'Bà đầm thép', phim thất bại gây nhiều bàn tán

03/12/2014 14:03 GMT+7 | Phim

(lienminhbng.org) - Nếu Mạng xã hội (The Social Network) là một phim hay với diễn xuất tốt đồng đều của dàn diễn viên trẻ tuổi, thì Bà đầm thép (The Iron Lady) là một phim tệ, nhưng lại có màn diễn xuất đỉnh cao của minh tinh kỳ cựu Meryl Streep.

Bà Đầm Thép, ra mắt năm 2011, không phải một phim điện ảnh thành công, nhưng diễn xuất của diễn viên chính Meryl Streep lại quá xuất sắc, khiến bà đoạt giải Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất. Bộ phim cũng là một trường hợp độc đáo của dòng phim tiểu sử về các nhân vật nổi tiếng.

Chủ đề của phim là “Bà đầm thép” Margaret Thatcher, nữ Thủ tướng duy nhất của Anh tính đến nay.  Đây là một chủ đề khó và đầy mạo hiểm, không chỉ vì Thatcher luôn được nhìn nhận rất đa chiều trong lịch sử mà còn bởi nhân vật này và những người xuất hiện trong phim hầu hết vẫn còn sống khi phim công chiếu. Cả Thatcher lẫn những người thân của bà đều tẩy chay, tuyên bố không hề xem phim.

Biểu tượng văn hóa và chính trị đặc sắc

Phim mở đầu với bối cảnh năm 2008, khi truyền thông Anh đang đưa tin về vụ đánh bom khách sạn Marriott tại Islamabad (Pakistan), một phụ nữ Anh lớn tuổi vào siêu thị mua sữa và trở ra mà không ai nhận ra bà là cựu Thủ tướng của nước Anh. Margaret Thatcher trở về ngôi nhà riêng nơi bà sống trong đơn độc tuổi già, khi người chồng đã qua đời và con cái do bất đồng nên ít gặp mặt. Bà còn phải đối mặt với chứng mất trí.

Bộ phim chiếu đan xen hiện tại và quá khứ, một thủ pháp quen thuộc trong các phim tiểu sử. Phim đưa khán giả đi từ cuộc sống của một bà già yếu ớt, lần lượt điểm lại những thời khắc quan trọng trong cuộc đời từng ở đỉnh cao quyền lực.


Margaret Thatcher (trái) và Meryl Streep trong vai bà.

Từ một cô gái với xuất thân bình thường, Thatcher cố gắng chen chân vào đảng Bảo thủ, nơi đàn ông thống trị, và thách thức họ. Năm 1979, Thatcher giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Thủ tướng Anh và lên nắm quyền trong hoàn cảnh nạn thất nghiệp đang tràn lan và kinh tế Anh rơi vào giai đoạn khốn khó.

Nhiều cuộc nổi dậy, đình công và tấn công người của chính phủ đã diễn ra, trong đó Thatcher và người chồng Denis cũng suýt bỏ mạng.Sau 11 năm nắm quyền đầy biến động và tranh cãi xen lẫn thành tựu, Thatcher từ chức và rời khỏi số 10 phố Downing trong nước mắt.

Vai Thatcher thời trẻ do nữ diễn viên Alexandra Roach đảm nhận với tạo hình khá hợp vai, nhưng thực sự hóa thân vào nhân vật vẫn là minh tinh Meryl Streep. Khi những hình ảnh đầu tiên của Streep trong vai Thatcher được tung ra để quảng bá cho phim, khán giả rất háo hức vì tạo hình của nữ diễn viên cứng rắn, uy quyền.

Theo Daily Mail, thực tế là 20 năm sau khi từ nhiệm, Thatcher vẫn để lại sức ảnh hưởng lên chính trường châu Âu lớn hơn bất cứ vị nguyên thủ nào của châu lục này sau Thế chiến thứ 2. Hơn mọi đối thủ của mình, bà trở thành một biểu tượng văn hóa và chính trị, được tôn kính và thù ghét ngang nhau, và đều ở mức độ cao. Một nhân vật “ghê gớm” như vậy, nhưng tiếc là bộ phim không đạt được tầm vóc đó.

Lãng phí tài năng của Meryl Streep

So với Mạng xã hội, bộ phim được 7,4 điểm trên trang xếp hạng phim IMDb và 96% trên Rotten Tomatoes, Bà đầm thép kém hơn hẳn, chỉ được 6,4 trên IMDb và 51% trên Rotten Tomatoes. Bà đầm thép cũng nhận được ít lời khen hơn từ giới phê bình, và không được tờ báo nào chọn là phim hay nhất năm 2011. Trong khi đó, 14 tờ báo và tạp chí uy tín đã chọn Mạng xã hội là phim hay nhất 2010.

So sánh thành tích hai bộ phim để nói lên rằng dù chỉ là một tác phẩm điện ảnh trung bình, Bà đầm thép vẫn xứng đáng được nhắc đến trong số những phim tiểu sử vĩ nhân nổi bật trong những năm qua. Bởi, nhân vật chính là con người độc đáo, nổi tiếng và hơn thế là diễn xuất của minh tinh Meryl Streep trong vai này. Có thể nói Streep đã diễn rất xuất sắc, gần với sự hoàn hảo, trở thành trung tâm trong phim.

Đặt trong tương quan so sánh, Mạng xã hội là một phim hay hơn nhiều nhưng các vai diễn tốt đồng đều, dù vai chính của Jesse Eisenberg diễn rất hay nhưng không bỏ xa các vai khác đến mức như trong Bà đầm thép. Nhưng dù khác nhau khá nhiều, hai bộ phim vẫn gặp nhau ở điểm chung quan trọng nhất, và cũng là điểm chung thường gặp trong phim tiểu sử. Chúng đều mô tả về các vĩ nhân từ góc nhìn đời thường, khai thác những biểu hiện nội tâm để dựng nên chân dung một con người với tầm vóc ảnh hưởng lớn. Mặc dù vậy, Bà đầm thép đã không thực sự thành công trong nhiệm vụ này.

“Bạn phải thật tài năng mới có thể làm việc với Meryl Streep. Và bạn cũng phải biết cách sử dụng tài năng của cô ấy ra sao. Bà đầm thép thất bại trong cả hai nhiệm vụ này” – nhà phê bình Roger Ebert từng viết. Trong một bộ phim được giới phê bình nhận xét là “cả đạo diễn lẫn biên kịch đều có vẻ như hiểu biết rất ít về Thatcher và không biết nói lên điều gì về con người bà”, diễn xuất của Streep vẫn hấp dẫn một cách đáng ngạc nhiên.

Nhưng người ta nhận ra rằng, bất chấp việc Streep cuốn hút trong từng động tác, cử chỉ, biểu cảm, thì khi phim kết thúc, khán giả vẫn không có một ý niệm rõ ràng về hình tượng Thatcher trong phim. Bà là một con quỷ hay một nữ anh hùng? Họ không có câu trả lời.

Theo Ebert, phim không hề có một chi tiết nào thể được uy quyền tuyệt đối của Thatcher đối với bất cứ ai tiếp xúc với bà, kể cả những người đàn ông quyền lực như nhà ngoại giao Henry Kissinger.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm