07/08/2015 05:16 GMT+7 | V-League
(lienminhbng.org) - Họ, “những đứa trẻ của bầu Đức” và cả HLV Guillaume Graechen, đã làm tất cả những gì có thể rồi, đã chiến đấu hết sức bình sinh để giành giật từng điểm số… nhưng bất lực và đang trôi xuống đáy bảng xếp hạng sau 19 lượt trận. Trôi về giải hạng Nhất 2016 không còn là nguy cơ nữa mà có thể là sự thật đang đến rất gần.
Dù ông chủ Đoàn Nguyên Đức và thuộc cấp đã ra sức trấn an tinh thần, song việc nếu HAGL phải cầm vé trở lại nơi bắt đầu thì còn hơn cả nỗi đau. Nó cho thấy chiến lược sai lầm của đội bóng.
Có hưng tất có vong
Mùa giải 2001 – 2002, ở thời kỳ đầu bóng đá địa phương kết hợp doanh nghiệp, với bầu Đức vẫn được xem là một trong những nhân vật đi tiên phong, HAGL gây sốc thiên hạ bằng việc chiêu mộ cầu thủ xuất sắc nhất Đông Nam Á vào thời điểm ấy là Kiatisuk Senamuang. Vị trí thứ 3 giải hạng Nhất đồng nghĩa với chiếc vé lên chuyên. Nhờ chính sách chiêu hiền đãi sĩ với chế độ có thể xem là ngoại hạng, “Gỗ” 2 lần liên tiếp giành ngôi quán quân V-League, một kỷ lục có thể xem là vô tiền khoáng hậu.
Cùng thời với HAGL, còn có ĐTLA và nếu Ngân hàng Đông Á không bị xoá sổ bởi tiêu cực, không biết chừng thế chân vạc sẽ được duy trì. Nhưng V-League cũng không phải đợi lâu, khi lần lượt B.Bình Dương (mua lại non chục ngôi sao của Ngân hàng Đông Á), SHB Đà Nẵng, rồi Hà Nội T&T… xuất hiện để thách thức các thế lực cũ. HAGL bắt đầu biểu hiện xuống sức sau năm 2005, dù vẫn không ngừng sắm sao và nhập tịch ngoại binh. Thonglao, Lee Nguyễn, Agostinho, Evaldo…, đủ cả.
Tuy nhiên, đã và không bao giờ “Gỗ” có thể tìm lại được thời hoàng kim nữa. Phần do thời thế, nhưng cơ bản là sức mạnh nội tại bị bào mòn bởi những hoạch định – chính sách sai lầm trong việc theo đuổi mục tiêu.
XSKT Cần Thơ và Đồng Nai là đối thủ đua trụ hạng với HAGL. Ảnh: Dương Thu
Với khoảng thời gian tính bằng cả thập niên không danh hiệu, HAGL chưa từng sở hữu một HLV đủ tài năng và cá tính cũng là do chính sách dùng người. Hết thịnh thì suy, nhưng nếu có HLV giỏi, thì khoảng thời gian suy yếu sẽ thu ngắn lại và vinh quang phải kéo dài.
Công Phượng và đồng đội của anh, thật không may, lại "ra ràng" ngay thời điểm cực suy của HAGL. Họ có thể sẽ là những người đưa đội bóng trở lại giải hạng Nhất, nhưng lại không có lỗi. Và nếu có trách, thì trách tại con đường mà lãnh đạo đội bóng này đã chọn.
Ai binh tất tử chiến?
Dễ hiểu, HAGL không còn đường lùi nữa, khi họ đã chạm xuống đáy của thất bại và thất vọng rồi. HLV Graechen xác định 7 trận đấu còn lại ở V-League 2015 sẽ là 7 trận chung kết. Trải qua đau thương, ông thầy người Pháp đã biết rút tỉa: Đội bóng phải giành 6 điểm tuyệt đối trong 2 cuộc đối đầu trực tiếp với XSKT Cần Thơ (vòng 20) và Đồng Nai (vòng 23). Ngoài ra, các đối thủ như Đồng Tháp, SLNA… cũng có thể kiếm điểm. Việc chọn trận để đánh là cần thiết khi quân mỏi ngựa mệt.
Đi mãi thì thành đường thôi, song đáng lẽ ra, người của HAGL đã phải xác định được V-League chông gai như thế nào, thay vì tự phụ duy ý chí. 12 trận thất bại là con số biết nói và chỉ có thể kỳ vọng từ đây, quân của bầu Đức sẽ “ai binh tử chiến”.
Kiểm soát bóng tỷ lệ vượt trội là tốt, là điều kiện cần trong bóng đá, nhưng phải kiểm soát được trận đấu mới có kết quả. Cầu thủ HAGL không thể tiếp cận cầu môn và giải quyết tình huống, là do chuyên môn của họ kém hay ông thầy Graechen kém?
Suy cho cùng thì đây không còn là lúc bắt bí hay kể tội nhau. HAGL không thể xuống hạng, bởi như Thể thao & Văn hoá từng nhiều lần đề cập, điều đó ảnh hướng ghê gớm đến các thương hiệu mà tập đoàn này gây dựng.
Không biết chừng Arsenal và JMG sẽ rút khỏi các đề án hợp tác (như đã từng ở Bờ Biển Ngà, Thái Lan và nhiều nơi khác trên thế giới), khi đầu tư không những không hiệu quả lại còn tổn hại thương hiệu. Không ai mong đợi điều tồi tệ cả, dù thi thoảng nó vẫn xảy ra.
Cuộc sống khiến chúng ta phải vấp ngã và tất cả đều có quyền lựa chọn: Đứng dậy bước tiếp hay chấp nhận số phận mà thôi!
400. Theo chia sẻ của cựu tiền đạo HAGL và ĐT Việt Nam, Nguyễn Việt Thắng, HAGL từng chi 400 triệu đồng để có được sự phục vụ của anh vào thời điểm năm 2003. Với Kiatisuk, Dusit, Tawan, Chukiat, Sakda,… hẳn phải cao hơn. Tuy nhiên, những cầu thủ khác như Quang Trãi, Trung Tuấn,… khi tề tựu về phố núi để tạo thành “dream team”, mỗi người cao nhất cũng chỉ nhận vài chục triệu đồng cùng mức lương 15 triệu đồng/tháng… Điều đó phần nào cho thấy sự bất bình đẳng trong đối xử. 41 HAGL đã để lọt lưới 41 bàn tổng cộng (trung bình hơn 2,15 bàn/trận), trong khi đó hàng công chỉ ghi được 23 bàn (với vỏn vẹn 7 bàn trên sân đối phương), đạt tỷ lệ trung bình 1,21 bàn/trận. Đây là hiệu số thấp nhất trong lịch sử 13 năm chơi V-League của đội bóng phố núi. Ngoài ra, việc để thua 12 trận sau 19 vòng đấu đầu tiên, cũng là thành tích tệ nhất của HAGL, kể từ ngày bóng đá Việt Nam tiến lên chuyên. 1 Nếu không có những kiện cáo, tranh chấp, kỷ luật hay việc tự ý rút lui khỏi giải,… sẽ chỉ có 1 đội ở V-League 2015 phải xuống chơi giải hạng Nhất 2016, đấy là đội bóng có thứ hạng cuối cùng sau 26 lượt trận. Theo nhận định, HAGL, Đồng Nai và XSKT Cần Thơ là những ứng viên cho chiếc vé “về với tuổi thơ”, trong đó HAGL đang yếu thế nhất. |
Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất