27/05/2017 20:15 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) – Bà sử dụng Skype, Facebook và dành cuộc đời chống lại những định kiến bằng sự ham học hiếm có của mình.
Thoạt nhìn, cụ bà Lê Thi trông giống như những phụ nữ lớn tuổi nói chung. Ở tuổi 97, bà gần như đã rụng hết răng và cái lưng gù nặng khiến bà di chuyển khó khăn. Bà dành phần lớn thời gian nằm nghiêng trên giường, bỏm bẻm nhai trầu.
Nhưng cụ già gần trăm tuổi này nhanh chóng hoạt bát khi được hỏi về niềm đam mề của bà với viết lách, vẽ tranh, và trên tất cả: học hỏi những điều mới.
Bà ngồi bật dậy, mắt lấp lánh và miệng cười rộng khi nói về cuộc sống thời Pháp thuộc hơn nửa thế kỷ trước, khi skype với cháu nội đang sống ở Moscow và khi viết sách ở tuổi 87.
“Nếu có 10 điều tôi không biết, tôi muốn được học càng nhiều càng tốt”, bà nói. “Tôi từng là một đứa trẻ mù chữ đấy”. Sự tò mò cháy bỏng và khát khao hiểu biết này đã đưa bà Lê Thi trở thành cụ bà thông tuệ internet nhất Việt Nam.
Bà đón nhận tin tức hàng ngày từ Google và Yahoo. Bà tích cực cập nhật trang Facebook cá nhân, và giữ liên lạc với gia đình cũng như bạn bè qua Skype. Bà cũng thường vào các diễn đàn văn chương và bày tỏ ý kiến.
Bà Lê Thi lần đầu học dùng máy tính vào năm 2007 vì bà muốn viết một cuốn sách về đời mình nhưng cảm thấy thật khó nếu dùng bút và giấy. “Tay tôi run rẩy và tôi không còn nhìn rõ mọi thứ”, bà nói.
Chứng kiến cảnh bà vật lộn với trang giấy, cháu bà đã đưa bà một chiếc máy tính xách tay và dạy bà cách gõ. Ba năm sau, vào năm 2010, bà phát hành cuốn tự truyện mang tên Ngược dòng.
Rất nhiều người trẻ đã bày tỏ sự ngưỡng mộ trước trình độ tin học của bà, đặt cho bà những biệt danh như “cụ còng xì tin” hay “trẻ mãi không già”.
“Tuổi thực của tôi là gần 100 nhưng tuổi tâm hồn có 20 thôi”, bà Lê Thi mỉm cười chia sẻ.
Bà Lê Thi sinh năm 1920, trong một thế giới khác xa bây giờ. Thời đó, ở Việt Nam, đàn ông có địa vị cao hơn hẳn phụ nữ. Anh trai bà Lê Thi thậm chí không cho phép bà đứng cạnh ông.
“Ông anh bấy giờ rất ghê gớm. Đứng gần ông đuổi đi, ‘Đàn bà, bẩn, đi ra chỗ khác’. Ông ấy còn không cho phép tôi ngồi ghế”, bà Lê Thị, người con thứ tám trong gia đình, nhớ lại. “Với ông ấy, đàn bà là bẩn. Tôi cực kỳ chán nản chỉ vì mình sinh ra là đàn bà, ai cũng có thể coi thường mình”.
Là phụ nữ cũng có nghĩa là bà Lê Thi không được phép đi học, thậm chí khi cha bà là một nhà giáo. Dù vậy, bà vẫn yêu con chữ và tranh vẽ. Bà nói: “Khi bố đọc được, khi anh đọc được, người khác đọc được mà mình nhìn vào giấy không đọc được thì tức quá. Tôi tức với cái thân phận của tôi. Con trai mà biết cái gì, tôi mong rằng tôi sẽ làm được cái ấy”.
Và rồi, bà Lê Thi tìm ra cách tự học và vẽ - trong bí mật.
“Bố tôi có rất nhiều sách. Tôi lấy chăn che lại và đọc vào buổi tối”, bà nhớ lại. “Tôi đốt cành cây để vẽ trên nền nhà. Tôi viết và vẽ mọi thứ”.
Tinh thần phản kháng đưa bà gia nhập Việt Minh, chiến đấu chống lại Nhật Bản trong Thế chiến II, sau đó là là đấu tranh chống Mỹ.
Đó là lúc bà kết hôn với chồng, một giáo viên. Nhưng cuộc hôn nhân chỉ kéo dài 17 tháng vì chồng bà qua đời do trúng bom. Họ chỉ có duy nhất một con trai với nhau. Dù vậy, giờ đây, bà nói: “Tôi không có thù hằn với bất cứ cá nhân hay quốc gia nào. Tôi ghét chiến tranh. Mục tiêu duy nhất của tôi là làm cho Việt Nam trở thành một nơi tốt đẹp hơn cho mọi người để họ có thể sống cuộc đời của mình”.
Trong đường đời dài dặc, bà đã làm vô số công việc – từ chăn thả gia súc tới xây dựng, thêu thùa – nhưng bà Lê Thi không bao giờ từ bỏ đam mê học tập của mình.
Bà hiện sống trong một căn phòng sáng sủa và thoáng mát, nơi bà có thể đọc, lướt mạng và vẽ lên những điều trái tim bà nói. Bà tự hào rằng cậu con trai duy nhất và ba cháu đều đã hoặc đang theo học sau đại học.
Bà Lê Thi hiện đã hoàn thành hơn 2.000 bức tranh (mà bà thích giữ lại hơn là bán) và viết khoảng 50 cuốn sách cũng như hồi ký. Nhưng bà vẫn không có ý định dừng lại. Dự án lớn tiếp theo của bà là phần tiếp theo của cuốn sách Vòng xoáy cuộc đời.
“Tôi viết về những suy nghĩ của tôi về cuộc sống hiện nay”, bà tiết lộ. “Thế giới như một vòng xoáy vật chất. Mọi người nghĩ tiền có thể mang cho họ hạnh phúc. Nhưng với tôi, hạnh phúc là tự do, hạnh phúc là hiểu biết, và hạnh phúc là khoa học. Tôi thấy tiếc cho những ai phí phạm thời gian của họ”.
Bà cũng thừa nhận tuổi tác cuối cùng cũng bắt kịp mình, và viết lách không còn dễ dàng như trước. Bà từng có thể thức cả đêm để viết, nhưng giờ chỉ sau vài giờ, bà đã thấy mệt. Dù vậy, bà không bỏ cuộc – dẫu có phải mất 10 năm nữa để viết xong sách.
“Tôi muốn truyền hiểu biết của mình cho các cháu tôi”, bà nói.
“Cụ còng xì tin”, người luôn coi “kẻ thù lớn nhất của đời người là sự ngu ngốc”, cũng vẫn chưa hết ham học. “Có hàng triệu thứ tôi muốn biết. Có mất thêm cả thế kỷ nữa để học, tôi cũng sẵn sàng”.
Cụ Lê Thi khiến giới trẻ kính nể vì lòng ham học của mình
Giả Bình (Theo CNA)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất