27/12/2016 06:08 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Cũng như nhiều người, người viết thực sự bất ngờ với thông tin Lê Công Vinh, cầu thủ được cho là thành công nhất trong bóng đá Việt Nam, được CLB bóng đá TPHCM bổ nhiệm vào chức vụ Phó Chủ tịch.
Nhưng Vinh đã chấp nhận bước vào một công việc mới, mà theo góc nhìn của tôi, thì đấy như một hình thức “góp vốn” của anh đối với CLB tân binh của V-League mùa giải 2017.
1. Trong bóng đá nước nhà, cũng từng có 2 cầu thủ khác 3 lần giành được Quả bóng Vàng Việt Nam như Công Vinh, trước anh có Lê Huỳnh Đức, và sau anh là Phạm Thành Lương (người đồng đội mới cùng nói lời chia tay đội tuyển).
Theo đó, Huỳnh Đức cũng từng có một sự nghiệp vô cùng thành công khi là người thứ 2 ở Việt Nam vô địch quốc gia trong vai trò cầu thủ lẫn HLV (sau ông Lê Thụy Hải từng VĐQG năm 1980 với Tổng cục Đường sắt khi là cầu thủ, sau đó vô địch V-League khi là HLV B.Bình Dương).
Không hề quá lời khi nói Huỳnh Đức là đại diện tiêu biểu nhất cho các chân sút của “thế hệ vàng”, mẫu tiền đạo toàn diện hiếm có của bóng đá Việt Nam trong suốt một thời gian dài. Sau Huỳnh Đức, chỉ có Công Vinh có thể sánh vai ở góc độ này.
Nhưng so với Lê Huỳnh Đức, Công Vinh không thể bì được ở hình thể trời phú, ở sức càn lướt và khả năng chơi bóng bổng. Có lẽ cũng bởi cái chiều cao không phải lý tưởng, cộng thêm một nhược điểm là khi đi bóng tốc độ cao hay chúi đầu, Vinh chưa phải mẫu trung phong lý tưởng như người đàn anh ấy.
Bởi vậy, hơn ai hết, Công Vinh ý thức rất rõ cần phải làm gì để có thể đạt tới cái tầm của Huỳnh Đức. Anh đã vô cùng nỗ lực rèn luyện, trui rèn để mài sắc kỹ năng dứt điểm một cách toàn diện.
Vinh có thể không cao, nhưng anh vẫn thường xuyên ghi bàn bằng những cú đánh đầu, thậm chí là những bàn thắng rất quan trọng và thực sự “để đời” như trong trận chung kết lượt về AFF Suzuki Cup 2008. Mấu chốt nằm ở kỹ năng di chuyển không bóng, chọn vị trí và dứt điểm. Điều thú vị ở chỗ, giải đấu cuối cùng mà Huỳnh Đức thi đấu cho đội tuyển Việt Nam là Tiger Cup 2004, cũng chính là giải đấu lớn đầu tiên mà Vinh được sát cánh và học hỏi từ người đàn anh cùng họ.
Tới đây tôi xin được một lần nữa nhấn mạnh yếu tố quyết định tạo nên những thành công rực rỡ trong sự nghiệp cầu thủ của Lê Công Vinh: Sự cầu tiến và ham học hỏi. Vinh đã học cái hay trong khả năng chạy chỗ và đánh đầu của Huỳnh Đức, cái sự tinh tế và khéo léo từ “thần tượng” Ronaldo (Brazil) cũng như một đàn anh khác là Phạm Văn Quyến.
Và một yếu tố quan trọng khác: Vinh học từ chính thực tiễn, nhận thức rất rõ những yêu cầu đối với một cầu thủ chuyên nghiệp để tu dưỡng bản thân thành một mẫu cầu thủ thật sự toàn diện.
2. Sau 13 năm chơi bóng chuyên nghiệp, Lê Công Vinh đã có 3 Quả bóng vàng (2004, 2006 và 2007), 1 Quả bóng bạc (2005), 3 Quả bóng đồng (2008, 2014, 2015), kỷ lục cầu thủ thi đấu nhiều nhất và ghi nhiều bàn nhất cho đội tuyển Việt Nam (và thuộc top 10 của thế giới), kỷ lục cầu thủ ghi nhiều bàn nhất lịch sử V-League, top 3 cầu thủ ghi nhiều bàn nhất tại AFF Cup... Đấy là một “gia tài chiến tích” thật sự khổng lồ, rất đáng ngưỡng mộ, và vì thế, tiếng nói chuyên môn của Công Vinh hẳn nhiên sẽ rất có trọng lượng.
Tôi cho rằng trước khi bổ nhiệm một cựu cầu thủ mới hơn 31 tuổi như Công Vinh vào chiếc ghế Phó Chủ tịch, lãnh đạo CLB bóng đá TP.HCM đánh giá rất cao bảng thành tích ấy và điều họ kỳ vọng, chính là tạo nên một hình mẫu – tấm gương sáng đối với đội ngũ cầu thủ của mình trước mùa đầu tiên thi đấu tại V-League.
Nhìn từ một góc độ khác, không chỉ rất thành công về chuyên môn, Lê Công Vinh đã gần như trở thành một biểu tượng, một cái tên “hút hàng” đối với giới truyền thông. Bởi vậy, gần như ngay lập tức, người ta thấy tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng những thông tin, bài viết xung quanh việc “Công Vinh làm sếp bóng đá”.
Với gương mặt sáng, thông minh và đội nổi tiếng ít ai bằng, Vinh từng làm đại diện một số nhãn hàng và được mời tham gia nhiều “show” quảng cáo (trong đó có cả hợp đồng quảng cáo có sự hiện diện của bà xã anh, nữ ca sĩ Thủy Tiên).
Vì thế, khi ban lãnh đạo của CLB có thêm 1 tên tuổi như Công Vinh, thì hẳn nhiên cũng sẽ tạo nên một hiệu ứng truyền thông đặc biệt, một sức hút vô hình đối với nhiều đối tác hiện tại hoặc tạm thời còn ở dạng “tiềm năng” của CLB.3. Nhìn một cách toàn diện, có thể nhận thấy rằng ban lãnh đạo của CLB TP.HCM đã suy nghĩ rất kỹ và họ nhận thấy sẽ ĐƯỢC rất nhiều khi mời được Công Vinh ngồi vào chiếc ghế Phó Chủ tịch ở mùa bóng mới, qua đó tận dụng “vốn liếng” từ chính tên tuổi và uy tín của Vinh.
Còn từ góc độ của Lê Công Vinh, tôi cho rằng sự kiện “góp vốn” này cũng tạo nên một bước ngoặt thú vị trong sự nghiệp bóng đá của anh. Người ta sẽ thấy một Lê Công Vinh khác, thay vì đóng góp trực tiếp bằng năng lực cá nhân, trở thành một người “hướng đạo” cho nhiều cầu thủ khác, giúp họ tiến bộ nhanh hơn cả về chuyên môn lẫn tính chuyên nghiệp.
Và người ta có thể trông đợi, từ bước đi đầu tiên trong quãng đời mới này, bằng ý chí và khát khao của mình, Công Vinh sẽ tiếp tục thành công trong những vai trò mới, làm phong phú thêm sự nghiệp bóng đá của bản thân anh.
Có thể xem đây như một quyết định đột phá, có phần táo bạo của CLB TP.HCM và cá nhân Lê Công Vinh. Nhưng điều này hẳn cũng nằm trong sự tính toán kỹ lưỡng và nghiêm túc từ cả 2 phía. Xin chúc Lê Công Vinh và CLB mới của anh thành công!
Hữu Binh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất