Củng Lợi: Xấu hổ khi phim Trung Quốc không tranh giải tại Cannes

14/05/2016 06:48 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Tại LHP Cannes năm nay, nữ diễn viên đại lục Củng Lợi đã xuất hiện trên thảm đỏ trong ngày khai mạc và tham dự màn chiếu phim Cafe Society của đạo diễn Mỹ Woody Allen. Nói chuyện với báo giới tại đây, Củng Lợi đã thẳng thắn phê phán những nhược điểm còn tồn đọng của nền điện ảnh Trung Quốc.

Năm nay, điện ảnh Trung Quốc không có phim nào tham gia tranh giải Cành cọ Vàng. Song điều đó cũng không ngăn cản được các ngôi sao Trung Quốc xuất hiện trên thảm đỏ ở Cannes. Củng Lợi là gương mặt quen thuộc tại sự kiện điện ảnh này và năm nay chị tới đây theo lời mời của một trong những nhà bảo trợ LHP.

Vốn là người thẳng tính, Củng Lợi bày tỏ chị cảm thấy đáng tiếc khi phim Trung Quốc hiện nay quá thiên về khía cạnh giải trí, nhiều đạo diễn chỉ chú trọng tới số lượng phim mà họ sản xuất và lượng vé bán ra, chứ không quan tâm tới chất lượng thực sự của phim.

Theo Củng Lợi, các diễn viên thường có mặt tại LHP Cannes nên xem nhiều phim hơn và yêu thích công việc của mình một cách có chiều sâu hơn nữa, nếu chỉ tới LHP với mục đích chụp ảnh, "khoe mẽ" thì thật đáng tiếc.

Dưới đây là cuộc chuyện trò của Củng Lợi với phóng viên báo chí:

Nền điện ảnh Trung Quốc quá coi trọng khía cạnh giải trí

* Đây là lần thứ 15 chị tới LHP Cannes. Mỗi lần tới chị có thấy điều gì mới mẻ không?

- Mỗi lần tới đây tôi lại càng cảm thấy công việc của mình thật tuyệt vời và hoàn toàn không muốn từ bỏ. Nhiều khi thấy mệt mỏi, tôi chỉ muốn bỏ việc. Song khi tới Cannes, nhìn thấy nhiều người tôn trọng điện ảnh và khi vào rạp chiếu xem phim, tôi lại cảm thấy đây là công việc tuyệt vời, là một phần không thể thiếu trong cuộc đời.


Nữ diễn viên đại lục Củng Lợi trên thảm đỏ LHP Cannes năm nay

* Năm nay, nhiều đạo diễn bậc thầy trở lại Cannes tham gia tranh giải Cành cọ Vàng. Chị đặt kỳ vọng vào đạo diễn nào nhất?

- Tôi đã xem 2 bộ phim của Hàn Quốc, Nhật Bản và thấy thật xấu hổ khi năm nay Trung Quốc không có phim nào tham gia tranh giải. Tôi nghĩ cuộc cạnh tranh năm nay cực kỳ khốc liệt bởi trong số các đạo diễn có phim tranh giải không có gương mặt nào mới.

Hơn nữa, tôi cũng không biết thị hiếu của ban giám khảo năm nay như thế nào. Họ đến từ nhiều nước khác nhau, trong đó một số là diễn viên, một số lại là đạo diễn, nên thật khó đoán trước được. Tôi muốn xem tất cả các phim tranh giải năm nay. Tất cả các phim được chọn tranh giải Cành cọ Vàng đều là phim hay.

* Khá là hiếm khi Trung Quốc không có phim nào tham gia tranh giải và cũng không có phim trình chiếu tại LHP như năm nay.

- Không phải đến bây giờ mới xảy ra hiện tượng Trung Quốc từng có nhiều phim hay và năm nay thì không. Chuyện này đã xảy ra nhiều lần rồi. Thị trường Trung Quốc rất lớn, song vấn đề lớn nhất là phải cố gắng hết sức để có thể tự đứng bằng đôi chân của mình.

Thị trường điện ảnh Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của Hollywood. Phim Trung Quốc dành cho khán giả quốc tế vẫn chỉ là những phim trước đây chứ người ta không kỳ vọng vào những bộ phim được sản xuất hiện nay ở Trung Quốc.

 Tôi lấy làm tiếc khi không hề được xem một bộ phim Trung Quốc nào hay ho trong thời gian dài qua. Các nhà làm phim Trung Quốc nên thực sự nghĩ về điều đó. Phim không chỉ mang tính giải trí mà còn phải có khả năng thanh lọc tâm hồn bạn.

Nếu chỉ “khoe mẽ” thì thật sai lầm

* Chị nghĩ gì về các đạo diễn đang nổi hiện nay? Chị có muốn làm việc với họ?

- Tôi không quan tâm tới chuyện làm việc với đạo diễn trẻ hay là "lão làng". Điều cuốn hút tôi là vai diễn và kịch bản hay. Làm phim có nghĩa là làm việc với tinh thần tập thể. Đạo diễn giỏi mà không có một ê-kíp tài năng thì không thể làm được một bộ phim hay, hoặc một diễn viên có tài nhưng làm việc với một ê-kíp không giỏi thì cũng không thể tỏa sáng được.

Nhiều đạo diễn mới muốn thử, nhưng họ muốn tác phẩm của mình phải ăn khách, bởi vậy họ trở nên cực đoan và các câu chuyện trong phim của họ chỉ nhắm tới tính giải trí. Cứ như vậy khiến họ đi trượt theo cách làm đó và khó có thể trở lại. Họ cần một thời gian để mọi thứ lắng xuống.

Ở Trung Quốc có nhiều đạo diễn, song các đề tài mà họ chọn lại giống nhau hoặc nói cách khác, họ chỉ nhắm tới yếu tố thị trường. Đối với họ, chất lượng phim không quan trọng, tất cả những gì mà họ quan tâm là con số hoặc tiền bạc. Điều này không hề có lợi đối với phim cũng như nền văn hóa Trung Quốc.

* Không chỉ có các đạo diễn mà còn có nhiều diễn viên nói rằng họ tới Cannes chỉ để xuất hiện trên thảm họ. Họ muốn được "khoe mẽ" tại LHP và sau đó trở về tham gia một số dự án…

- Nếu họ thực sự nghĩ theo cách đó thì tức là họ sai lầm, song tôi nghĩ bạn có thể tới đây để xem phim nước ngoài nó như thế nào và có bao nhiêu diễn viên quốc tế tới đây để giới thiệu các bộ phim của họ.

Diễn viên Trung Quốc nên vượt ra khỏi biên giới nước mình, đi xem phim nếu như họ có thời gian, chứ đừng tới đây chỉ để xuất hiện trên thảm đỏ rồi "chuồn" ngay lập tức. Xem phim rất hữu ích cho sự nghiệp của bạn và có thể sau đó bạn sẽ cảm thấy yêu nghề hơn.

Nếu không mang suy nghĩ đó, bạn tới các liên hoan phim mà chẳng vì điều gì khác ngoài việc phô trương thanh thế thì thật là đáng tiếc.

Việt Lâm (theo China Daily)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm