Cuộc đối thoại sâu, rộng giữa nhà văn và đạo diễn

16/04/2021 19:08 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Ở góc độ văn học so sánh, TS Nguyễn Thị Thu Thủy, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, cho rằng, nếu đặt những bộ phim chuyển thể bên cạnh truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong 3 trường hợp: Thương nhớ đồng quê, Tâm hồn mẹ, Những người thợ xẻ thì sẽ thấy được một cuộc đối thoại.

Khơi dòng điện ảnh từ truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (kỳ 1): 'Vùng khí hậu' đậm chất điện ảnh

Khơi dòng điện ảnh từ truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (kỳ 1): 'Vùng khí hậu' đậm chất điện ảnh

Trong số những nhà văn thuộc lớp đầu Đổi mới, có lẽ Nguyễn Huy Thiệp có duyên với điện ảnh sâu sắc nhất. Các tác phẩm như Tướng về hưu, Thương nhớ đồng quê, Những người thợ xẻ, Tâm hồn mẹ đã được chuyển thể thành phim từ cuối thập niên 1980 là minh chứng cho chất điện ảnh dồi dào trong văn chương của ông.

Cuộc đối thoại không chỉ về mặt ý nghĩa giữa câu chuyện được truyền tải trong phim so với tác phẩm văn học mà đó là cuộc đối thoại rộng hơn, sâu hơn, sắc nét hơn với những giá trị mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã để lại trong văn chương.

Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp và 3 bộ phim chuyển thể của các đạo diễn Đặng Nhật Minh, Vương Đức và Phạm Nhuệ Giang có thể nói đều là những văn bản đa tầng, khơi gợi và thôi thúc sự khám phá nơi người đọc, người xem.

Biên độ sáng tạo vừa đào sâu, vừa mở rộng từ truyện sang phim

Thương nhớ đồng quê, nhân vật Ngữ trong truyện được khắc họa rất nhẹ. Ngữ chỉ được nhắc đến trong sự vò võ khi mỗi lần cô ngẩng lên nhìn vòng cung Đông Sơn bằng một sự mong chờ. Sống ở trong một làng quê nhỏ hẹp nhưng đôi mắt Ngữ luôn hướng ra ngoài như chờ đợi một điều gì đó ở phương xa.

Chú thích ảnh
Đạo diễn Đặng Nhật Minh chỉ đạo 2 diễn viên Thúy Hường và Lê Vân trong phim “Thương nhớ đồng quê”

Trong khi ở phim, nhân vật Ngữ lại được khắc họa hết sức sâu với diễn xuất có hồn của diễn viên Thúy Hường, lột tả rõ được tâm trạng của một người phụ nữ đã bị tổn thương khi chồng đi xa nhưng không có bất cứ một sự liên hệ nào với mình. Trong phim, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã khai thác được sự tổn thương hiệu hữu này của nhân vật Ngữ.

Hay ở nhân vật Quyên, xuất hiện với những câu thoại không có trong truyện, đã làm nổi bật thêm vấn đề được cả nhà văn và đạo diễn đặt ra. Quyên ở một thế giới khác trở về với làng quê, sau những biến cố ở làng, Quyên lại ra đi bằng câu thoại cuối cùng với Nhâm đầy ẩn ý: “Những ngày chị sống ở nơi đất khách quê người chị không còn biết mình là ai, mình từ đâu tới. Nhưng bây giờ thì chị hiểu rằng dù đi đâu, ở đâu, chị cũng là một phần của mảnh đất này…”.

Quyên trở về và ra đi trên cùng một chuyến tàu nơi nhà ga tấp nập như một ranh giới hiện hữu giữa một làng quê nhỏ hẹp nơi Nhâm, Ngữ và cả những người nông dân đang sống tách biệt với thế giới xô bồ bên ngoài. Tất cả những chi tiết này xuất hiện trong phim đã gợi mở thêm ý nghĩa đối thoại, một sự kết nối khăng khít với văn bản có trước là văn bản văn học.

Những người thợ xẻ là câu chuyện dữ dội về những con người dữ dội. Trong phim, đạo diễn Vương Đức đã đưa vào một nhánh chuyện không có ở văn bản văn học. Đó là chân dung cô giáo Phượng trong mối tình với nhân vật Ngọc. Đặc biệt ở chỗ, mối quan hệ này mang dấu ấn nội dung trong truyện ngắn Con gái thủy thần cũng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Đó có thể coi là một hình thức liên văn bản, gộp lại những ý tứ, ý tưởng của nhà văn để đưa vào phim, nhằm tạo nên tác phẩm độc lập, vừa mở rộng vấn đề vừa có chiều sâu ý nghĩa, tạo ra một đối thoại trở lại với văn bản vốn rất đẹp, rất đặc sắc của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Trong khi đó, phim Tâm hồn mẹ của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang có lẽ là bộ phim xa hơn cả so với văn bản gốc. Trong truyện của Nguyễn Huy Thiệp, toàn bộ câu chuyện được dẫn dắt bởi nhân vật cậu bé Đăng; còn trong phim, nội dung trung tâm được chuyển sang nhân vật cô bé Thu.

Chú thích ảnh
2 nhân vật Đăng và Thu trong phim “Tâm hồn mẹ” của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang - Ảnh: Tư liệu

Thêm nữa, ở Tâm hồn mẹ, bản phim có sự tương phản về không gian rất lớn. Hình ảnh cây cầu trong phim tạo ra 2 thế giới, 1 thế giới xô bồ của chợ Long Biên cũng là sự xô bồ của đời sống chăng? Còn ở phía bên này là thế giới thanh bình của những đứa trẻ, chạy chơi vô tư bên những vườn rau xanh, bên bờ sông bình yên… Đó là 2 thế giới tách biệt giữa cây cầu. Sự tương phản không gian này sẽ không thể tìm thấy trong những hình dung ở văn bản truyện của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

“Không gì bằng nếu được nhà văn đóng góp”

Cuộc đối thoại giữa nhà văn với các đạo diễn không đơn thuần chỉ nằm ở việc đào sâu hay mở rộng bối cảnh, câu chuyện, nhân vật… được thể hiện trên bộ phim chuyển thể “thành phẩm”. Cuộc đối thoại còn bắt đầu sớm hơn, ngay từ khi đạo diễn nảy nở ý tưởng hay ở khâu làm kịch bản. Sự “can thiệp” của nhà văn đối với bộ phim chuyển thể, nói như đạo diễn, NSƯT Vương Đức thì “không còn gì bằng”.

Thật vậy! Đạo diễn phim Những người thợ xẻ cho hay: “Thông thường từ văn bản văn học, đạo diễn sẽ viết ra kịch bản phân cảnh chi tiết, gần như là một bộ phim trên giấy. Tôi thường mang kịch bản phân cảnh đến cho nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đọc. Kịch bản Những người thợ xẻ, được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết thêm một số trường đoạn quan trọng do đó khi đóng máy, phim mới có thể hay được”.

Chú thích ảnh
Cảnh phim “Những người thợ xẻ” của đạo diễn Vương Đức - Ảnh: Tư liệu

“Kể cả phim Của rơi được làm từ kịch bản của nhà văn Nguyễn Việt Hà, tôi cũng mang kịch bản đến cho nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đọc. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp không trực tiếp sửa kịch bản nhưng góp ý với tôi cần xây dựng nhân vật trung tâm là Nhà toán học nghiên cứu toán kỳ dị. Sau đó tôi và nhà văn Nguyễn Việt Hà đã viết thêm rất nhiều trường đoạn về nhân vật này. Nhìn chung có thể nói, nếu được các nhà văn đóng góp vào chính tác phẩm của mình thì không còn gì bằng. Đặc biệt với sự tham gia của một nhà văn lớn như Nguyễn Huy Thiệp thì càng đáng quý. Thực tế, Nguyễn Huy Thiệp “tham gia” vào 2 bộ phim của tôi đều ở những điểm rất “chốt” - đạo diễn Vương Đức cho biết.

Với bộ phim Thương nhớ đồng quê của đạo diễn Đặng Nhật Minh, ngay khi biết ý đồ xây dựng mối quan hệ tay ba giữa 3 nhân vật Ngữ - Nhâm - Quyên trong kịch bản, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lập tức tán đồng và hoan nghênh.

“Trong 1 lần nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đến chơi nhà, thay vì đọc kịch bản, tôi chỉ vẽ trên giấy sơ đồ mối quan hệ tay ba, 1 bên là cô Quyên, 1 bên là chị Ngữ và ở giữa là Nhâm cho tác giả truyện xem.

Nhâm là một cậu thanh niên mới lớn đứng giữa mối quan hệ giằng xé giữa 1 bên là chị Ngữ vốn là chị dâu sống cùng nhà nhưng có tình cảm với Nhâm hơn cả tình chị em khi phải sống cô độc xa chồng, trong khi đó 1 bên khác là Quyên, cô gái từ thế giới bên ngoài trở về làng quê khiến Nhâm bị hút hồn. Chính sự xuất hiện của Quyên đã làm tình cảm thầm kín bên trong Ngữ trỗi dậy và khiến Nhâm xúc động khi biết được tình cảm của chị dâu dành cho mình”.

“Sau khi xem xong sơ đồ tay 3 đó, Nguyễn Huy Thiệp đã phải thốt lên: Ông thắng rồi. Bộ phim nhất định thành. Có lẽ Nguyễn Huy Thiệp biết tìm ra được mối quan hệ này giống như tìm được cái chìa khóa cho toàn bộ phim. Một cấu trúc mà nhà văn hoàn toàn chấp nhận và rất hoan nghênh. Nguyễn Huy Thiệp cũng nói với tôi nên tham khảo thêm truyện ngắn Những bài học nông thôn. Tôi đồng ý” - đạo diễn Đặng Nhật Minh kể lại.

Trong khi đó, với bộ phim Tâm hồn mẹ, ngay ở thời điểm bộ phim mới nằm ở ý tưởng, chưa có kịch bản, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang đã có sự trao đổi với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Đạo diễn phim Tâm hồn mẹ chia sẻ: “Trong 1 lần gặp gỡ với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, tôi đã đề xuất truyện Tâm hồn mẹ rất ngắn và phải sáng tạo thêm nhiều chi tiết nhưng sự sáng tạo vẫn nằm trên việc phát triển ý tưởng mà tác giả đã có trong truyện ngắn. Tôi sẽ làm về 1 người mẹ yếu đuối, rất yêu thương người yêu nhưng vì quá yếu đuối nên đã tạo ra bi kịch cho cả mấy mẹ con. Ở khâu ý tưởng cho phim tôi đã nhận được sự đồng ý của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Sau khi chiếu phim, tôi nhận được sự đánh giá của nhà văn bằng một chữ: “Được!”, rất ngắn gọn đúng với tính chất đối thoại trong văn của Nguyễn Huy Thiệp. Tôi hiểu rằng đó là một sự hài lòng bởi đã không làm cho tác giả nguyên tác thất vọng”.

Việc chọn một tác phẩm chuyển thể thường xuất phát từ điểm nhìn của đạo diễn. Đạo diễn đóng vai trò như 1 người đọc. Bộ phim giống như 1 cách đọc, 1 phương án đối thoại trở lại với tác phẩm văn học. Sự sáng tạo của đạo diễn trên nền gợi mở của nhà văn tạo nên những “chuỗi” thăng hoa kéo dài sức sống bất tận cho văn chương. Điều này đúng khi soi chiếu với trường hợp phim chuyển thể và truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp.

Trailer phim "Tâm hồn mẹ":

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm