24/06/2015 05:38 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Nếu như không có bất ngờ xảy ra vào giờ chót, Man City sẽ trở thành đội bóng nổi tiếng thế giới thứ ba đến Việt Nam trong 7 năm qua theo con đường thương mại thuần túy, tiếp sau trường hợp của Olympic Brazil năm 2008 và Arsenal năm 2013.
Tuy nhiên, trong số này, không có đội bóng nào đến với Việt Nam vì xem đây là một thị trường đầy sức hút hoặc ít nhất là hứa hẹn tiềm năng.
Cảm ơn Indonessia
Chẳng hạn, Olympic Brazil đến Hà Nội vào mùa Hè năm 2008 là bởi họ muốn làm quen với điều kiện khí hậu tại châu Á, trước khi di chuyển sang Bắc Kinh tham dự Olympic Bắc Kinh năm 2008.
Còn sự xuất hiện của Arsenal tại Hà Nội năm 2013 cũng được cho là một phần chủ yếu nhờ mối quan hệ hợp tác giữa HAGL của bầu Đức với Arsenal, chứ nếu chỉ là du đấu thương mại, chưa chắc Arsenal đã lựa chọn Việt Nam.
Tương tự là chuyến viếng thăm sắp tới của Man City, nếu không phải vì những bất ổn của bóng đá Indonesia, cộng với sự tác động mạnh mẽ của bầu Hiển, không có gì bảo đảm rằng Man City sẽ đến Hà Nội vào mùa hè năm nay.
Khán giả tuyệt vời là chưa đủ
Không phủ nhận Việt Nam tuy được xem như quốc gia sở hữu lực lượng CĐV cuồng nhiệt hàng đầu Đông Nam Á, nhưng như thế vẫn là chưa đủ để Hà Nội hay TP.HCM trở thành điểm đến thường xuyên trong các chương trình du đấu mùa hè của những CLB nổi tiếng thế giới, đặc biệt là các CLB từ giải Ngoại hạng Anh, giải đấu được hâm mộ số một ở Việt Nam.
Có nhiều lý do để giải thích cho tình trạng này, song nếu có dịp ghé thăm các quốc gia láng giềng hay được những đội bóng nổi tiếng thế giới ghé thăm như Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Indonesia thì sẽ không khó để chúng ta tìm được câu trả lời.
Ronaldinho cùng Olympic Brazil trong trận giao hữu với ĐTVN năm 2008 tính chất như đấu tập khiến chúng ta không thu hoạch gì nhiều.
Nguyên nhân đầu tiên là việc Việt Nam chỉ có duy nhất một SVĐ đủ tiêu chuẩn để tổ chức những trận giao hữu quốc tế và sức chứa 40.000 chỗ ngồi cũng không phải là quá lý tưởng, trong khi Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Indonesia đều có những SVĐ hoặc có sức chứa khổng lồ (Malaysia, Indonesia) hoặc vừa hiện đại vừa có sức chứa lớn (Singapore).
Nguyên nhân thứ hai là khả năng phát triển thương mại của thị trường Việt Nam còn thua xa Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Indonesia. Những quốc gia này có thể dễ dàng tìm thấy cửa hàng chuyên bán quần áo thi đấu, vật phẩm lưu niệm của các đội bóng nổi tiếng tại những trung tâm thương mại lớn, và doanh số của những sản phẩm chính hãng này tại đây cũng rất khả quan, trong khi đây là chuyện hiếm thấy ở Hà Nội hay TP.HCM.
Và cuối cùng, nếu xét về khía cạnh tài chính thuần túy, chúng ta lại càng khó để so sánh với Thái Lan, Singapore, Malaysia hay Indonesia trong cuộc đua đón tiếp các đội bóng danh tiếng từ châu Âu, bởi với những thương vụ như Arsenal hay Man City ở Việt Nam thì nhà đầu tư rất khó có lãi và thậm chí nếu lỗ ít hoặc hòa vốn đã có thể coi là may mắn.
Vì thế, có lẽ người hâm mộ Việt Nam sẽ còn phải tiếp tục phấp phỏng với những chuyến ghé thăm theo kiểu “nỗi buồn của người này là niềm vui của người khác” như trường hợp của Man City ở mùa hè năm nay.
Chúng ta từng đón hụt Man United Cũng liên quan tới nhân tố trung gian Indonesia, cách đây ít năm, người hâm mộ Việt Nam thiếu chút nữa đã được đón tiếp Man United tại Hà Nội, nhưng cuối cùng thương vụ này đã đổ bể, vì ở Việt Nam lúc ấy không có ai như bầu Đức hay bầu Hiển để có mối quan hệ công việc, hợp tác với Arsenal hay Man City, còn nếu chỉ dựa vào thương mại thuần túy, chúng ta không có khả năng đáp ứng yêu cầu của họ. Câu chuyện xảy ra vào tháng 7/2009, khi vào giờ chót Man United phải hủy chuyến du đấu ở Jakarta do sự cố nổ bom tại 2 khách sạn Marriott và Ritz Carlton ở Jakarta (Indonesia). Ngay lập tức, ProEvents, đơn vị đứng ra tổ chức tour du đấu này, đã fax thư mời tới VFF và FAT (LĐBĐ Thái Lan) để gợi ý về khả năng sẽ chọn Hà Nội, hoặc Bangkok làm điểm dừng tiếp theo sau Kuala Lumpur nếu như đáp ứng được những yêu cầu do ProEvents đặt ra. Tuy nhiên, do ProEvents đặt ra những yêu cầu quá khắc nghiệt về tài chính (phí ra sân 2 triệu euro, cung cấp chuyên cơ cho toàn bộ phái đoàn Man United, và đặc biệt là ProEvents yêu cầu phải được độc quyền về khai thác quảng cáo và thương mại, mọi hoạt động bên lề nào khác nếu có đều phải có sự chấp thuận của ProEvents), nên cuối cùng đại diện VFF đã phải rời bàn đàm phán ra về mà không thể đạt được thoả thuận nào. |
Huy Anh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất