28/03/2018 07:32 GMT+7
(lienminhbng.org) - Dư âm vụ cháy tòa nhà Carina chưa chấm dứt dù đã gần một tuần trôi qua. Trong diễn biến mới nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã quyết định khởi tố vụ án này để điều tra, làm rõ những vi phạm quy định Phòng cháy chữa cháy trong vụ việc.
Và trong tuần lễ ấy, như một sự tình cờ, 2 đám cháy khác đã xảy ra tại khách sạn Hạnh Long (quận 5, TP.HCM) và chung cư Văn Khê (Hà Đông, Hà Nội). Không có thiệt hại nào về người, nhưng thông tin về đám cháy ở những tòa cao 9 tầng và 21 tầng ấy lại càng khiến chúng ta thêm nóng ruột, khi nghĩ về một vấn đề chung.
Đó là, nguy cơ hỏa hoạn từ những tòa cao ốc.
Đầu thập niên 1990, khi bộ phim “Vụ cháy khủng khiếp” của Mỹ được phát sóng trên truyền hình Việt Nam, số cao ốc trên toàn quốc vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Bởi thế, dù làm từ năm 1974, bộ phim ấy vẫn khiến khán giả Việt choáng váng về cảnh một tòa nhà chọc trời bốc cháy trong lễ khánh thành, với dòng người xô nhau tìm cách thoát hiểm.
Gần 30 năm trôi qua, giờ đây cao ốc không còn là của hiếm ở những đô thị lớn. Và, tạm nếu lấy cái mốc là năm 2002, khi vụ cháy tòa nhà ITC tại TP.HCM làm gần 60 người thiệt mạng, chúng ta cũng đã có hơn 15 năm “làm quen” với kiểu tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này.
Để rồi, cứ mỗi khi hỏa hoạn cao ốc xảy ra, người ta lại đua nhau nói về nguy cơ đang rình rập hàng trăm tòa cao ốc khác, như một nỗi ám ảnh.
***
Chỉ tính riêng tại Hà Nội, sau vụ cháy tại tòa nhà Carina, số liệu mới nhất của thành phố Hà Nội cho biết: toàn thành phố có 17 tòa chung cư cao tầng (đang sử dụng) không đạt tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy. Con số ấy tưởng như quá nhỏ so với hơn 1.000 cao ốc trên toàn thành phố. Nhưng cần nhớ: đó là những trường hợp bị đánh giá là “không thể khắc phục” - trong khi hàng chục tòa nhà khác đã được báo giới phản ánh là “khắc phục thần tốc” những sai sót trong đợt kiểm tra gần đây.
Sau vụ cháy lớn tại chung cư CT4A ở Xa La (Hà Đông, Hà Nội), người viết cũng đã có dịp trao đổi với một số chuyên gia về thiết kế và xây dựng để tìm hiểu về vấn đề này. Như phân tích chung, chuyện phòng cháy chữa cháy phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề ngay từ khâu xây dựng.
Đơn cử, chuyện kiểm tra phòng cháy chữa cháy không thể chỉ gói gọn trong việc kiểm kê hệ thống thiết bị chữa cháy, hay thống kê số cầu thang thoát hiểm trong từng cao ốc. Xa hơn, các yếu tố kỹ thuật về chất liệu và khả năng tản nhiệt của hệ thống cửa khi gặp hỏa hoạn, hay độ kín của lối thoát cũng cần tính đến. Bởi, nếu không có độ trễ nhiệt cao, các tấm cửa sẽ sớm bị chảy và khóa người dân ở bên trong, khi có hỏa hoạn.
Hoặc, cùng là giấy dán tường, loại giấy có giá 850 ngàn đồng/ m2 sẽ lập tức mủn ra khi bắt lửa - trong khi loại giấy chỉ có giá mấy chục ngàn (vốn rất phổ biến hiện nay) khi bắt lửa sẽ lập tức cháy lan sang các thiết bị khác trong công trình.
Tất nhiên, ai cũng hiểu, khả năng phòng cháy chữa cháy của mỗi cao ốc phụ thuộc rất lớn vào mức kinh phí đầu tư. Nhưng, với những gì vừa được chứng kiến trong những ngày vừa qua, có lẽ chủ đầu tư (và cả người tiêu dùng) cũng tới lúc phải tin rằng: sự an toàn của một cao ốc - dù có thể chưa phải tuyệt đối - chính là một yếu tố quan trọng để thuyết phục người ta bước vào đó.
Anh Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất