(lienminhbng.org)
- Phiên bản gốc bị lưu lạc, tương lai chưa được đoán định… là những điều thú vị xoay quanh chiếc Cúp vàng thế giới sẽ đến Việt Nam vào trưa nay.
Tiền thânTiền thân của chiếc Cúp vàng thế giới mà chúng ta đang thấy hiện tại là chiếc cúp có tên Jules Rimet. Đây là chiếc cúp dành cho các đội vô địch World Cup kể từ năm 1930 đến 1970. Tên ban đầu của nó là Cúp “Chiến thắng”, sau đó được đổi thành Cúp Jules Rimet vào năm 1946 để tỏ lòng biết ơn đối với Jules Rimet, vị chủ tịch FIFA đáng kính từ năm 1921 đến 1954, người đã có công rất lớn trong việc khai sinh giải vô địch bóng đá thế giới.
Jules Rimet được nhà điêu khắc nổi tiếng người Pháp, Abel Lafleur thiết kế và được làm bằng vàng nguyên chất mạ bạc, cao 35cm, nặng 3,8 kg. Phần đế của nó có 8 cạnh, phần thân là hình ảnh nữ thần chiến thắng Nike trong thần thoại Hy Lạp đang nâng một chén bát giác.
Số phận của Jules Rimet khá gian truân từ khi ra đời. Trong chiến tranh thế giới lần thứ 2, đội vô địch năm 1938 là Italy giữ chiếc cúp này. Ottorino Barassi, phó chủ tịch của FIFA và là chủ tịch của FIGC, đã bí mật giấu nó trong một hộp đựng giày dưới gầm giường của ông để bảo vệ nó khỏi bị Đức quốc xã lấy đi.
Vào ngày 20 tháng 3 năm 1966, bốn tháng trước khi khai mạc vòng chung kết World Cup 1966 tại Anh, chiếc cúp Jules Rimet đã bị lấy trộm trong một cuộc triển lãm công cộng tại Quảng trường Trung tâm Westminster. Rất may là nó đã được tìm thấy chỉ 7 ngày sau đó, khi được gói trong một tờ báo chôn dưới chân bờ rào một khu vườn ở ngoại ô Upper Norwood, phía nam London, bởi chú chó tên là Pickles.
Năm 1970, Jules Rimet đã vĩnh viễn thuộc về Brazil, đội tuyển 3 lần vô địch bóng đá thế giới. Đáng tiếc chiếc Cúp lại bị bọn đạo chích cướp đi vào năm 1983. Hiện nay, chiếc Cup được liên đoàn bóng đá Brazil lưu giữ chỉ là một bản sao của Jules Rimet.
FIFA World CupCuộc thi lựa chọn chiếc cúp thay thế đã được tổ chức bởi FIFA để chuẩn bị cho World Cup 1974. 53 mẫu do các nghệ sĩ điêu khắc tạo ra được gửi về từ 17 nước. Tác phẩm của họa sĩ người Italy Silvio Gazzaniga đã được ủy ban bầu chọn với tên gọi mới, FIFA World Cup. Khác với Jules Rimet Cup được làm từ vàng ròng, FIFA World Cup được chế tác từ 5 kg vàng 18 carat (75%) chưa kể hai lớp khoáng chất màu xanh. Chiếc cúp được yêu cầu làm rỗng bởi nếu làm đặc, nó sẽ nặng tới 70–80 kg và quá nặng để có thể giương cao. Chiếc cúp có chiều cao 36,5 cm; nặng 6,175 kg và khắc hình ảnh hai người đang cùng nâng trái đất.
Tính theo giá vàng và USD hiện tại, Cúp vàng thế giới có giá trị vào khoảng hơn 4 tỷ đồng. Nhưng giá trị về mặt ý nghĩa và thông điệp thì vô vàn, chẳng ai có thể đoán định như Silvio Gazzaniga từng thổ lộ: “Tôi nghĩ giá trị thực tế của chiếc cúp không quan trọng. Thể thao giúp mọi người, mọi quốc gia xích lại gần nhau, đó mới là điều quan trọng nhất”.
“Dớp” của FIFA World Cup
Kể từ khi được Franz Beckenbauer nâng lên lần đầu tiên vào năm 1974, vẫn chưa có đội nào bảo vệ thành công FIFA World Cup. Argentina và Brazil thiếu chút nữa làm được điều này, nhưng đều thất bại ở trận chung kết.
Chưa rõ tương laiFIFA quy định không đội nào được giữ vĩnh viễn FIFA World Cup. Thay vào đó, nhà vô địch sẽ được khắc tên ở phần đế Cup thật, đồng thời giữ thêm một bản sao. Tuy nhiên, chỗ khắc tên chỉ đủ đến năm 2038 và hiện chưa rõ giải pháp sau này sẽ thế nào khi “phần đất” bị thu hẹp.
Lần thứ 2 sang Việt NamVào khoảng đầu năm 2010, Cúp vàng thế giới cũng đã đến Việt Nam. Điểm dừng chân khi đó của chiếc cúp là nhà thi đấu Quân Khu 7, TP.HCM.
Năm nay, Cup vàng thế giới sẽ được trưng bày tại Cung thể thao Quần ngựa từ 9h00 đến 17h00 chiều ngày 1/1/2014.
Khánh Đan