Đứa trẻ hoàng gia Anh chào đời: Mối quan tâm toàn cầu hay cơn sốt truyền thông?

24/07/2013 09:00 GMT+7 | Trong nước


(lienminhbng.org) - Khi báo chí thế giới thi nhau đưa tin về đứa trẻ hoàng gia mới chào đời, con của Hoàng tử Anh William và vợ Catherine, một số người đã không khỏi băn khoăn rằng liệu người ta quan tâm thực sự tới niềm vui của gia đình Hoàng gia Anh hay chuyện đã bị thổi phồng quá mức.

Những ngày này, báo chí Anh và thế giới đưa tin không ngừng nghỉ về đứa trẻ mới của Hoàng gia Anh.

Cơn sốt gây kinh ngạc

Mọi vấn đề như ngày đứa trẻ chào đời, đứa trẻ là trai hay gái, phương thức sinh nở là đẻ thường hay đẻ mổ... đều đã được lôi ra bàn luận. Các phóng viên ảnh, các tay máy truyền hình đã thi nhau đổ tới đứng bên ngoài một bệnh viện ở London, nơi Kate Middleton (tên cũ của Catherine) sinh hạ đứa trẻ và họ cập nhật tin tức theo từng giờ.

Nhưng liệu khán giả truyền hình, độc giả báo mạng và báo in, có chia sẻ sự hứng thú chung về đứa trẻ sẽ đứng thứ 3 trong danh sách kế vị ngai vàng của Hoàng gia Anh. Hoặc họ sẽ giống như người họ hàng của Nữ hoàng Anh Elizabeth là Margaret Rhodes, đang băn khoăn không thể hiểu tại sao người ta cứ phải nhặng xị lên như thế.

Thông báo chính thức từ bệnh viện St. Mary cho thấy Kate đã sinh con
"Bạn biết đấy, ai rồi cũng có con và điều đó rất đáng yêu. Nhưng tôi sẽ không cảm thấy phấn khích một cách điên dại về chuyện ai đó sinh con" - bà Rhodes, 88 tuổi, nói với hãng tin CNN.

Các cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy bà không phải là người duy nhất sững sờ trước việc báo chí lên cơn sốt quanh đứa trẻ. Theo Trung tâm nghiên cứu Pew, chỉ có 25% người Mỹ được khảo sát hồi tháng 12 năm ngoái, thời điểm việc Kate mang bầu được công bố, nói rằng họ sẽ theo dõi chặt tin tức này.

Các nghiên cứu khác về mối quan tâm của dư luận Mỹ liên quan tới 8 câu chuyện của Hoàng gia Anh, bắt đầu từ năm 1986 và gồm cả đám cưới của William với Kate trong tháng 4/2011, cũng cho thấy 60% những người thăm dò đã không theo dõi hoặc theo dõi chặt các diễn biến liên quan tới những sự kiện đó.

Chỉ có một ngoại lệ duy nhất. Cái chết của mẹ William, Công nương Diana, trong một vụ tai nạn đụng xe ở Paris, đã thu hút sự chú ý của 85% dư luận Mỹ.

Báo chí đưa tin tràn ngập về đứa trẻ
Được khuếch đại nhờ báo chí và truyền thông xã hội?

Ngay cả ở Anh, một cuộc thăm dò do YouGov tiến hành trong tuần này cho thấy chỉ 46% người được hỏi tỏ ra rất quan tâm tới ca sinh nở của Kate. Con số trên đã thấp hơn Ấn Độ, với tỉ lệ lên tới 57%.

"Ở Anh, dường như dư luận đã chuyển dần sang hướng chỉ trích gia đình hoàng gia, trong khi ở nước ngoài, người ta vẫn có những tưởng tượng lãng mạn về đời sống hoàng tộc" - Arianne Chernock, một chuyên gia về lịch sử các vương triều tại Đại học Boston nhận xét.

Wei Zhang tới từ đài truyền hình Phượng Hoàng của Hong Kong nói rằng người dân đặc khu hành chính này của Trung Quốc vẫn còn rất quan tâm tới hoạt động của Hoàng gia Anh. Điều này cũng dễ hiểu bởi Hong Kong đã có thời gian dài là thuộc địa của Anh. Nhưng theo Wei, người dân Trung Quốc đại lục cũng hết sức quan tâm. Ông cho biết người Trung Quốc muốn ngắm nhìn các bức ảnh và đoạn video về Hoàng gia Anh. "Họ muốn thấy các hoàng tử, Nữ hoàng, mọi thứ của Hoàng gia Anh" - ông nói.

Theo Chernock, chính truyền thông đã khuấy động sự quan tâm của dư luận vào gia đình Hoàng gia Anh. "Chúng ta chứng kiến mức độ quan tâm được khuếch đại bởi truyền thông xã hội và hệ thống tin tức 24/7" - Chernock nói với Reuters.


Lính Anh trên chiến hạm HMS Lancaster đã xếp hình chữ "Boy" - Con trai, để chúc mừng ca sinh nở của Kate

Tình cảm chân thành

Nhưng ở các nước như Canada và Australia, ngay cả những người muốn xóa bỏ chế độ quân chủ lập hiến vẫn thừa nhận việc họ có tình cảm và sự quan tâm chân thành tới đứa trẻ.

"Thực tế là phần lớn người Australia luôn có đầy thiện cảm với gia đình Hoàng gia Anh" - giám đốc Phong trào Cộng hòa Australia David Morris nói với Reuters - "Nhưng điều đó không có nghĩa chúng tôi xem họ là những người cai trị mình".

Vậy vì sao người ta vẫn còn quan tâm tới Hoàng gia Anh, vốn đã không còn thực quyền và vị trí lãnh đạo đất nước chỉ còn mang tính hình thức. Một phần sự quan tâm và hứng thú hình thành từ kết quả lao động không ngừng nghỉ bởi đội ngũ quan hệ công chúng rất giỏi của Hoàng gia Anh. Đội ngũ này, trong vòng thập kỷ vừa qua, đã định hình lại thương hiệu của Hoàng gia Anh. Họ còn được sự hỗ trợ bởi các thành viên hoàng gia nhạy bén với truyền thông như William và em trai Harry.

Mối quan tâm cũng tăng mạnh còn bởi những khó khăn trong gia đình hoàng gia vào giai đoạn 1990, với việc ba người con của Nữ hoàng đã phải ly hôn và nổi tiếng nhất là cuộc chia tay của Thái tử Charles với Công nương Diana. Các cuộc lục đục hôn nhân này đã khiến đời sống của Hoàng gia Anh giống như một bộ phim truyền hình dài tập, đầy những thảm họa và bi kịch

Tác giả Claudia Joseph, người chấp bút viết tiểu sử về Kate, nói rằng việc Công nương Diana và giờ là Kate được công chúng hết sức ưa chuộng đã giúp thúc đẩy sự quan tâm tới Hoàng gia Anh. "Mọi người đều chờ đợi một công nương của Hoàng gia Anh sẽ đi theo bước chân của Diana" - Joseph nói, giải thích việc Kate được ưa thích - "Trên đời này làm gì có ai không thích truyện cổ tích, nhất là câu chuyện nói về việc bạn có xuất xứ bình thường chẳng ai biết tới và rồi bạn cưới được một chàng hoàng tử".

Kate sinh con trai cho William

4h24 phút chiều 22/7 (giờ Anh), Công nương xứ Cambridge Kate Middleton, vợ Hoàng tử William, đã sinh hạ một bé trai tại bệnh viện St.Mary ở trung tâm thủ đô London. Bé trai này là chắt thứ ba của Nữ hoàng Elizabeth II và là cháu đầu tiên của Thái tử Charles. Bé trai sẽ giữ tước hiệu Hoàng tử ngay khi chào đời và sẽ xếp thứ ba trong danh sách kế vị ngai vàng của Hoàng gia Anh, sau ông nội và cha đẻ.

Hoàng gia Anh cho biết bé trai nặng 3,8 kg. Sức khỏe của Công nương Kate cùng con trai đều tốt và cả hai vẫn đang được chăm sóc trong bệnh viện. Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã gửi lời chúc mừng tới Hoàng gia Anh nhân sự kiện này.


Tường Linh (Theo Reuters)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm