30/10/2014 21:33 GMT+7
(lienminhbng.org) - Trong trận Kinh điển, Barca xuất phát với đội hình già hơn Real Madrid đến 2 năm, xét về tuổi trung bình. Hơn một nửa đội hình chính của họ cũng từng bị đặt câu hỏi về khát vọng.
1. Sự nghiệp cầm quân của Luis Enrique chưa kéo dài lâu. Nhưng chỉ vài năm với Roma và Celta Vigo đủ để vị HLV người xứ Asturias giúp người ta có được cái nhìn khát quát về ông: Một con người luôn thích dùng cầu thủ trẻ.
Khi vừa trở lại Camp Nou cho cương vị mới, Luis Enrique nhanh chóng thể hiện sự ưu ái với người trẻ. Rafinha có một vị trí khá quan trọng, cho đến khi dính chấn thương. Munir và Sandro Ramirez, những người lần đầu được đôn lên đội một, liên tục có cơ hội thi đấu.
Thế nhưng, bước vào trận Kinh điển, những người trẻ không có chỗ. Neymar là cầu thủ trẻ nhất trong đội hình Barca (22), và tiếp đến là Busquets (26).
Real thi đấu thứ bóng đá tổng lực với những gương mặt trẻ trung ở trung tuyến. Ngược lại, Barca đến Bernabeu với đội hình già cỗi. 29 tuổi và 28 ngày, đó là tuổi trung bình của 11 thành viên Barca đá chính trận Kinh điển, già nhất vòng 9 La Liga. Real, với chỉ hai cầu thủ đã quá 30, Pepe và Iker Casillas, có trung bình 27 tuổi và 72 ngày.
Trong đó, Barca xuất phát với 6 cầu thủ từ 30 trở lên, Bravo (31), Dani Alves (31), Mascherano (30), Xavi (34), Iniesta (30) và Mathieu (vừa tròn 31 ngày 29/10). Như vậy, trung tuyến và hai cánh của Barca, vốn đóng vai trò qua trọng, đều là những “ông già”.
Một Barca già cỗi đến đúng thời điểm châu Âu vinh danh La Masia như học viện chất lượng nhất.
2. Vấn đề không chỉ dừng lại ở độ tuổi. Trước Real, đội hình xuất phát của Barca có đến 7 cầu thủ từng đá chính trận chung kết Champions League 2011. Có 3 người ở hàng thủ (Alves, Pique, Mascharano), bộ ba tiền vệ (Xavi, Busquets, Iniesta), cùng với Messi phía trên.
Vinh quang ở London cách nay đã hơn 3 năm cũng là điểm tới hạn của một Barca hùng mạnh mà Pep Guardiola xây dựng, trước khi đi xuống theo từng mùa giải (điều đó được thể hiện bằng việc họ liên tục bị Bayern Munich và Atletico làm cho muối mặt ở bán kết Champions League hai mùa gần nhất). Vậy mà Enrique lại dùng những con người ấy như chìa khóa để giải quyết cuộc chiến Kinh điển.
Tất nhiên, không phải ai trong những người đá chính trận chung kết thắng Man United ở London đều đã hết thời. Nhưng rõ ràng Barca cần làm mới nhiều hơn nữa để tạo sự cạnh tranh và tăng khát vọng, chứ không thể chỉ là trông đợi vào Neymar đang có phong độ cao, hay tìm kiếm hy vọng mơ hồ từ một Luis Suarez với lượng mỡ thừa đang níu bước chân.
3. Chính Pep Guardiola từng chỉ ra vấn đề khát vọng của Barca trong mùa cuối ở Camp Nou. Cho đến tận bây giờ, ông vẫn hiểu đội bóng ấy hơn bất kỳ ai. Nhưng ngày ấy, Pep chọn giải pháp ra đi, vì theo tiết lộ của vị HLV đang dẫn Bayern Munich (trong cuốn tự truyện mới ra mắt gần đây), ông không thể tác động vào những cá nhân trong phòng thay đồ Camp Nou.
Triều đại Tito Vilanova ngắn ngủi, và có thể xem chỉ là một giai đoạn quá độ, vì nhà cầm quân quá cố ấy không có thời gian để làm việc, khi căn bệnh ung thư đã quật ngã ông.
Trong mùa trước, Tata Martino đã mạnh dạn làm mới Barca, kể cả việc vứt sang một bên thứ bóng đá tiki-taka đã lỗi thời. Nhưng rồi Martino vẫn phải ra đi, khi nửa sau mùa giải ông không nhận được sự ủng hộ của các công thần. Xavi nhiều lần phản đối Martino ngay trên khu kỹ thuật, và Iniesta cũng vậy.
Enrique đã mang đến sự mới mẻ, không ngần ngại cho Xavi ngồi ngoài 5 trận đầu, và chỉ xếp Pique vào đội hình chính trước những đối thủ yếu. Nhưng đến trận đấu mang tính bước ngoặt ở Bernabeu, Xavi và Pique đều đá chính. Xavi mất hút giữa tốc độ của Real. Pique trình diễn một phong độ thảm họa.
Khi cuộc cách mạng tưởng như trơn tru, Enrique thay đổi, đưa Barca trở lại với sự già cỗi và cũ kỹ. Phải chăng, quyền lực đen mà truyền thông nhắc đến trong nhiều năm qua đang thực sự tồn tại?
Ngọc Huy
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất