29/11/2015 12:17 GMT+7 | Đọc - Xem
(lienminhbng.org) - Nguyễn Xuân Khánh năm nay 82 tuổi thì tiểu thuyết Hoang tưởng trắng của ông được in cách đây một phần tư thế kỷ. Nhưng trước nay, cuốn sách tồn tại dưới một tên gọi khác, Miền hoang tưởng, và bằng một bút danh khác, Đào Nguyễn.
Số phận một cuốn sách
Hoang tưởng trắng hay Miền hoang tưởng được sáng tác trong các năm 1974, 1975, đến năm 1990 mới được in ở NXB Đà Nẵng. Nhưng vì lý do thời cuộc, nội dung còn được coi là “nhạy cảm”, cuốn sách và những người xung quanh nó (tác giả, những người làm xuất bản), phải chịu khá nhiều hệ lụy khiến họ không thể nào quên.
Đó là chuyện xảy ra khá lâu trước khi Nguyễn Xuân Khánh nổi lên như một nhà văn lớn tuổi có lối viết thâm trầm với những Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa. Trong đó, Hồ Quý Ly và Mẫu thượng ngàn đã đưa ông trở thành một tác giả được kính trọng, được xếp vào hàng “cây đa cây đề” không chỉ vì tuổi tác.
Nhưng với những ai thực sự đọc và hiểu sự nghiệp văn chương Nguyễn Xuân Khánh, họ lại coi các sáng tác trước đây của ông quan trọng hơn. Những câu chuyện được chia sẻ trong buổi ra mắt Hoang tưởng trắng khiến người nghe ngậm ngùi. Nhiều người liên quan đến việc xuất bản sách ngày đó nay đã không còn, như cố nhà văn Đà Linh, giám đốc NXB Đà Nẵng thời đó.
Nhưng, chuyện về Hoang tưởng trắng càng khiến người ta tin vào những số phận kỳ lạ trong văn học: có những cuốn sách ra đời, được tung hô rồi sớm chìm vào quên lãng; hoặc có những cuốn ra đời chìm vào thời cuộc, sau một phần tư thế kỷ lại gượng dậy khẳng định giá trị của nó.
Vị đắng nhân sinh
Hoang tưởng trắng có cấu trúc lạ so với thời sách được sáng tác, và vẫn lạ so với hiện nay. Cuốn sách là một chuỗi những bức thư của chàng trai Tư gửi cho người yêu tên Ngà kể về cuộc sống đầy khó khăn thử thách của anh sau khi từ Tây Bắc xuống Hà Nội để theo đuổi sự nghiệp âm nhạc.
Xen kẽ những bức thư lạc quan đến tay người nhận là những bức thư “không gửi” đầy bi quan. Hai tuyến thư chạy song song khiến người đọc hình dung ra cuộc sống đan xen lẫn lộn và tâm tư rối bời, hoang mang của người viết.
Trong bức thư đến tay người nhận, anh viết về viễn cảnh tươi sáng: “Sau khi học xong anh sẽ lên Tây Bắc đón mẹ và em về quê. Thầy mẹ anh vẫn còn để cho anh một miếng đất ở quê và chúng mình sẽ đến đấy lao động và sống. Anh vừa làm nhạc, vừa cày ruộng”.
Còn trong lá thư không gửi, anh đầy hoang mang về lựa chọn của mình: “Anh là Trương Chi. Gia tài của anh là con đò nát cộng thêm tiếng hát. Người đàn bà cần một tổ ấm hơn là con đò lênh đênh, cần bát cơm hơn cần tiếng hát”.
Cứ như vậy, Tư viết cho Ngà những bức thư với hai phiên bản của thực tế, chôn chặt những gì anh thực sự nghĩ về thời cuộc. Nguyễn Xuân Khánh đã lồng những triết lý "tầng tầng lớp lớp" (chữ của nhà văn Ngô Ngọc Bội) qua cuộc đời, tư tưởng của Tư và những người cùng thời với anh. Có những người hoàn toàn đối nghịch với Tư, tạo ra những cuộc đấu tranh gay gắt về tâm tưởng và lối sống.
Riêng với lối viết này, Nguyễn Xuân Khánh đã gây ấn tượng với những đồng nghiệp cùng thời.
"Tôi vừa uống một bài thuốc đắng, vị đắng còn tê dại ở đầu lưỡi. Bao nhiêu khắc khoải nhân sinh và những vấn đề về con người dồn nén tưởng bung vỡ ra ngoài hai trăm trang sách" - nhà thơ Trinh Đường từng thốt lên sau khi đọc Hoang tưởng trắng. Ấn tượng đó không phải của riêng Trinh Đường.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất