'Lolita' chưa bao giờ cổ súy cho ấu dâm

02/04/2016 12:00 GMT+7 | Đọc - Xem

(lienminhbng.org) - Vụ việc nghệ sĩ Minh Béo bị truy tố ở Mỹ với tội danh lạm dụng tình dục trẻ em, cùng một loạt các vụ ấu dâm khác đang làm nhức nhối dư luận trong mấy ngày nay. Tội ác hay căn bệnh đó (ấu dâm) nhắc chúng ta đến một cái án rất lớn treo trên đầu một tác phẩm văn học nổi tiếng – Lolita - của nhà văn Vladimir Nabokov.

Cần hiểu về “cáo buộc ấu dâm” trong tác phẩm này như thế nào?

Bị lên án là cuốn sách “tuyên truyền ấu dâm”

“Tôi chỉ tuân theo tự nhiên thôi. Tôi là con chó săn trung thành của tự nhiên. Vậy tại sao lại lại có điều khủng khiếp này mà tôi không thể rũ bỏ?” - nhân vật Humbert trong tác phẩm Lolitacủa nhà văn Nabokov nói về nỗi ám ảnh ấu dâm của mình.

Bất chấp những dẫn chứng lịch sử, những lời biện minh màu mè trên, ấu dâm chưa bao giờ được chấp nhận ở Mỹ vào thời điểm đó cho tới tận bây giờ. Bản thân cuốn Lolita cũng bị nhiều nhà xuất bản từ chối vì vấn đề đạo đức, và cuối cùng phát hành năm 1955, bởi Olympia Press - nhà xuất bản Pháp chuyên làm sách khiêu dâm.


Mối quan hệ giữa Humbert và Lolita tiếp tục gây tranh cãi khi lên phim

Tới năm 1997, khi lần thứ hai Lolita được dựng thành phim, nó vẫn là chủ đề nóng, nhận nhiều chỉ trích gay gắt, đặc biệt khi rơi vào thời điểm luật Mỹ đang thắt chặt các vấn đề về bảo vệ trẻ em.

Mới cách đây ba năm, khi dựng kịch dựa trên tiểu thuyết Lolita, nhà sản xuất Artyom Suslov của Nga đã bị tấn công và phản đối kịch liệt vì “tuyên truyền ấu dâm”.

Sự thành công của Lolita càng lớn, thì nhiều kẻ lệch lạc tình dục càng vững tin cho đó là điểm tựa, trong khi nhiều người khác lớn tiếng coi đây là sự xuống cấp về đạo đức khi yêu thích một tác phẩm như vậy. Tuy nhiên, họ đã quên mất một điều quan trọng: Lolita chưa bao giờ là sách về ấu dâm.

“Ấu dâm” là bệnh lý

Khi Lolita được xuất bản, tác giả Vladimir Nabokov đã phải hứng chịu nhiều cái nhìn mỉa mai như dành cho kẻ phạm tội. Bản thân ông cũng không ít lần phải trả lời rằng mình là một ông già hiền lành, không hề có dấu hiệu ấu dâm.

Ấu dâm hiện nay đã được giới khoa học và xã hội nghiên cứu như một vấn đề về bệnh lý. Tuy hiện chưa xác định nguyên nhân chính xác gây ra ấu dâm, phần đa các chuyên gia cho rằng ấu dâm có liên quan đến các yêu tố tâm lý xã hội chứ không phải các nhân tố sinh học.

Tuy nhiên, cũng có những nghiên cứu đưa ra giả thuyết như ít chất trắng trong não bộ, ít hormone testosterone, béo phì… là các nguyên nhân gây ra ấu dâm. Người bị ấu dâm cũng phải điều trị lâu dài như những người nghiện chất kích thích và chỉ bị coi là tội phạm khi họ thả mình theo bản năng, làm hại tới các trẻ nhỏ.


"Lolita" đã được xuất bản tại Việt Nam

Có thể nhìn thấy tất cả những điều trên ngay ở chính nhân vật Humbert. Mối tình kết thúc trong bi kịch với nàng Annabel thuở nhỏ đã ảnh hưởng lớn tới tâm sinh lý của Humbert, khiến ông sau này luôn bị ám ảnh về những cô gái nhỏ. Humbert cũng tự biết điều này là không hợp đạo lý.

“Hắn vô cùng tôn trọng những đứa trẻ bình thường, với sự trong sáng và yếu mềm của chúng, và không đời nào hắn mó vào sự trinh trắng của đứa bé, nếu có rủi ro, dù là nhỏ nhất, xảy ra tai tiếng. Nhưng trái tim hắn đập rộn ràng làm sao mỗi khi, giữa đám đông ngây thơ, hắn liếc thấy một tiểu yêu nữ, mắt mờ, môi tươi, mười năm trong tù nếu anh lộ ra cho bé biết anh đang ngắm bé.”

Ấu dâm - Tội ác và trừng phạt

Ý thức được điều này, trong truyện, nhân vật Humbert luôn cố gắng kìm nén dục vọng, tiết chế bằng cách lén lút ra công viên nhìn những bé gái hoặc tìm kiếm nét trẻ thơ trong thân thể những người đàn bà trưởng thành.

Về tội lỗi gây ra với nhân vật Lolita, đúng như đoạn mở đầu có viết: “Nếu người viết nhật ký điên khùng của chúng ta, vào cái mùa hè định mệnh năm 1947, tìm đến một bác sĩ chuyên khoa tâm thần giỏi tay nghề, thì chắc sẽ không có thảm họa nào xảy ra”.

'Lolita' không gây chấn động ở Việt Nam - lỗi của ai?

'Lolita' không gây chấn động ở Việt Nam - lỗi của ai?

Bán 3.000 hay 5.000 bản không thể gọi là “đón nhận nồng nhiệt”, kiệt tác như 'Lolita' ít nhất phải được 50.000 bản. Đó là một ý kiến nhân ra mắt Lolita bản dịch chỉnh sửa mới nhất của Dương Tường hôm qua.


Thật vậy, điều quan trọng là cả người bị ấu dâm và những người xung quanh phải nhìn nhận đây là vấn đề bệnh lý. Người bị bệnh cần hiểu luân lý, tự biết kiềm chế và tìm cách điều trị.

Còn người khác không nên thấy vậy mà hắt hủi, kì thị, mà ngược lại, nên cảm thông, giúp đỡ để tránh những thảm họa có thể xảy ra. Trong trường hợp người ấu dâm hiểu rõ  đạo lý mà vẫn bất chấp tất cả vì dục vọng, họ cần bị phán xét theo đúng pháp luật. Bản thân Humbert cũng đã chấp nhận bản án của mình.

Trên quãng đường lang thang cùng nàng Lolita, Humbert không ít lần đau khổ, dằn vặt về tội lỗi của mình. Nếu có thể chia sẻ về bệnh của mình với bác sĩ tâm lý, có thể đã không xảy ra thảm họa này. Humbert nói riêng và Lolita nói chung chưa bao giờ cổ súy cho ấu dâm.

Lolita, cũng như tất cả các tác phẩm khác của Nabokov - đúng như chính lời ông - chỉ đơn thuần là “những ân phước thẩm mỹ”.

(*) Bài viết có sử dụng các đoạn trong cuốn Lolita, bản dịch của dịch giả Thiên Lương

Thư Vĩ
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm