xuống cấp vì sự tàn phá của thời gian
Ai đó từng nói: sự nghiệp thể thao đỉnh cao giống như một bánh xà phòng. Nó tiêu hao dần không phải qua thời gian mà qua số lần sử dụng. Rooney vươn lên đỉnh cao quá sớm nên hậu quả tất yếu là anh cũng tàn phai sớm. Michael Owen là một trường hợp tương tự trong làng bóng Anh. Chỗ này, chính HLV trưởng Sam Allardyce của đội tuyển Anh đã nói rõ ràng trong một cuốn tự truyện. Ông bình luận: "Một ngôi sao bóng đá thường chỉ trụ vững ở đỉnh cao trong khoảng chục năm. Tất nhiên phải có ngoại lệ, nhưng rất hiếm". Đây đã là mùa bóng thứ 15 Rooney thi đấu đỉnh cao, và chưa bao giờ anh kết thúc một mùa bóng với ít hơn 42 trận đấu.
Bàn thắng đầu tiên của Rooney ở Premier League diễn ra như thế nào? Đấy là một pha nã đạn cực mạnh từ ngoài vùng cấm, tung nóc lưới. Bàn quyết định ở phút 90 giúp Everton chấm dứt chuỗi 30 trận bất bại của Arsenal, hất luôn "pháo thủ" ra khỏi vị trí đầu bảng. Đấy là pha bóng làm toát lên toàn bộ đặc điểm của Rooney trong suốt sự nghiệp sau này. Anh luôn quyết đoán, tranh chấp mạnh mẽ, chiến thắng bằng khả năng càn lướt, sức khỏe và tốc độ.
Ở vị trí tiền đạo, Rooney tấn công như một chiếc máy ủi, gạt phăng mọi rào cản trong các tình huống tranh chấp 50/50. Nhiều người xem Rooney chơi bóng và liên tưởng đến một võ sĩ quyền Anh. Kỳ thực, Rooney cũng đã là một võ sĩ quyền Anh thực thụ trước khi sự nghiệp thể thao của anh tiến đến cột mốc phải chọn một trong hai môn, và anh tập trung vào bóng đá. Lối chơi đã đưa Rooney lên hàng ngũ siêu sao Premier League là lối chơi dùng sức rất rõ ràng. Anh hủy diệt hơn là tinh tế, càn lướt hơn là khéo léo. Anh có thể chơi ở bất cứ vị trí nào trên hàng tiền đạo, xuất hiện khắp nơi ở khu vực tấn công.
Tần suất hoạt động của Rooney trong những năm tháng đỉnh cao làm mọi đối thủ phải ngán ngẩm. Càng đáng nói ở chỗ, Rooney không chỉ tích cực vận động khi thi đấu. Anh còn luôn hăng hái về mặt tinh thần. Từng có lúc, giới quan sát thật sự kinh ngạc khi thấy Rooney đá chính trong một trận đấu đỉnh cao, dù bác sĩ của M.U đã thông báo anh phải nghỉ ít nhất 3-4 tuần để dưỡng thương.
Thế giới bóng đá có thể xem thường Rooney, ít ra là khi so sánh với các siêu sao khác trong hàng ngũ đỉnh cao, nhưng đấy là vì vấn đề trường phái. Ví dụ, chẳng bao giờ siêu sao Juan Riquelme của Argentina được đánh giá cao trong trường phái bóng đá Anh. Cách chơi chậm rãi, khoan thai, thông minh của Riquelme chính là đặc điểm mà giới hâm mộ Anh... cực ghét. Rooney thuộc mẫu cầu thủ ngược lại, và đấy chính là lý do vì sao anh được tôn vinh trên quê hương bóng đá. Trong cách thưởng lãm của bóng đá Anh, bất cứ cầu thủ nào tỏ rõ nỗ lực 100% trong từng cú rướn, từng bước chạy, đều đáng khen ngợi. Đặc điểm này còn được xem trọng hơn cả phẩm chất kỹ thuật. Vậy nên Rooney trở thành siêu sao ở Premier League suốt hơn chục năm, được đánh giá cao hơn so với cái nhìn của giới quan sát trong trường phái Latin.
Nói đến Rooney là phải nói đến những đặc điểm ấy. Không còn thể lực, tốc độ, sức càn lướt, Rooney sẽ chỉ là một cầu thủ tầm thường - dù có ở tuổi đôi mươi đi nữa.
Mãi không... lớn nổi
Một thời, Rooney luôn là đề tài chủ đạo trong những cuộc họp báo sau trận ở Premier League. Nhưng anh không phải là nhân vật chính. Đích thân Ngài Alex Ferguson sẽ trả lời những câu hỏi nhằm vào Rooney. Kịch bản quen thuộc đến nỗi bây giờ giới truyền thông vẫn hay nhớ lại "ngày xưa vui nhộn" và cho rằng cách họp báo sau trận ở Premier League hiện nay đã... dở đi nhiều.
Rooney đang phải quen dần với việc vào sân từ ghế dự bị
Những lúc Rooney tỏa sáng, quang cảnh họp báo rất vui. Ferguson cười hả hê, cứ như cả phòng họp báo đều là bạn bè thân thiết. Ngược lại, khi Rooney thất bại, Ferguson lại nói những câu ngược ngạo, mâu thuẫn. Sự hả hê khi ấy lại thuộc về những cây bút đã chắc mẩm rằng số báo sáng mai của họ sẽ có phát biểu giật gân ở trang bìa. Đặc biệt nhất là những lúc Rooney không chỉ rớt phong độ mà còn gây thất vọng ngoài khía cạnh chuyên môn. Một chiếc thẻ đỏ, một hành động ngu ngốc, một khoảnh khắc phun nước bọt về phía đối phương... Ferguson hẳn sẽ nổi cơn lôi đình, và báo giới hoàn toàn yên tâm: cuộc họp báo sau trận sẽ còn hấp dẫn hơn cả bản thân trận đấu!
Ví dụ: Rooney từng "đưa tay vào mặt" cầu thủ Tal Ben Haim của Bolton và FA cho biết sẽ xem lại băng ghi hình để quyết định có kỷ luật hay không. Báo chí "quây" Ferguson. Và khi trả lời, ông thốt ra đến 22 từ... tục tĩu chỉ trong vòng 45 giây. Chuyện Ferguson quơ tay gạt phăng hàng chục máy ghi âm trên bàn là rất bình thường. Premier League là giải đấu số 1 thế giới một phần vì những câu chuyện vui nhộn bên ngoài sân cỏ, vì đời sống bóng đá Anh vượt rất xa so với những nơi chỉ biết nói chuyện chuyên môn trên sân.
Tất nhiên, Ferguson nổi giận vì cánh nhà báo "luôn soi mói" chứ không phải vì cậu học trò cưng Rooney. Riết rồi người ta mặc nhiên thừa nhận: Rooney thuộc mẫu ngôi sao chẳng bao giờ lớn nổi vì luôn được bảo vệ như thế, vì đấy cũng là một phần của truyền thống bóng đá Anh. Rooney nhai kẹo cao su nhồm nhoàm khi đứng trên sân khấu trước lúc trao giải; Rooney chửi thề trước những trẻ em đang nhìn vào anh như một thần tượng; Rooney chơi xấu khi chuyền hỏng hoặc mất bóng... Cộng với hoàn cảnh gia đình (xuất thân của anh, ở mực chừng mực nào đó, là không "chuẩn" trong khía cạnh giáo dục), Rooney chẳng bao giờ trở thành một cầu thủ thông minh. Anh chơi bóng bằng chân, bằng sức vóc, chứ không phải bằng đầu óc, bằng suy nghĩ.
Vậy nên bây giờ, làm gì có chuyện Rooney sẽ thay đổi được cách chơi, sẽ chuyền bóng khôn ngoan, dẫn dắt đồng đội, sẽ quyết định chính xác phải làm gì trong từng hoàn cảnh cụ thể. Anh sẽ chẳng bao giờ trở lại được đẳng cấp ngôi sao nữa!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất