Công Phượng, Chanathip cùng “mất tích” ở J.League: Chuyện gì đang xảy ra với các cầu thủ Đông Nam Á?

27/02/2023 15:40 GMT+7

Trải qua hai vòng đầu J.League 2023, không chỉ Công Phượng mà ngay cả ngôi sao đã thành danh tại Nhật Bản như Chanathip Songkrasin cũng không được điền tên vào danh sách đăng ký thi đấu. Đây được xem là khởi đầu khó khăn với các cầu thủ Đông Nam Á ở một giải đấu hàng đầu châu Á.

KHÔNG DỄ CHO CÔNG PHƯỢNG

"Nói về các ngôi sao Đông Nam Á đang tìm cách cải thiện ở Nhật Bản, tuyển thủ Việt Nam Nguyễn Công Phượng sẽ có cơ hội thứ hai để chứng minh giá trị của mình tại đội bóng mới thăng hạng Yokohama FC .

Từng được xem là "Messi Việt Nam" nhưng Công Phượng gây thất vọng ở J2 League 2015 khi chỉ ra sân vỏn vẹn 5 trận cho Mito HollyHock. Và giờ nhiệm vụ khó khăn là tìm cách vươn lên đẳng cấp cao nhất ở một đội mới thăng hạng như Yokohama FC, dự kiến sẽ là đội yếu trong phần lớn giải đấu", chuyên gia Gabriel Tan nói về Công Phượng trong một bài viết trước thềm J1 League 2023 khởi tranh.

Cây viết nổi tiếng của ESPN đề cao phẩm chất của Công Phượng nhưng cũng lường trước những khó khăn mà cựu tiền đạo HAGL sẽ đối mặt ở môi trường giàu tính cạnh tranh như J1 League.

Thực tế chứng minh nhận định từ Gabriel Tan hoàn toàn có cơ sở. Ở hai vòng đầu tiên, Công Phượng không có tên trong danh sách đăng ký thi đấu. Tại J1 League, mỗi đội được đăng ký tối đa 18 cầu thủ trong một trận đấu. Trong khi đội hình Yokohama FC hiện có 34 cầu thủ, riêng ở hàng tiền đạo có tận 9 người. Không chỉ cạnh tranh với 6 cầu thủ bản địa, Công Phượng còn gặp thách thức lớn từ 2 ngoại binh Brazil là Marcelo Ryan và Saulo Mineiro.

Công Phượng, Chanathip cùng “mất tích” ở J.League: Chuyện gì đang xảy ra với các cầu thủ Đông Nam Á? - Ảnh 1.

Công Phượng cạnh tranh cùng 8 cầu thủ trên hàng công Yokohama FC.

Yokohama FC thường xây dựng đội hình 4-2-3-1, bóng được luân chuyển nhanh lên phía trên chủ yếu từ hai bên cánh. Tân binh J1 League có nhịp độ chơi bóng cao, ưu tiên chuyền bóng ít chạm. Điều này đòi hỏi cầu thủ cần xử lý gọn gàng và quyết đoán.

Công Phượng lại thuộc mẫu tiền đạo hay rê dắt bóng và có thiên hướng khuấy đảo hàng thủ đối phương. Việc bắt nhịp nhanh với lối chơi tập thể như Yokohama FC trong thời gian ngắn là điều tương đối khó. Hơn nữa, Yokohama FC là tân binh, họ cần tạo một vị trí an toàn trong giai đoạn đầu trước khi tính đến các phương án chiến thuật khác nhau.

Do đó, việc Công Phượng vắng mặt qua hai trận đầu, thậm chí ở một vài vòng tiếp theo không phải điều bất ngờ. Nhưng một điều tích cực với Công Phượng là thường xuyên được tạo điều kiện ra sân trong các buổi đấu tập. Tiền đạo 28 tuổi đều tận dụng cơ hội đó để ghi điểm và luôn để lại thiện cảm với HLV Shuhei Yomoda.

Công Phượng, Chanathip cùng “mất tích” ở J.League: Chuyện gì đang xảy ra với các cầu thủ Đông Nam Á? - Ảnh 2.

Công Phượng cần kiên nhẫn chờ cơ hội ra sân trong màu áo Yokohama FC.

THAM VỌNG BẤT THÀNH CỦA "MESSI THÁI"

Công Phượng chưa có cơ hội ra sân vốn không phải điều bất ngờ nhưng một cầu thủ khác khiến giới chuyên môn khá ngạc nhiên khi "mất tích" suốt hai vòng đấu, đó là Chanathip Songkrasin của Thái Lan.

Cũng như Công Phượng, chuyên gia Gabriel Tan đặt kỳ vọng "Messi Thái" sẽ tìm cách chuộc lỗi sau một mùa giải  không thành công cùng Kawasaki Frontale. Theo Gabriel Tan, tham vọng của Chanathip khi chuyển từ Consadole Sapporo đến Kawasaki Frontale vào đầu năm 2022 không gì khác ngoài việc muốn nếm trải cảm giác được chạm tay vào Cúp vô địch.

Công Phượng, Chanathip cùng “mất tích” ở J.League: Chuyện gì đang xảy ra với các cầu thủ Đông Nam Á? - Ảnh 3.

Chanathip gia nhập Kawasaki Frontale với tham vọng giành Cúp vô địch nhưng không đạt được mục tiêu.

Tuy nhiên tại đội bóng mới, "Messi Thái" không thể hiện được nhiều khi chỉ ra sân 16 trận với 956 phút thi đấu, không ghi được bàn thắng nào. Kawasaki từ vị thế đương kim vô địch đã bị đối thủ Yokohama Marinos soán ngôi sau khi mùa bóng 2022 kết thúc.

"Chanathip đã có một năm đầu tiên đầy thử thách tại Todoroki Athletics Stadium, nơi anh ấy thể hiện những phẩm chất chơi bóng không thể phủ nhận nhưng phải vật lộn để tạo ra tầm ảnh hưởng.

Từng là một tiền vệ xuất sắc, Chanathip thừa nhận anh ấy có thể đóng góp nhiều hơn và không thiếu quyết tâm để bỏ lại những rắc rối trong mùa bóng đầu tiên ở Kawasaki Frontale", cây viết ESPN nói về Chanathip.

Chanathip không thiếu quyết tâm nhưng đến thời điểm hiện tại khi J1 League đi qua hai vòng đấu, anh thậm chí còn chưa thể lọt vào danh sách đăng ký thi đấu. Đây là điều khá lạ lùng nhưng nhìn vào thực tế trong thời gian dài, vị trí của Chanathip đã không còn đảm bảo.

Từ mùa giải năm ngoái, ở hàng tiền vệ Kawasaki, Chanathip phải chịu sự cạnh tranh với 11 cầu thủ khác. HLV Toru Oniki thường xuyên bố trí tiền vệ người Nhật Kento Tachibanada thi đấu vị trí tiền vệ công thay cho "Messi Thái". Ngoài ra, cầu thủ người Brazil Joao Schmidt cũng là nhân tố thường xuyên được sử dụng.

Công Phượng, Chanathip cùng “mất tích” ở J.League: Chuyện gì đang xảy ra với các cầu thủ Đông Nam Á? - Ảnh 4.

"Messi Thái" vẫn đang gặp khó ở đội bóng mạnh như Kawasaki.

Đến mùa giải này, Kento Tachibanada vẫn là lựa chọn ưu tiên của HLV Oniki. Tiền vệ người Nhật ra sân hai trận và ghi dấu ấn với một bàn thắng. Với phong độ như vậy, cơ hội để Chanathip đòi lại vị trí là điều tương đối khó khăn.

CƠ HỘI VẪN RỘNG MỞ

Lý giải cho việc sụt giảm phong độ của Chanathip, cây viết Udomsak Paktanapong của tờ Matichon (Thái Lan) từng nhận định: "Trước đây, từ CLB Sapporo đến cả ĐTQG Thái Lan, Chanathip luôn là cầu thủ có tốc độ "cày ải" nhiều nhất. Việc thi đấu liên tục mà không có thời gian nghỉ ngơi khiến thể chất anh ấy trở nên tồi tệ và dẫn đến gặp khó khi cạnh tranh ở Kawasaki Frontale".

Cựu phóng viên Supanat Charoenrat của đài TrueID (Thái Lan) cho rằng Chanathip và Công Phượng đang vấp phải thách thức lớn nhưng mọi thứ chỉ mới khởi đầu ở mùa bóng 2023.

"Tính cạnh tranh ở J1 League là điều không hề đơn giản. Chanathip phải mất một thời gian dài mới thích nghi được với nhịp chơi bóng ở đây. Công Phượng cũng phải trải qua thời điểm tương tự nếu muốn khẳng định được chỗ đứng", Supanat Charoenrat nói.

"Điều cần thiết là họ cần thời gian và niềm tin ở bản thân để tạo động lực trong việc tập luyện. Vấn đề của Chanathip là điểm rơi phong độ, anh ấy sẽ dễ dàng vượt qua được với kinh nghiệm chơi bóng J1 League lâu năm. Riêng Công Phượng, sự kiên nhẫn sẽ là yếu tố quyết định. Mọi người không thể đòi hỏi mọi thứ diễn ra thuận lợi, ngay cả Supachok vẫn đang vật lộn tìm vị trí ở Consadole Sapporo".

Công Phượng, Chanathip cùng “mất tích” ở J.League: Chuyện gì đang xảy ra với các cầu thủ Đông Nam Á? - Ảnh 5.

Người hâm mộ vẫn chờ đợi cuộc đối đầu giữa Chanathip và Công Phượng ở trận lượt đi giữa Kawasaki và Yokohama vào ngày 20/5.

Cuối cùng, cựu phóng viên của TrueID khẳng định dù gặp khó khăn ở Nhật Bản nhưng việc được trải nghiệm môi trường bóng đá ở đẳng cấp cao hơn Đông Nam Á là lựa chọn tốt đối với các cầu thủ.

"Trong phát triển bóng đá, điều quan trọng nhất là đưa được các cầu thủ thi đấu ở đẳng cấp cao. Sự phát triển của các giải đấu chuyên nghiệp trong nước là một phần quan trọng. Nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng các giải đấu ASEAN vẫn thua xa các giải đấu ở Nhật Bản hay ở châu Âu xa xôi.

Vì vậy, điều sẽ khiến các cầu thủ tiếp tục tiến bộ là gửi họ đến chơi ở những giải đấu tốt hơn như cách Nhật Bản đang làm. Đó là trải nghiệm tuyệt vời mà không nhiều cầu thủ có được trong sự nghiệp".

Song An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm