Mùa hoa Cải

11/03/2009 15:08 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Hà Nội ngày 08/01/2009

Có những chuyến đi tưởng chừng đơn giản nhưng lại gợi lại trong ta những nỗi niềm thân thương, nó có thể là những ký ức về một thời đã qua. Hãy bước đi và cảm nhận những điều bình dị trong cuộc sống…


Hôm ấy, cả nhóm rủ nhau đi bộ vãn cảnh trên cầu Long Biên. Từ trên ấy ta có thể ngắm rõ nét hơn về con sông của Thủ đô và thành phố trong sông. Thế mới biết cảm giác đi bộ trên cầu như thế nào… Rồi cả lũ chạy xuống bãi giữa, nơi con sông Hồng bồi đắp lên. Cô bạn chạy tung tăng ngắt hoa dại, rồi cả lũ trừng mắt trước bạt ngàn một màu vàng hoa Cải. Thu Hương càng sung sướng reo lên và chạy tới tấp quanh cánh đồng, lũ con trai thì lẽo đẽo theo sau.

Những cánh hoa nho nhỏ, những bước đi ấy cho tôi quay lại tuổi ấu thơ của mình bên những người thân quen. Bố mẹ tôi vẫn mải miết làm việc, mặc cho lũ trẻ con chạy nhảy trên những thuở ruộng, những cây cải Tiếu cao gần bằng người. Cả trên kia nữa nhiều hoa lắm, túm năm tụm bảy đi ngắt hoa cải.

Cái Liên con bé lớn tuổi nhất năm nay học lớp 2, cả thằng Thảo cũng vậy quấn quýt chạy theo sau. Còn tôi và mấy đứa trẻ trong xóm theo bố mẹ đi làm cứ tranh giành nhau cụm hoa sam đất …

Thu Hương vẫn mải miết ngắt hoa cải, cả những cụm hoa dại, còn bọn con trai thì ngồi cả xuống ven bờ sông. Câu chuyện dường như im lặng. Những câu chuyện về ngày xưa cứ như đang sống dậy trong mỗi chúng tôi và tôi tin chắc rằngtrong mỗi ai đều có một con sông quê hương, con sông tuổi thơ. Cả tôi cũng vậy, con sông quê hương của những câu Quan họ chạy uốn quanh làng tôi và hàng năm bồi đắp cho cánh đồng quê tôi một lớp phù sa màu mỡ, thích hợp cho việc trồng màu mà quê tôi chủ yếu là trồng cải. Đến mùa thu hoạch nhìn từ trên đê xuống, bãi màu quê tôi như một bức thảm được dệt lên từ bàn tay của những cô tiên trong truyện cổ tích. Ở đó có màu xanh của quê hương và thiên nhiên, màu vàng của ấm áp và hạnh phúc… Những vụ thu hoạch ấy bọn trẻ là sướng nhất, không phải làm gì, cứ chạy tung tăng khắp cánh đồng mà không biết mệt mỏi. Phải ngắt cho thật nhiều để về cắm ở lọ hoa, cả cốc nữa, chỗ nào cũng thấy hoa cải.

Chúng tôi chơi rất nhiều trò trong lúc bố mẹ đang mải miết vào công việc, nào là bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, nhảy ngựa, cướp cờ… Nhưng ấn tượng nhất phải kể đến là trò cô dâu chú rể. Đứa được chọn làm chú rể do bọn con trai trang điểm và phải chuẩn bị một bó hoa đẹp nhất đến đón cô dâu. Còn cô dâu thì các bạn nữ điệu đà hơn trong bộ y phục còn gắn, điểm bằng những loại hoa khác nhau. Eo ôi trông đẹp đôi quá kìa, có đứa ngây thơ đến nỗi còn bảo sau này tao với mày làm cô dâu chú rể thật nhé ! Thế là cả lũ lại bò lăn ra cười…

Vậy mà cánh đồng ấy không còn như trước kia, chỉ còn lại màu nguyên sinh của nó, màu của đất. Con người quê toi họ không còn nghề trồng cải năm ấy mà quay ra đi buôn đi bán. Bãi đất giờ đây chỉ toàn thấy màu xanh của cỏ dại. Làm sao đây, làm sao cho tôi lấy lại những ngày xưa, lấy lại những kỷ niệm ngày xưa, những kỷ niệm ấu thơ, lấy lại bức tranh quê ngày ấy ? giờ đây, những ký ức mong manh có lẽ cũng chỉ là nụ cười được mùa của người lao động, những bữa cơm đạm bạc nhưng đày tình yêu thương, bên ánh đèn mờ mờ… Và ai lấy lại cho tôi những người bạn ngày xưa, những đứa trẻ tưởng chừng không xa rời được nhau, lấy lại cô dâu bé nhỏ cho tôi…

Tôi giật mình tỉnh lại khi Thu Hương lại gần, vỗ vai : “Nhìn tôi hái được nhiều hoa không nè ? hãy chờ đấy, để tôi cho mọi người thấy cái đẹp của nghệ thuật”. Thu Hương nhặt từng cành hoa, rồi xếp lại thành một bó…

Không, cuộc sống ấy, khoảnh khắc ấy, những người bạn ấy không bao giờ mất đi, họ vẫn tồn tại quanh tôi. Đó chỉ là sự thay đổi của xã hội, một sự vận động mà thôi. Và cho dù đi bất cứ nơi đâu trên mảnh đất Việt Nam này chúng ta đều bắt gặp những cảnh lao động, những cánh đồng bát ngát, những bờ tre rì rào trước gió và cả nụ cười hạnh phúc được mùa.

Mọi người ngồi bên tôi cũng vậy, họ cũng đang nghĩ ngợi gì đó trước dòng nước lăn tăn, nhưng ai cũng rạng ngời khi ngắm nhìn bó hoa mà Thu Hương vừa cách điệu…

Và tôi thầm cảm ơn những người nông dân, và càng tự hào khi sinh ra trên quê hương ấy, bên những sản phẩm được tạo ra từ hai bàn tay. Cám ơn vì họ đã cho tôi sống lại những ký ức bị lãng quên, cám ơn vì giữa trung tâm của một thú đô năng động lại có một hòn đảo ngọc quanh năm muôn hoa đua nở.

Duy Hiển

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm