VPF ra đời là tất yêu của lịch sử

22/10/2015 05:50 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Không bàn tới hiệu quả hoạt động của Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), lịch sử phát triển của hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp thế giới khẳng định sự ra đời của một mô hình Công ty cổ phần là tất yếu trong bước phát triển của bóng đá chuyên nghiệp.

Mô hình giải vô địch quốc gia trực thuộc quyền quản lý của Nhà nước đã thể hiện sự bất cập và hạn chế ở mọi quốc gia. Trong khoảng 25 tới 30 năm qua, hàng loạt giải vô địch quốc gia trên thế giới đã cho ra đời các Công ty cổ phần kiểu VPF của Việt Nam. Họ đã thay thế vai trò của các LĐBĐ trong việc tổ chức giải vô địch quốc gia. Lịch sử bóng đá Anh, Nhật Bản, Thái Lan... đều chứng minh điều đó. Sự ra đời của VPF ở Việt Nam vì thế là một tất yếu cần thiết cho sự phát triển.

Cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, bóng đá Anh chìm trong khủng hoảng, thua kém hoàn toàn so với Bundesliga và đặc biệt là Serie A. Vụ bê bối Hillsbrough 1989 là hồi chuông cảnh tỉnh buộc người Anh phải thay đổi. Hơn 20 CLB chuyên nghiệp đã ngồi lại với nhau, yêu sách với FA (LĐBĐ Anh) để thành lập Premier League - giải đấu được tổ chức theo mô hình một Công ty trách nhiệm hữu hạn.

Từ đó tới nay, Premier League đã phát triển trở thành giải vô địch quốc gia hấp dẫn nhất, giá trị nhất. Sự ra đời của Premier League đã giải quyết 2 vấn đề. Thứ nhất, nó giải phóng các CLB và giải đấu khỏi sự quản lý cứng nhắc của chính quyền, nó tạo điều kiện để các CLB tự chủ tài chính, nâng cao giá trị thương mai, thúc đẩy quảng cáo, truyền thông và kéo CĐV tới sân.

Thứ hai, các LĐBĐ không phải tổ chức giải chuyên nghiệp nên có điều kiện tập trung hơn vào đào tạo trẻ, xây dựng triết lý chung cho đội tuyển quốc gia và nền bóng đá. Sự chuyên môn hóa ấy là điều cần thiết trong kỷ nguyên mới của bóng đá.

Mô hình Premier League thành công đã mở đường cho các mô hình tương tụ. J-League, K-League, Thai Premier League... đều đã được xây dựng theo con đường đó. Malaysia cũng đang định học tập người Anh. Bóng đá Việt Nam cũng theo mô hình ấy với VPF nhưng tính hiệu quả thì chưa bằng.

Lịch sử cũng cho thấy khi tự thân nền bóng đá không thể tổ chức điều hành và thi đấu mà phải nhờ tới sự can thiệp từ bên ngoài thì đó là mầm mống của sự diệt vong. Việc giải vô địch quốc gia Indonesia bị đình chỉ cách đây vài tháng là một bằng chứng rất rõ ràng.

VPF ra đời là điều kiện đầu tiên cho sự phát triển chuyên nghiệp thật sự. Nhưng nó chưa phải là điều kiện đủ.

Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm