03/10/2013 08:45 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Huyền thoại rock 'n' roll Elvis Presley ở Đức chưa đầy 18 tháng, tuy nhiên sự hiện diện của ông đã để lại một dấu ấn vô cùng sâu sắc tại thị trấn Hessian, nơi ông đóng quân khi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong quân đội Mỹ.
Elvis Presley tới Friedberg khi ông đã là một ngôi sao quốc tế. Lúc đó, lượng đĩa bán ra của ông đã đạt hơn 50 triệu bản, đã xuất hiện trên truyền hình và màn bạc.
Siêu sao khoác áo lính
Ngày 1/10/1958, Presley cập bến ở cảng Bremerhaven (thành phố cảng Bremen, Đức). Từ đây, Presley đi tàu hỏa tới căn cứ của Mỹ ở Friedberg, gần thành phố Frankfurt, nơi có đông đảo người hâm mộ và báo giới chờ đón ông.
Ngày 2/10, vua rock chuyển tới trại lính Ray ở Friedberg. Ông ở trong một căn phòng của tòa nhà 3707. Presley thực hiện nghĩa vụ trong một đơn vị xe tăng. Tuy nhiên, các cấp trên của Presley cho ông được hưởng đặc ân, vì vậy Presley không phải thực hiện nhiệm vụ đầy đủ như những người lính khác. Không lâu sau đó, Presley đã rời doanh trại, tới ở trong một khách sạn, trước khi tới ở một căn hộ tại thị trấn Bad Nauheim gần đó. Vua rock Elvis Presley lần đầu tới căn cứ quân sự của Mỹ ở Friedberg (Đức), nơi ông thực hiện nghĩa vụ quân sự
Còn người hâm mộ tuổi teen, ngày cũng như đêm, luôn kiên nhẫn đợi để được nhìn thấy vua rock. Sự chờ đợi của họ luôn được tưởng thưởng bởi Presley không bao giờ từ chối bất cứ ai “săn lùng” chữ ký của ông, đặc biệt là những cô gái tuổi teen. Với phong cách trình diễn hết mình, những cú lắc hông dữ dội, đầy gợi cảm cùng những ca khúc ủy mị, Presley đã làm “tan chảy” nhiều trái tim phụ nữ.
Angelika Springauf là một trong những người hâm mộ nữ tuổi vị thành niên đã cắm trại ngay trước nhà của Presley ở Bad Nauheim. Nhiều thập kỷ sau, bà đã tự hào chụp hình bên một bức ảnh cũ, ghi lại hình ảnh bà được đứng cạnh Presley. Thậm chí giờ đây nhiều người hâm mộ trung thành ở thị trấn này vẫn “nuôi” những ký ức của họ về Presley.
Đưa bản dân ca Đức nổi tiếng toàn cầu
Trong thời gian đi lính ở Đức, Presley quan tâm nhiều tới những chiếc “xế hộp” và phụ nữ đẹp hơn là việc thực hiện nghĩa vụ. Ví dụ điển hình là tới nay vẫn còn một bức ảnh chụp Uschi Siebert, hoa hậu năm 1958 của bang Hesse, giới thiệu với Presley chiếc ô tô thể thao BMW 507 mà tay đua Hans-Joachim Stuck đã nhiều lần lái tới vinh quang.
Năm 1959, Presley đã gặp người vợ tương lai của mình, Priscilla Beaulieu. Năm Beaulieu 14 tuổi, cha dượng của bà, một sĩ quan không quân, được thuyên chuyển tới Bad Nauheim. Currie Grant, người quản lý của Câu lạc bộ Eagle đồng thời là một người bạn của gia đình Beaulieu, thường đưa bà tới những bữa tiệc được tổ chức tại nơi ở của Presley ở Goethestrasse. 8 năm sau, 2 người tổ chức đám cưới.
Khi Presley ở Đức, bản dân ca nổi tiếng của Đức Muss I Denn Zum Stadtele Hinaus đã có niên đại ít nhất 200 năm. Tuy nhiên, nhạc phẩm có giai điệu hành khúc này không được công chúng thế giới biết đến, cho tới khi Presley trình diễn nó với phiên bản tiếng Anh, mang tựa đề Wooden Heart.
Công chúng được nghe vua rock thể hiện ca khúc này lần đầu tiên trong phim ca nhạc hài G. I. Blues (1960). Wooden Heart chiếm vị trí quán quân trong bảng xếp hạng Anh trong 6 tuần liền.
“Ngôi nhà châu Âu” của vua rock Ngày 2/3/1960, Presley hoàn thành nghĩa vụ quân sự ở Bad Nauheim. Ông trở về Mỹ và từ đó cho đến khi qua đời (1977) chưa hề trở lại nước Đức. Tuy nhiên, dấu ấn của ông ở thị trấn này vẫn còn rất sống động. Ở đây có đài kỷ niệm Presley, có Quảng trường Presley và Con đường Danh tiếng Presley. Và với Liên hoan Elvis châu Âu, năm nào cư dân của Bad Nauheim cũng đưa vua rock trở lại với “ngôi nhà châu Âu” của ông. |
VIỆT LÂM (theo DW)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất