Trao Giải thưởng Trần Văn Giàu lần 5 - 2010: Giải “Lịch sử tư tưởng” vẫn để trống

07/09/2010 14:31 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Hôm qua 6/9, tại Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, 149 Pasteur, Q.3, Giải thưởng Trần Văn Giàu đã được trao lần thứ 5. Kết quả, công trình Lịch sử Nam bộ Kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975) đã nhận giải thưởng này với giá trị hiện kim là 200 triệu đồng cho lĩnh vực nghiên cứu Lịch sử. Năm nay giải dành cho lĩnh vực Lịch sử tư tưởng vẫn không chủ.

Công trình Lịch sử Nam bộ Kháng chiến chia làm 2 phần ứng với 2 thời kỳ: chống Pháp và chống Mỹ của một nhóm tác giả. Được khởi công năm 2002 theo quyết định của Trung ương Đảng và Chính phủ, đến năm 2006, phần thứ nhất Lịch sử Nam bộ Kháng chiến giai đoạn chống Pháp đã được trao giải thưởng Trần Văn Giàu lần thứ 3.

- Giáo sư Trần Văn Giàu sinh ngày 6/ 9/1911, vào ngày này hàng năm, giải thưởng mang tên ông sẽ được trao. Hôm qua, Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu đã long trọng mừng trường thọ 100 tuổi của giáo sư, dù ông không đến dự được do sức khỏe. PGS-TS Nguyễn Văn Lịch cho biết: “Cụ Trần Văn Giàu chỉ nhớ ông sinh vào Rằm tháng Bảy năm Tân Hợi. Chúng tôi đã tra lịch vạn niên tính ra ngày sinh của cụ là 6/9/1911 (Dương lịch) và ngày này được dùng làm ngày sinh nhật của cụ hơn 20 năm nay”.
Toàn bộ công trình gồm phần chính văn dày 1.200 trang và thêm phần phụ lục gồm chuyên đề, biên niên sự kiện kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hơn 3.000 trang. Công trình được chỉ đạo và biên soạn bởi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và nhà cách mạng lão thành Trần Bạch Đằng. Theo PGS-TS Nguyễn Văn Lịch, Phó Chủ tịch thường trực giải thưởng Trần Văn Giàu: “Từ ngày công trình này khởi công đến nay đã có 11 người trong ban chỉ đạo và biên soạn vĩnh viễn ra đi, chưa kịp nhìn thấy công trình trí tuệ và tâm huyết mà mình đóng góp hoàn thành”.

Qua 8 năm ròng với 15 lần chỉnh sửa, đến tháng 12/2009, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã nghiệm thu toàn bộ công trình Lịch sử Nam bộ Kháng chiến, đánh giá chung đạt chất lượng tốt với 92,53 điểm, xếp loại xuất sắc.
 
5 lần trao vẫn chỉ có giải “Lịch sử”

Giải thưởng mang tên nhà cách mạng lão thành, Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Trần Văn Giàu bắt đầu từ năm 2003 dành cho hai lĩnh vực Lịch sử và Lịch sử tư tưởng liên quan đến miền đất Nam bộ, cực Nam Trung bộ (tỉnh Bình Thuận) và TP.HCM. Tất cả người Việt Nam trên khắp thế giới đều có thể tham dự giải thưởng.

Đến nay, giải thưởng đã được trao cho các công trình nghiên cứu Lịch sử: Lần 1 cho công trình Nguyễn Tri Phương của nhà nghiên cứu Thái Hồng (cụ Thái Hồng nay đã qua đời), lần 2 cho công trình nghiên cứu về Địa chí Nam bộ của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (cụ Nguyễn Đình Đầu vừa mừng thọ 90 tuổi), lần 3 cho Lịch sử Nam bộ Kháng chiến chống Pháp của nhóm tác giả là các nhà cách mạng lão thành, nhà nghiên cứu khoa học lịch sử... Năm 2009, công trình nghiên cứu lịch sử Những di tích khảo cổ học thời văn hóa Óc Eo - Hậu Óc Eo ở An Giang của PGS-TS Phạm Đức Mạnh và nhóm khảo cổ đã nhận giải thưởng này với 150 triệu đồng.


Trung tướng Nguyễn Thới Bưng (trái), đại diện Hội đồng chỉ đạo và biên soạn Lịch sử Nam bộ Kháng chiến chống Mỹ nhận giải từ ông Tô Bửu Giám, Chủ tịch Ủy ban giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu

Từ ngày có giải thưởng Trần Văn Giàu đến nay vẫn chưa có giải dành cho các công trình nghiên cứu về Lịch sử tư tưởng dù thể lệ “khá thoáng”. Như TT&VH thông tin sau giải thưởng lần 4/2009, rằng: “Ủy ban Giải thưởng có hẳn một gợi ý gồm nhiều “gạch đầu dòng” để những ai quan tâm tìm tòi nghiên cứu Lịch sử tư tưởng. Chẳng hạn như Lịch sử tư tưởng không chỉ có trong triết học mà còn có ở tôn giáo, tín ngưỡng dân gian cũng như tư tưởng của các danh nhân như: Nguyễn Đình Chiểu, Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Thông, Ngô Nhân Tịnh... cùng các tác phẩm văn học nổi tiếng về đất và người Nam bộ”.

Đừng quá “e dè” trong dự giải

Cũng năm 2009, nhà cách mạng lão thành Tô Bửu Giám - Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu tổng kết: “Lần đầu có 43 tác phẩm dự giải, sau đó ít dần còn 14, lần 3 còn 7 và lần 4 còn 5 công trình. Chưa kể là nhiều công trình gửi về dự giải đã phạm quy. Như trong 43 tác phẩm gửi về dự giải Trần Văn Giàu lần 1 thì có đến 34 tác phẩm không hợp lệ. Tất nhiên, trong nghiên cứu khoa học, có nhiều tác phẩm công trình vẫn tốt, nhưng chất lượng tác phẩm mới đáng quan tâm hơn. Tuy vậy, không có tác phẩm thì lấy gì để xét giải và càng không thể nói đến việc trao giải”.

Đúng là để nhận Giải thưởng Trần Văn Giàu là vô cùng khó, vì giải thưởng đòi hỏi hàm lượng khoa học rất cao. Riêng trong Giải thưởng Trần Văn Giàu lần 5 - 2010 này, cũng chỉ có 5 công trình gửi đến dự giải, mà theo nhận định của Hội đồng khoa học của giải thưởng, thì: “chỉ có 2 công trình được đánh giá tốt”. Nhà cách mạng lão thành Tô Bửu Giám một lần nữa kêu gọi sự tham gia giải thưởng của các nhà nghiên cứu (là người Việt Nam trong lẫn ngoài nước) về lịch sử và lịch sử tư tưởng.

Ông Tô Bửu Giám nhấn mạnh: “Các nhà nghiên cứu tâm huyết, có năng lực, đang sinh sống ở các địa phương trong phạm vi Giải thưởng Trần Văn Giàu không phải là không có. Vấn đề là các tỉnh, thành có nhiệt tình tham gia giải thưởng hay không. Tôi cho rằng, các tỉnh còn e dè với giải thưởng vì họ nghĩ rằng, tham dự giải thưởng phải có công trình ở tầm “vĩ mô” chứ không phải nằm chuyên sâu, bó hẹp ở lịch sử một địa phương hay một vấn đề. Cuối cùng là chúng ta nghiên cứu lịch sử có khoa học, có tâm huyết hay không, chứ không phải vì uy tín lớn của cụ Trần Văn Giàu mà e dè khi tham dự giải”.

Quỹ Trần Văn Giàu đang “dư” ra 2 tỷ tiền lãi

Giá trị hiện kim của Giải thưởng Trần Văn Giàu phụ thuộc vào sự trượt giá của đồng tiền và lãi suất ngân hàng. Năm 2009, PGS-TS Phạm Đức Mạnh nhận được 150 triệu đồng giải thưởng, trong khi trung bình chỉ 100 triệu.

Báo cáo tài chính của Quỹ Trần Văn Giàu cho hay, luôn có 1 ngàn lượng vàng trong ngân hàng để lấy lãi trao giải hàng năm. Nhưng vì trao giải không liên tục do có năm không tìm được công trình xứng đáng, nên riêng số tiền những năm không trao giải cũng như các chi phí khác tiết kiệm được cũng lên đến hơn 2 tỉ đồng để cộng vào quỹ chính gửi ngân hàng lấy lãi trao giải cho năm sau.


Hoàng Nhân

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm