03/10/2017 06:42 GMT+7
(lienminhbng.org) - Tập đầu chương trình Tôi là hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017 vừa lên sóng. Và, tôi đã lập tức có những phút thấy phản cảm, khi thí sinh số 111 Trịnh Thị Gấm bị giám khảo cật vấn rất nhiều về chiều cao của mình.
Cụ thể, trong phần trả lời trực tiếp, dù phát trên sóng truyền hình nhưng hai giám khảo là Phan Anh và Samuel vẫn không hề tế nhị khi liên tục buông lời chê bai chiều cao của thí sinh này.
Thậm chí, khi Trịnh Thị Gấm tự nhận xét về chiều cao của mình: “Không cao lắm và cũng không thấp lắm, nhưng em rất là tự tin”, thì giám khảo Samuel Hoàng liền nói: “Bạn nên biết bạn đang đi đâu, bạn đang thi cuộc thi gì và chúng ta không nên làm mất thời gian của nhau”.
Có vẻ như với những người cầm cân nảy mực này thì việc định lượng chiều cao của một thí sinh là tiêu chuẩn tối quan trọng. Do vậy, khi thí sinh bị hạn chế về chiều cao thì rất đáng bị chê trách. Thậm chí,việc thí sinh đó tham gia cuộc thi hoa hậu này là một cái gì đó không bình thường.
Hóa ra, lùn là xấu chăng?
Thử nhìn lại những cuộc thi hoa hậu hoàn vũ trên thế giới, ta sẽ gặp không ít những người đoạt vương miện với chiều cao khá khiêm tốn. Người đăng quang Hoa hậu hoàn vũ thế giới năm 1958 là Luz Marina Zuluaga, người Colombia, cô chỉ cao 1m61 - hiện giữ kỷ lục là Hoa hậu hoàn vũ thấp nhất lịch sử. Nhỉnh hơn Luz tí xíu là Apasra Hongsakula người Thái Lan, Hoa hậu hoàn vũ thế giới năm 1965, lúc đó cô cao 1m63. Hay như Hoa hậu hoàn vũ Honduras năm 2012 chỉ cao 1m54.
Nhìn lại lịch sử các cuộc thi nhan sắc của nước ta cũng có nhiều hoa hậu khá “xì-trum”. Hoa hậu Việt Nam 1988 Bùi Bích Phương cao 1m57, Hoa hậu Việt Nam 1990 Nguyễn Diệu Hoa cao 1m58. Á hậu Ngọc Oanh năm 2000 cao 1m67…
Như vậy các “nấm lùn” vẫn có thể “làm mưa làm gió” làng nhan sắc thế giới và Việt Nam, miễn họ gặp may được với ban giám khảo có đủ sự công minh và viễn kiến. Nói cách khác, tiêu chuẩn duy nhất của cuộc thi hoa hậu không phải là chiều cao của thí sinh, mà còn rất nhiều yếu tố khác.
***
Nhìn lại trường hợp của Trịnh Thị Gấm, dù có thể cô không nổi trội về nhan sắc, nhưng các thành viên ban giám khảo cũng đã không cẩn ngôn khi chỉ lấy chiều cao để chê bai. Trong khi chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam theo thống kê gần nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chỉ ở mức 1m63,7, nữ thanh niên ở mức 1m53. Và chuẩn này ở nữ giới trên toàn thế giới theo WHO là 1m63,7.
Như vậy, tuy Trịnh Thị Gấm đứng giữa các thí sinh của “Tôi là hoa hậu hoàn vũ Việt Nam 2017” có thể lép vế một chút về chiều cao, nhưng nếu đứng trong mặt bằng chung của nữ giới nước ta, chiều cao của cô không có gì để phải phàn nàn cả.
Một ví dụ khác về nghề nghiệp, phi công là nghề được nhiều bạn trẻ mơ ước, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam tuyển ứng viên phi công cho nữ có chiều cao từ 1,6m, cho nam từ 1,65m.
Cuộc thi này cũng như nhiều cuộc thi nhan sắc khác có rất nhiều tiêu chí để đánh giá, xếp loại thí sinh. Dựa vào những tiêu chí đó, ban giám khảo cuộc thi hoàn toàn được quyền chọn hoặc loại thí sinh nào phù hợp.
Nhưng như thế không có nghĩa họ có quyền công khai bài xích hoặc chê bai một hạn chế nào đó về thân thể của thí sinh. Về tính cách, nếu bị khiếm khuyết thì có thể sửa, còn thân thể hạn chế, khiếm khuyết đâu phải lúc nào cũng sửa được, mà sửa xong, chắc gì đã được dự thi.
Chiều cao không phải là yếu tố duy nhất quyết định sự đẹp xấu của một con người. Quan trọng là chiều cao phải hài hòa, cân đối với nhiều yếu tố khác như nét mặt, màu da, vóc dáng, ứng xử, trí tuệ, tâm hồn… của người đó.
Cao thấp là chuyện bẩm sinh, khó ai lựa chọn được mình sẽ cao hoặc thấp bao nhiêu. Cho nên, nếu lấy sự hạn chế về mặt ngoài hình ấy để công kích, từ chuyện chiều cao của hoa hậu, các giám khảo đã làm tổn thương rất lớn đến lòng tự trọng của thí sinh, cũng như của nhiều phụ nữ Việt Nam khác.
Tiểu Mục Đồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất