'Cười xuyên Việt' phiên bản nghệ sĩ: Ấn tượng hài 'made in Việt Nam'

26/01/2016 07:56 GMT+7 | Truyền hình thực tế

(lienminhbng.org) - Đêm chung kết xếp hạng của chương trình hài Cười xuyên Việt phiên bản nghệ sĩ do Công ty Truyền thông Khang và Đài Truyền hình Vĩnh Long phối hợp đã diễn ra tuần qua. Đây là đêm tranh tài của 4 nghệ sĩ Thanh Vân, La Thành, Nam Thư, Huỳnh Lập, kết quả Huỳnh Lập giành quán quân.

Chính thức lên sóng vào giữa năm 2015, ngay trong thời kỳ “hoàng kim” của hài truyền hình, với sự bùng nổ mạnh mẽ của nhiều game show có định dạng nước ngoài và các game show có “tuổi đời” trước đó nhưng Cười xuyên Việt đã để lại nhiều ấn tượng trong năm, dù chưa phải mới mẻ, xuất sắc. Đây là chương trình hài “made in Việt Nam” theo nghĩa tự nghĩ ra định dạng và kịch bản.

Theo thống kê của Google,Cười xuyên Việt là một trong vài chương trình truyền hình được khán giả tìm kiếm nhiều nhất năm 2015. Đây cũng là 1 trong 3 chương trình giải trí có rating cao nhất của Đài THVL (dẫn đầu là Solo cùng bolero).

Nhờ thành công của Cười xuyên Việt phiên bản thí sinh đã thúc đẩy thực hiện tiếp phiên bản nghệ sĩ vào đầu tháng 11/2015. Theo NSƯT Đức Hải, sức hút của cả hai phiên bản này không chỉ bó hẹp ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long mà còn lan ra các tỉnh phía Bắc, đến mức khi tham gia làm giám khảo, anh đã phải nhắc nhở các thí sinh phát âm rõ ràng để khán giả ở khu vực miền Bắc có thể nghe kịp.

So với những game show hài khác, Cười xuyên Việt phiên bản nghệ sĩ không có một “format” quá đặc biệt hay dàn thí sinh quá hot. Dẫu vậy, lý giải cho sự thành công của nó cũng không có gì là quá khó.


Huỳnh Lập mạo hiểm với màn diễn phun lửa trong chung kết “Cười xuyên Việt” phiên bản nghệ sĩ

Lấy nước mắt của giám khảo và khán giả

Có một nghịch lý gần như chỉ có ở Cười xuyên Việt, đó là chương trình hài với yếu tố cười được đặt lên hàng đầu nhưng lại lấy nước mắt của giám khảo và khán giả nhiều nhất. Ở phiên bản thí sinh, 2 giám khảo Trấn Thành và Kiều Oanh đã từng khóc sướt mướt trên ghế nóng với tiết mục Kép Tư Bền. Đây cũng là tiết mục góp phần làm nên “hiện tượng” Cười xuyên Việt hồi giữa năm 2015. Tiết mục cũng đã góp phần làm nên tên tuổi của thí sinh Lê Dương Bảo Lâm mà chẳng cần phải đợi đến khi anh giành được danh hiệu quán quân sau đó.

Cười xuyên Việt phiên bản nghệ sĩ, giám khảo khó tính Việt Hương cũng đã từng rơi nước mắt trước tiểu phẩm Kiếp hát rong của thí sinh Huỳnh Lập, Chuyến xe Tết của Nam Thư, Yêu tôi đi của Thanh Vân…. Theo 2 giám khảo Việt Hương và Trấn Thành thì “đỉnh cao của cái hài đó là bi”.  

Ngoài tiếng cười thuần túy, thì các tiểu phẩm phải truyền được cảm xúc và chạm đến trái tim khán giả. Và Cười xuyên Việt nói chung đã có được các tiểu phẩm như thế. Đó cũng chính là lý do chương trình được nhiều khán giả yêu thích.

Diễn hài cũng phải đổ máu

Nếu như Cười xuyên Việt phiên bản thí sinh đã góp phần làm nên tên tuổi của những thí sinh gần như vô danh trong làng hài như Lê Dương Bảo Lâm, Mạc Văn Khoa, Phan Phúc Thắng thì Cười xuyên Việt phiên bản nghệ sĩ là cơ hội phát triển của những nghệ sĩ có tài năng nhưng chưa gặp thời vận như Nam Thư, La Thành, Huỳnh Lập…

Cười Xuyên Việt phiên bản nghệ sĩ đón Tết 2016

Cười Xuyên Việt phiên bản nghệ sĩ đón Tết 2016

Cười Xuyên Việt phiên bản nghệ sĩ với sự góp mặt của các nghệ sĩ: Nam Thư, Huỳnh Lập, La Thành, Don Nguyễn... đã gây nhiều ấn tượng mới lạ trong lòng khán giả.


Để khán giả biết đến, ngoài những buổi tập đến 3-4h sáng ngoài sân khấu, các nghệ sĩ đã thật sự… đổ máu cho vai diễn. Lê Dương Bảo Lâm đã từng gây shock cho khán giả với màn múa lửa, ăn than mà để tập dượt anh đã từng bị bỏng miệng đến mức không ăn được gì.

Nghệ sĩ Nam Thư - vốn quen thuộc với hình ảnh gợi cảm, bốc lửa - cũng đã từng vì vai diễn mà dùng chai đập vào đầu mình đến tóe máu; hay nữ nghệ sĩ Thanh Vân ở tuổi gần 40 nhưng vì vai diễn, chị đã chịu khó học vovinam, tập ăn than, bị bạn diễn đánh chiếc ghế vào đầu…

Nhưng shock nhất có lẽ là thí sinh La Thành khi anh biểu diễn màn đốt người đầy rùng rợn và nguy hiểm ngay trên sân khấu… Sự đầu tư về nội dung cũng như công sức và tâm huyết của các thí sinh cho vai diễn đã góp phần mang đến những tiếng cười rất khác biệt. Đó là tiếng cười ý nhị, “phiêu lưu”, không hề dễ dãi như một số chương trình hài khác.

Chuẩn bị lên sóng phiên bản thứ 3

Ngoài hai phiên bản thí sinh và nghệ sĩ, năm 2016, Cười xuyên Việt sẽ cho ra đời phiên bản Cười xuyên Việt - Tiếu lâm hội. Đây là sân chơi dành riêng cho các nhóm kịch tự phát, có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng mạng nói chung và giới trẻ nói riêng với những sản phẩm văn minh, tươi trẻ và hiện đại.

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm