02/02/2022 07:00 GMT+7 | Tin tức 24h
(lienminhbng.org) - Hành trình đi tìm cây bao báp (baobab) khổng lồ trên đất Nam Phi đến với tôi một cách rất tình cờ và không hề định trước. Cơ duyên chợt đến chỉ ngay sau chuyến đi khám phá Vườn quốc gia Kruger.
Kết thúc chuyến tham quan, tôi rời khỏi Vườn quốc gia Kruger tại điểm cực Bắc thuộc tỉnh Limpopo, gần tiếp giáp với biên giới Zimbabwe với tâm trạng hài lòng và thỏa mãn của người có thể được gọi là “đã đặt chân đến Nam Phi”, cảm giác có thể chạy cả 500 cây số từ đây về lại thủ đô Pretoria ngay lập tức.
“Thị trấn bao báp”
Với tâm thế cứ túc tắc mà về, tôi dừng chân nghỉ đêm tại thị trấn Thohoyandou nhỏ xinh, trước đây là thủ đô của vùng lãnh thổ của bộ tộc người Venda tồn tại từ năm 1979 đến năm 1994.
Chuyện trò với Lisa, cô nhân viên tiếp tân của khách sạn, tôi vui miệng kể về chuyến đi thăm vườn quốc gia Kruger vừa qua, với sự thích thú ngắm nhìn những bầy hươu nai, chim chóc, với sự nuối tiếc mới chỉ được gặp 2 trên tổng số 5 loài linh vật lớn của Nam Phi (bao gồm sư tử, báo hoa mai, tê giác, voi, và trâu rừng châu Phi) và cả với sự trầm trồ trước những cây bao báp to lớn trong khu bảo tồn.
Lisa hỏi tôi: “Vậy chị có biết tỉnh Limpopo này có nhiều cây bao báp nhất và cũng có nhiều cây bao báp khổng lồ nhất ở Nam Phi không?”
Ồ, đây thực sự là điều tôi chưa kịp tìm hiểu. Trước chuyến đi, những gì tôi đọc và tra cứu chỉ quanh quẩn ăn gì, chơi gì ở Kruger và làm sao gặp được nhóm Big Five – 5 loài linh vật kia. Nhưng cây bao báp châu Phi, đặc biệt lại là cây bao báp lớn nhất, chắc chắn sẽ là điểm tôi nhất định phải đến.
Tôi nhớ ngày còn đi học, đối với thế hệ cuối 7x đầu 8x chúng tôi, cây bao báp chỉ là một hình minh họa mờ mờ trong sách giáo khoa địa lý. Thời đó, chúng tôi chưa có Internet hay Nat Geo để tra cứu hay tìm hiểu về thiên nhiên hoang dã hay về châu Phi xa xôi như trẻ con bây giờ. Nhưng cây bao báp trong cuốn sách giáo khoa vẫn để lại ấn tượng cho tôi về một loại cây to lớn, trơ trọi nhưng sừng sững và đầy kiêu hãnh giữa sa mạc thừa nắng gió của châu Phi. Đó cũng là nguồn trữ nước quý giá trên vùng đất khô cằn.
Lisa nhắn nhủ: “Mai chị đi tìm cây Sagole nhé, đó là cái cây bao báp lớn nhất nằm cách đây tầm 100 cây số thôi”.
Vậy là tôi bỏ kế hoạch quay về nhà mà quyết tâm đi tìm cây bao báp khổng lồ đó. Hóa ra cây Sagole nằm ở vị trí mà hôm trước tôi đã chạy qua.
Ngược đường quay lại phía biên giới giữa Nam Phi và Zimbabwe vào ban ngày, tôi mới thực sự hiểu tại sao vùng đất này được gọi là “thị trấn bao báp”. Tôi có thể bắt gặp những hàng cây bao báp, to có, nhỏ có, thẳng băng, chọc trời có mà uốn éo, xoắn xuýt hai thân cây mập mạp vào nhau cũng có.
Nam Phi thời điểm đầu năm đang là mùa mưa, cây cối đâm chồi nảy lộc. Ngay cả những cây bao báp, vốn được mệnh danh là “cây lộn ngược” vì đặc điểm cành cây trơ trụi lá và tua tủa ra như bộ rễ cây giờ cũng phủ đầy màu xanh.
Cây bao báp lớn nhất thế giới còn sống
Chạy xe cả tiếng rưỡi đồng hồ, cuối cùng tôi cũng đến được tấm biển The Big Tree. Cây Sagole được người dân ở thị trấn nông thôn Tshipise bảo vệ. Để vào thăm cây, du khách phải trả phí 50 rand (hơn 70.000 VND) cho một người lớn và 25 rand cho một trẻ em để vào cổng.
Cho đến khi tận mắt nhìn thấy cây Sagole sừng sững giữa khu bảo tồn, tôi đã tự nhủ cái giá hoàn toàn xứng đáng. Lại gần, cây Sagole như một vị thần rừng với mái tóc hoa râm, khuôn mặt cổ quái, lớp da sần sùi vì mưa nắng và những vết khắc kỷ niệm của con người. Cành lá và bộ rễ như những ngón tay cong queo nắm chặt vào khoảng không và cắm sâu vào lòng đất. Thân cây chia thành nhiều nhánh nhưng vẫn trên một khối lớn vững chắc, ước tính bảo phải hơn 30 người nắm tay vòng quanh mới hết.
Người dân địa phương thường gọi cây Sagole là “Muri Kunguluwa”, trong tiếng Venda nghĩa là “cây gầm” – cái tên đến từ âm thanh của gió thổi qua các cành lá. Bên cạnh kích thước của nó, cây còn nổi tiếng vì một lý do khác: nó được coi là ngôi nhà của một đàn chim đuôi dài lốm đốm quý hiếm. Cây cũng cung cấp nguồn dinh dưỡng và nơi trú ẩn cho nhiều sinh vật khác.
Tôi chợt nhớ đến những cô bé, cậu bé nhân vật trong Trên sa mạc và trong rừng thẳm (Henryl Sienkiewicz), thật khoái chí khi được sống trong ruột cây bao báp. Thân cây này, cành cây này, chắc chắn đủ để chia phòng cho mọi người và là một nơi trú ẩn quý giá.
Tại tỉnh Limpopo cũng có những cây bao báp rất lớn bao gồm cây Glencoe và cây Sunland nhưng về tổng thể và về diện tích cây còn sống, cây Sagole hiện giờ giữ danh hiệu lớn nhất.
Lisa đã từng bảo tôi, cây Sagole là cây bao báp có tuổi đời lên đến 3.500 tuổi. Trang Kỷ lục Guinness (guinnessworldrecords.com) còn xác định đây là cây bao báp lớn nhất thế giới còn sống (hai cây bao báp từng được nhận kỷ lục này là cây Tsitakakoike ở Madagascar và cây Platland Tree cũng ở Nam Phi thì đều đã chết vào các năm 2018 và 2016). Tuổi tính của cây theo phương pháp carbon phóng xạ là 1.200 năm.
Cho dù tuổi thật là bao nhiêu, thì người dân địa phương vẫn tin rằng cây Sagole hùng vĩ này chắc chắn đã chứng kiến sự trỗi dậy và sụp đổ của Vương quốc Mapungubwe cổ xưa, chứng kiến những thương lái buôn vàng và ngà voi đi lại giữa khu vực bây giờ là tỉnh Limpopo và bờ biển Swahili trong quá khứ. Và chắc hẳn, vô số người dân thuộc bộ lạc San lâu đời ở Nam Phi đã dừng chân trú ẩn dưới tán cây và dùng nguyên liệu từ cây làm thuốc chống muỗi.
Theo các tính toán cập nhật nhất, cây Sagole có phần đế cực kỳ lớn với diện tích 60,6m², chiều cao 19,8m với tổng khối lượng gỗ và vỏ cây là ước tính khoảng 414 mét khối. Khối lượng gỗ của cây trên mặt đất ước tính lên đến gần 60 tấn. Tôi đi vòng quanh cây. Bộ rễ cổ thụ đã vươn ra xung quanh bán kính đến cả chục mét, nhấp nhô trên mặt đất, dễ dàng khiến người ta liên tưởng đến điều chàng Hoàng tử bé (Antoine de Saint-Exupery) lo ngại những cây bao báp khổng lồ có thể khiến tiểu hành tinh B-612 của chàng bị chia cắt.
“Cây đời”
Nhưng bỏ qua tính biểu tượng về những khó khăn và trở ngại cứ dần sinh sôi, lớn mạnh trong xã hội như Hoàng tử bé miêu tả, cây bao báp trên thực tế là hình ảnh của châu Phi và sự ảnh hưởng của nó đến người dân tại châu lục này là rất lớn.
Tôi gặp Tovhowani Netshiongolwe và bạn gái Mutshidzi đang ngồi tâm sự dưới cây Sagole. Netshiongolwe kể cậu đã sinh ra và lớn lên với những cây bao báp mọc quanh nhà ở tỉnh Limpopo. Với cậu, cây bao báp là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân địa phương. Loài cây được gọi là “cây đời” vì tuổi thọ lên đến hàng trăm hàng ngàn năm đã chứng kiến cuộc sống của người dân hết từ đời này sang đời khác.
Mutshidzi cũng kể, người dân có thể tận dụng mọi thứ từ cây bao báp. Thân và thịt cây mềm, xơ và chịu lửa tốt, có thể dùng để dệt dây thừng và vải. Vỏ cây bao báp còn được sử dụng để làm mái nhà, quần áo, giày dép, mũ và nhạc cụ. Vỏ và lá cây cũng có thể thu hoạch làm nguyên liệu nấu ăn và làm thuốc. Và quả cây bao báp cũng được thu hoạch với nguồn dinh dưỡng cao. Cô cũng kể, cây bao báp có thể cung cấp thức ăn cho các loại sinh vật từ côn trùng nhỏ xíu đến đàn voi to lớn.
Một điều đặc biệt ở cây Sagole là đây là nơi sinh sống của một đàn chim đuôi dài lốm đốm quý hiếm - một loài chim yến không thường xuyên tạo đàn. Nhiều người dân bản địa tin rằng linh hồn của tổ tiên họ cư ngụ trên cây bao báp và do đó cây thường đóng vai trò trung tâm trong các nghi lễ của người dân địa phương.
Hồng Minh (Phóng viên TTXVN tại Nam Phi)
Thể thao & Văn hóa Xuân Nhâm Dần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất