Trung vệ Huy Hoàng cũng cần một cuộc 'giải thoát'

17/05/2013 13:07 GMT+7 | V-League

(lienminhbng.org) - Sẽ là rất hợp thời, thậm chí nó còn có thể được xem là ngã rẽ cuộc đời, nếu điều này xảy ra từ cách đây 3, 4 năm về trước. Nhưng cho đến cách đây vài ngày, Huy Hoàng mới quyết định (tạm thời) sẽ không tắm trên dòng sông Lam nữa.

Một quyết định có thể rất khó khăn! Đã ở sườn bên kia của sự nghiệp, tất cả (kẻ cả bản thân Hoàng) đều không kỳ vọng sẽ mở ra một trang rất mới của cuộc đời, nhưng ít nhất nó là sự giải thoát, là niềm vui nho nhỏ với cá nhân Hoàng.

Việc Huy Hoàng (trái) rời khỏi SLNA là một lựa chọn hợp lý với trung vệ này. Ảnh: Dương Thu

Huy Hoàng chấp nhận giang xuồng (đi nhờ đò để qua sông, một thuật ngữ quen thuộc của người dân miền sông nước Cửu Long) cũng là cực chẳng đã! Chiều qua (16/5), cựu trung vệ ĐT Việt Nam và SLNA, Nguyễn Huy Hoàng, đã có buổi tập đầu tiên với đội bóng mới XSKT.Cần Thơ.

“Làm lại” ở tuổi 33?!

Khi Huy Hoàng nói lời chia tay SLNA, chia tay chảo lửa Vinh và chia tay khán giả, những CĐV đã sát cánh cùng mình trong cả những nỗi đau, người ta nhắc nhiều đến quá khứ rất huy hoàng của Hoàng và cũng không quên dự báo, Hoàng sẽ làm gì và tìm gì ở bến đỗ mới. Nhưng hình như chưa ai đề cập đến những phát biểu của Huy Hoàng, cũng chẳng ai nói đến những bịn rịn chia tay gia đình và cũng không một người thân nào của Huy Hoàng lên tiếng. Vậy Hoàng đã nói gì khi chia tay gia đình, người thân, để “làm lại” ở tuổi 33?!

Hoàng chẳng nói gì cả! SLNA đã có từ trước khi Huy Hoàng xuất hiện, và Hoàng cũng chỉ là một trong số rất rất nhiều cầu thủ đã phục vụ cho đội bóng này. Hoàng đã dành cả tuổi thanh xuân và những năm tháng đẹp đẽ nhất của đời cầu thủ cho đội bóng quê hương. Thế nên cũng có ý trách SLNA phải chăng đã quá “lạnh lùng” khi quay lưng

Không thể nói là chỉ mỗi Huy Hoàng phụng sự SLNA, mà có cả trăm, cả ngàn người như Hoàng ở cái đội bóng này. May mắn, Hoàng chỉ là một trong số ít những người có công lao lớn nhất và nó được ghi nhận bằng danh hiệu và một cuộc sống khá sung túc mà bóng đá đã đem lại cho Hoàng. SLNA đã cho Hoàng tất cả, nhưng không thể “nắng che gió chống” mãi được.

Việc đi “cày tiền” là một nguyện vọng đúng đắn, bởi sau lưng Hoàng còn có vợ con. “Anh ấy cần phải hành động thôi, không thể đợi và không thể cấn cá mãi được nữa. Thời buổi này không thể cứ ngồi đó than vãn, ăn mày dĩ vãng được”, một người bạn nối khố của Hoàng cho chúng tôi biết. “Cậu ấy đã có buổi tập đầu tiên với đội bóng mới rồi và nghe chừng phấn khởi lắm. Công việc không mới, vì chung quy vẫn là nghề đá bóng, không ở chỗ này thì ở chỗ kia, nhưng phải bắt đầu nó bằng sự hứng khởi mới được”, vẫn lời anh bạn thân.

Và còn sống là còn hy vọng

Một điển tích rất ư là cũ, rằng còn sống là còn hy vọng. Hay nói theo cách của dân gian, thì còn người còn của. Nếu Huy Hoàng có một đôi lần từng vỗ ngực tự hào, anh đã cho đi rất nhiều và chẳng nhận lại bao nhiêu, chắc Hoàng nên dừng lại, thay vì tiếp tục lao vào cuộc chơi mà vốn dĩ anh “đã cho rất nhiều”. Chúng ta đều biết là trong cuộc sống, cho và nhận không phải lúc nào cũng đồng bộ. Thế nên, hãy cứ cho (nếu có thể) và đừng bao giờ kỳ vọng, một ngày nào đó sẽ nhận lại dù ít nhiều, bởi càng hy vọng vào ngày đó, sẽ chỉ chuốc lấy thất vọng mà thôi!

Trong quá khứ, Huy Hoàng từng không ít lần nuốt nỗi đau vào trong rồi cũng bởi anh kỳ vọng vào nó quá lớn. Đấy là những lần anh không được thừa nhận sự đóng góp (dù xứng đáng hay ít nhất Hoàng cũng nghĩ, mình xứng đáng), trong các cuộc bầu chọn danh hiệu cá nhân. Hoàng giận dỗi và hơn một lần nói lời chia tay sự nghiệp thi đấu quốc tế, chia tay ĐT Việt Nam. Nhưng đâu phải nói từ bỏ là bỏ ngay được. Tất cả đều thấy là tại AFF Cup 2010, Huy Hoàng đã quay lại, cho đến khi thất bại.

Trong quá khứ (lại là quá khứ), Huy Hoàng chí ít cũng vài lần muốn rời SLNA để tìm bến bến đỗ mới. Đó là khoảng thời gian bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam lên cơn sốt trên thị trường chuyển nhượng (từ 2007-2011) và Hoàng khi đó là ngôi sao của mọi ngôi sao, là cầu thủ được săn đón nhiều nhất. Trong phút chốc, Hoàng đã định đi rồi. Gần thì ra V.NB, xa hơn chút đến HN.T&T hay XM V.HP, Hoàng thậm chí có thể đã sớm xuôi Nam (chứ không phải lúc này), bởi B.BD, rồi N.SG cũng rất muốn có anh. Nói chung, Hoàng có nhiều lựa chọn.

Nhưng, Hoàng đã chọn ở lại, trước khi dính “phốt”, rồi dần đánh mất vị trí. Thực tế là trước khi xảy ra cú phốt quá nặng (“say rượu”) ở Thanh Hóa hôm ấy, Huy Hoàng đã đánh mất vị thế của một đàu tàu tại sân Vinh rồi. Và SLNA cũng đã “nắng che gió chống” vụ cuối cùng ấy cho Hoàng, sau kết luận: Hoàng chỉ say rượu, chứ không say (phê) thuốc.

Thay lời kết

Trong bóng đá, đừng nói đến cái tình, bởi chỉ với cái tình thôi sẽ chẳng nên cơm cháo gì cả. Bóng đá là thành tích, nên e rằng, phải có những tính toán rất chi li. Ông Nguyễn Hồng Thanh và HLV Nguyễn Hữu Thắng, những người có tiếng nói trọng lượng nhất ở SLNA (ít cũng là trong chuyên môn, nhân sự, cho đến các mối quan hệ…), ắt phải tính cho mình trước khi nghĩ đến người khác.

Nói đường hoạn lộ của Huy Hoàng ở SLNA gặp trở ngại nên anh ra đi, e hơi xa xôi, nhưng chắc chắn Hoàng cũng phải tính cho mình một hướng đi. Cuộc sống cho thấy những kẻ xa rời thực tế chiếm số đông trong số những người thất bại. Huy Hoàng, dù quá khứ có lẫy lừng đến mấy, công lao có to bằng trời biển, cũng không thể ngồi đó cầu cạnh, chờ thời.

TÙY PHONG
Thể thao & Văn hóa

Cần Thơ có gì vui?

Từ HLV Vương Tiến Dũng, đến Trọng Nghĩa, Thế Anh và bây giờ là Huy Hoàng đều đổ bộ về Cần Thơ, nơi có đội bóng XSKT.CT đang chơi ở giải hạng Nhất. Trước đó, nếu quyết liệt hơn ngay từ đầu, XSKT.CT đã có thể sở hữu cả Ngọc Thanh, một cựu tiền đạo ĐT Việt Nam khác. Cảm giác như mọi ngả đường đều dẫn về Cần Thơ.

Vậy, Cần Thơ có gì vui?! Người trong cuộc kể rằng, năm nay, đội bóng thủ phủ của cả miền Tây Nam bộ này đặt quyết tâm thăng hạng bằng được. Thực tế chủ kiến ấy đã có từ lâu, nhưng đến nay mới thành hình, sau khi người trong cuộc đã chịu bắt tay với nhau, để cùng nhìn về một phía.

Họ bắt đầu chiêu binh mãi mã. Bắt đầu từ tướng, cho đến quân. HLV Vương Tiến Dũng được mời vào để thay thế ông Huỳnh Ngọc San, rồi các thế hệ cựu trào của làng bóng đá cũng xuôi miền sông nước Cửu Long như đã nhắc. Hiện, khoảng cách với suất thăng hạng là 5 điểm ít hơn, nhưng với 4/6 trận tổng cộng ở lượt về được chơi sân nhà, XSKT.CT có quyền mơ ước.

Người ta đã tính toán rất chi li, khi đội bóng đoạt vé thăng hạng sẽ đồng nghĩa với rất nhiều tiền thưởng. Trong bối cảnh gạo châu củi quế như hiện tại thì tiền quan trọng lắm! Vậy thì còn chờ gì nữa?!

CCKM


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm