Cuộc tôn vinh 'Những người khốn khổ'

28/04/2021 19:51 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Trong 2 đêm diễn vào nửa cuối tháng 4 vừa qua tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam đã tái công diễn vở nhạc kịch (opéra) Những người khốn khổ của Claude-Michel Schönberg được sáng tạo từ tiểu thuyết Những người khốn khổ (Les Misérables) của đại văn hào Victor Hugo.

Nhạc kịch 'Những người khốn khổ' tái ngộ khán giả Hà Nội

Nhạc kịch 'Những người khốn khổ' tái ngộ khán giả Hà Nội

"Gây sốt" sau khi công diễn, nhạc kịch "Những người khốn khổ" (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng) sẽ trở lại với 4 đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội từ 18-21/1 tới.

Một lần nữa, những người khốn khổ ở trên đời cùng tác phẩm viết về họ của đại văn hào thế giới đã được tôn vinh thực sự bằng âm nhạc của vở nhạc kịch cùng tên. Được biết, vở nhạc kịch sẽ được đưa đi lưu diễn ĐắK Lắk và TP.HCM cuối tháng 5 đầu tháng 6 tới.

Ngồi thưởng thức nhạc kịch Những người khốn khổ, tôi bỗng nhớ 70 năm về trước, trong những đêm lạnh của Hải Phòng, cùng các con ngồi sưởi quanh chậu than đỏ lửa, bố tôi đã kể cho tất cả nghe tiểu thuyết Những người khốn khổ mà ông đã đọc thuộc làu bằng tiếng Pháp hồi còn học Trường Sư phạm Cửa Bắc.

Chú thích ảnh
Nhạc kịch “Những người khốn khổ”. Ảnh: Vietnam National Opera & Ballet

Những người khốn khổ đã thấm vào ấu thơ tôi trước khi tôi đọc tác phẩm được dịch ra tiếng Việt thời chống Mỹ. Giờ đã qua tuổi “cổ lai hy” thì cũng lại lần đầu tiên được thưởng thức kiệt tác này bằng âm nhạc trình diễn tại Thủ đô. Một diễm phúc mà tôi rất khó được đón nhận, nếu không phải là sự kế thừa đầy sáng tạo của thời mở cửa đổi mới đã diễn ra ở Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam cho đến năm tháng này.

Theo Giám đốc - NSƯT Trần Ly Ly cho biết, Nhà hát chỉ mua bản quyền âm nhạc. Còn tất cả những gì tạo nên một sân khấu nhạc kịch đều do ê-kíp thực hiện sáng tạo ra. Từ thiết kế sân khấu, phục trang, ánh sáng, biên dịch lời Việt cho đến tổng đạo diễn - chỉ đạo nghệ thuật, đạo diễn, cố vấn âm nhạc, cố vấn nhạc kịch, chỉ huy dàn nhạc, chỉ huy hợp xướng biên đạo múa... đều do nghệ sĩ của Nhà hát và những cộng sự phối hợp làm nên. Sự phối hợp trên nền tảng công nghệ 4.0 hôm nay.

Chú thích ảnh
Ảnh: Vietnam National Opera & Ballet

Đây cũng là cuộc giao hòa nghệ thuật giữa những nghệ sĩ chuyên nghiệp của Việt Nam với dàn hợp xướng quốc tế (Hanoi Voices) bao gồm những người nước ngoài làm việc ở Hà Nội. Cuộc giao hòa đã tạo ra sự cuốn hút, hấp dẫn của đêm diễn đầy chất nghệ thuật với lòng say mê vô bờ bến thể loại âm nhạc bác học này, mà nếu chỉ nỗ lực không thôi, thì chưa thể đủ.

Điều kỳ lạ nhất là vở kịch được trình diễn bằng tiếng Anh. Nếu không mở mắt mà chỉ nghe dàn nhạc và nghệ sĩ hát thể hiện thì có thể có cảm giác như đang thưởng thức một đêm diễn ở nước ngoài hoặc một đêm diễn ở Hà Nội do các nghệ sĩ nước ngoài tới Việt Nam trình diễn.

Chú thích ảnh
Ảnh: Vietnam National Opera & Ballet

Tuy hát cùng các thành viên người nước ngoài trong dàn hợp xướng quốc tế, khó nhận ra sự thiếu hòa quyện giữa họ và văn nghệ sĩ ta. Thêm nữa, vì tác phẩm văn học đã quá quen thuộc với công chúng Việt Nam, lại có phụ đề chạy trên màn hình, nên cứ sau mỗi lần kết thúc một đoạn tự sự (Aria) của một nhân vật, tiếng vỗ tay tán thưởng lại râm ran khắp khán phòng nhà hát.

Đặc biệt nghệ sĩ nhí Võ Trúc Anh (đêm diễn 16/4/2021) trong vai Cosette bé, chị hát một đoạn ngắn nhưng với giọng phát âm tiếng Anh chuẩn mực và lưu loát đã khiến khán giả vỗ tay rất dài. Có lẽ ngoài việc khen riêng cá nhân nghệ sĩ nhí, người thưởng thức, nhất là những người giỏi tiếng Anh, đã thấy yên lòng hơn khi nhận ra sự học tiếng Anh nghiêm cẩn trong hồn nhiên của thế hệ thiếu niên hôm nay.

Với riêng tôi, do đã quá quen với các nghệ sĩ thuộc nhà hát qua mấy chục năm gắn bó, tôi thấy mừng đến nghẹn ngào ở độ chín của một thế hệ nghệ sĩ như Nguyễn Huy Đức, Phan Mạnh Đức, Đào Tố Loan, Lê Thị Vành Khuyên, Đinh Như Tới, Hà Ngọc Thiện... và cả dàn nhạc dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh cùng dàn hợp xướng do nghệ sĩ Kiều Thẩm chỉ huy.

Không chịu cũ, không chịu sinh ra chỉ để phục vụ một kiểu "văn nghệ nhân dịp", Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã sử dụng kinh phí vốn là tiền thuế của các công dân Việt Nam cũng như kinh phí hỗ trợ vào đúng mục đích nâng cao dân trí một cách tầm vóc như các đoàn nghệ thuật lớn trên thế giới đã làm để tôn vinh “Những người khốn khổ" trong tác phẩm và ở ngoài đời.

Vở nhạc kịch sẽ đi lưu diễn tại Đắk Lắk và TP.HCM

Trên Fanpage của Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam (VNOB), Giám đốc - NSƯT Trần Ly Ly chia sẻ, sau 10 đêm diễn thành công tại Hà Nội cuối năm 2020 và đầu năm 2021, Nhà hát quyết định sẽ đưa vở nhạc kịch Những người khốn khổ đi lưu diễn tại Đắk Lắk và TP.HCM. Bên cạnh sự góp mặt của hàng trăm diễn viên và dàn nhạc chơi live hoàn toàn, điều đặc biệt nhất trong chương trình lưu diễn sắp tới là việc ứng dụng thêm công nghệ visual art, đưa vở diễn lên một tầm thưởng thức mới.

Chú thích ảnh

Cuối tháng 5, Nhà hát sẽ đưa Những người khốn khổ đến với thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) để tham dự Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc 2021. Đây cũng là dịp Nhà hát đưa tác phẩm kinh điển này đến với người dân vùng sâu, vùng xa nhằm đáp ứng nhu cầu được thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao của thế giới. Sau đó, Nhà hát sẽ tiếp tục đem vở nhạc kịch này đến TP.HCM, với 3 đêm diễn (2, 3, 4/6) tại Nhà hát Hòa Bình.

“Bản thân vở nhạc kịch Những người khốn khổ đã là một sản phẩm chất lượng cao. Tuy nhiên, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam sẽ ứng dụng hình ảnh kỹ thuật số (LED) vào tác phẩm để kích thích thị giác, nhằm từng bước đáp ứng xu thế áp dụng công nghệ vào nghệ thuật, giúp khán giả dễ hình dung ra bối cảnh câu chuyện, đẩy cảm xúc lên tầm cao trào mới” - NSƯT Trần Ly Ly nói.

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm