Quả bóng vàng Việt Nam 2014: Nguyệt quế cho người về nhì

15/04/2015 08:44 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Có một điều khá đáng tiếc là trong số trên dưới 200 phiếu bầu được phát đi dành cho các chuyên gia, HLV và truyền thông, lại không có phiếu nào cho đội trưởng các CLB và đội trưởng các ĐTQG.

Cả Công Vinh và Thành Lương đều thẳng thắn thừa nhận rằng không phải họ không muốn sở hữu danh hiệu Quả bóng vàng (QBV) thêm một lần nữa, nhưng sẽ là hợp lý hơn nhiều nếu Văn Quyết là nhân vật chính trong đêm vinh danh lần này.

Với 180 điểm, kém người về đầu Thành Lương đến 75 điểm, Nguyễn Văn  Quyết, tiền vệ từng ghi đến 11 bàn thắng giúp Hà Nội T&T về nhì V-League 2014, thêm 7 bàn khác ở AFC Cup 2014, chỉ nhận danh hiệu Quả bóng bạc (QBB) và điều đó khiến nhiều người tiếc nuối.

1. Trên thực tế, Văn Quyết không phải trường hợp đầu tiên và duy nhất trong lịch sử 20 năm QBV Việt Nam nhận được nhiều sự chú ý và quan tâm hơn so với người giành nguyệt quế. Năm 2008, Như Thành và Công Vinh có cơ hội ngang với Dương Hồng Sơn, nhưng việc thủ môn đội tuyển Việt Nam khi ấy được AFF bầu là Cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup 2008 đã hạ gục hầu hết các phiếu bầu trong nước.

Lúc ấy Hồng Sơn chỉ chơi ở giải hạng Nhất (Hà Nội T&T), trong khi Như Thành đã là nhà vô địch V-League với B.Bình Dương, còn Công Vinh (SLNA) có 2 bàn thắng vào lưới Thái Lan ở chung kết, quyết định chức vô địch lần đầu tiên trong lịch sử cho bóng đá Việt Nam.

Việc chỉ về thứ 3 trong một năm mà Công Vinh cho rằng mình xứng đáng nhất (xứng đáng hơn cả 3 lần anh đoạt QBV trước đó vào các năm 2004, 2006 và 2007) đã khiến Vinh cảm thấy rất hụt hẫng.

Văn Quyết đã có một năm thi đấu xuất sắc nhưng lại chưa đủ xuất sắc để giành được số phiếu cao nhất. Ảnh: Minh Cường

Không hiểu vô tình hay hữu ý, sau Gala, Công Vinh gửi tạm phần thưởng cho Hồng Sơn cầm hộ về khách sạn, còn bản thân anh thì biến mất rất nhanh. Như Thành thậm chí còn buồn bã hơn. Và những người có mặt tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM) trong đêm Gala vinh danh vừa rồi cũng cảm nhận được phần nào nét buồn trên khuôn mặt Văn Quyết.

Chúng ta đều biết phần lớn các cuộc bầu chọn đều khó tránh khỏi bị chi phối bởi yếu tố cảm tính. Nói như Thành Lương và cả “Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất” Nguyễn Tuấn Anh (HAGL) thì danh hiệu QBV trong lòng người hâm mộ mới thực sự quan trọng.

2. Chúng tôi đã lật giở lại một cách tỉ mỉ về lịch sử QBV Việt Nam trong khoảng 15 năm gần nhất, kể từ khi có giải thưởng dành cho Nữ cầu thủ, ngoại binh xuất sắc nhất và giải Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất ra đời.

Năm 1999, cựu tuyển thủ Trần Công Minh tuyên bố giải nghệ và gần như được bù đắp bằng danh hiệu QBV lần đầu tiên sau 1 lần về nhì và 2 lần khác về 3. Công Minh sau đó vẫn tiếp tục chơi cho Đồng Tháp và ĐTQG.

Trong 2 năm 2006-2007, vì bất mãn với các cuộc bầu bán, Nguyễn Huy Hoàng (SLNA), trung vệ số 1 của bóng đá Việt Nam tại AFF Cup 2006 và Asian Cup 2007, cũng hơn một lần nói lời chia tay sự nghiệp thi đấu quốc tế. Năm 2010, đến lượt Minh Phương. Và dường như trong số những tuyển thủ vừa quyết định dứt áo đội tuyển sau AFF Suzuki Cup 2014 vừa rồi, ngoài Phước Tứ, Tấn Tài, còn có thể gồm cả Công Vinh.

Có ý kiến cho rằng, QBV 2005 cho Tài Em là thiếu thuyết phục nhất, khi những người xuất sắc nhất phải ngồi nhà giam sau vụ tiêu cực tại SEA Games ở Bacolod (Philippines) năm ấy, mà Tài Em chính là một trong số những người tố giác. Nhưng chúng ta đều biết rằng ngoài sự mẫu mực và cần mẫn để giúp U23 Việt Nam vào chơi chung kết SEA Games lần thứ 2 liên tiếp, Tài Em đã là nhà vô địch V-League 2005. Đến tận bây giờ, Tài Em vẫn bền bỉ như tuổi đôi mươi trong màu áo ĐTLA.

Cũng tựa như Văn Quyết và Thành Lương năm 2014, thành tích chơi bán kết AFC Cup 2009 của Vũ Phong (QBB) cũng trội hơn QBV Thành Lương lúc ấy đang đá giải hạng Nhất cho Hà Nội ACB…

Nên suy cho cùng, sự vinh danh (nếu có) là động lực được tiếp thêm để cầu thủ tiếp tục cố gắng, chứ không chỉ làm đẹp phòng trưng bày cá nhân.

Một ngày sau Gala QBV 2014 diễn ra, Thể thao & Văn hoá đã cố gắng liên hệ với Ban tổ chức bầu chọn để hỏi lý do tại sao không công khai từng lá phiếu bầu, như cách mà họ từng làm cách đây vài năm, nhưng bất thành.

Người cần hỏi thì không nghe máy điện thoại, còn người lắng nghe câu hỏi lại không có đủ thẩm quyền để trả lời. Phải chăng những xì xầm xung quanh các danh hiệu là có thật?! Nếu thế, người được vinh danh cũng mất vui và giá trị giải thưởng cũng giảm đi vài phần nào.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm