Đà Nẵng phát triển du lịch gắn với nghệ thuật tuồng

18/04/2014 20:02 GMT+7 | Văn hoá


(lienminhbng.org) - Quảng Nam - Đà Nẵng là mảnh đất "quyền lực" về tuồng với những nghệ sĩ và soạn giả nổi tiếng như Nguyễn Hiển Dĩnh, Nguyễn Nho Túy, Tống Phước Phổ... Nhưng lâu nay các nghệ sĩ tuồng của ta đang sống lay lắt với nghề. Gần đây, TP Đà Nẵng đã xác định trọng tâm phát triển du lịch là dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống và tuồng đã tìm được hướng đi cho riêng mình.

Gánh nặng cơm áo của các nghệ sĩ tuồng

Quảng - Đà nằm giữa hai vùng đất nổi tiếng về tuồng là Huế và Bình Định nên thừa hưởng tinh hoa từ tuồng cung đình và tuồng võ. Tuồng Quảng - Đà hình thành cho mình phong cách riêng, độc đáo, như các nhà chuyên môn nhận xét, là thiên về biểu diễn nội tâm.

Với người dân Quảng Nam - Đà Nẵng, tuồng là món ăn tinh thần không thể thiếu trong các lễ hội, việc làng, dịp quan trọng. Dù vậy, thù lao cho các nghệ sĩ tuồng khá ít ỏi, không đủ sống. Nếu như cát xê một bài hát của các ca sĩ hiện nay từ hàng chục đến trăm triệu thì thù lao của các nghệ sĩ tuồng chỉ từ 20-50 nghìn/1 buổi diễn. Thù lao thấp như vậy nhưng không phải ngày nào họ cũng nhận được lời mời diễn, vì thực tế hiện nay trên cả nước, hầu hết khán giả trẻ đã và đang quay lưng với nghệ thuật truyền thống.

Vì thế, các nghệ sĩ tuồng đã chủ động đi tìm "show" như biểu diễn tại các khách sạn, nhà hàng, resort và thậm chí ở các đám ma hay cưới hỏi. Đó cũng là cách làm sáng tạo để sống được với nghề nhưng lại khá manh mún và chưa thể là giải pháp cho nghệ thuật tuồng.


Nghệ thuật tuồng chưa hẳn đã khó khăn nếu các đơn vị nghệ thuật tìm ra hướng đi.

Đà Nẵng - một gợi ý bảo tồn nghệ thuật tuồng

Vừa qua, TP Đà Nẵng có chủ trương lấy văn hóa truyền thống là nền tảng để phát triển du lịch, trong đó nghệ thuật tuồng là một trong những mũi nhọn. Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã sáng tạo ra hai chương trình nghệ thuật truyền thống phục vụ đều đặn vào thứ 4 và thứ 7 hàng tuần, mang tên Bức tranh quê thời lượng 50 phút và Giai điệu Việt thời lượng 70 phút.

Chương trình biểu diễn 50 phút của nhà hát, có tới 60% là nghệ thuật tuồng với hòa tấu nhạc tuồng, hình thức múa tuồng, biểu diễn trích đoạn tuồng, xen lẫn múa Chăm, múa dân gian hay tiếng đàn Tây Nguyên...Dù chỉ là trích đoạn tuồng nhưng du khách rất thích thú vì nó thể hiện bản sắc văn hóa của người Đà Nẵng nói chung và người Việt Nam nói riêng qua những màn vũ đạo mạnh mẽ, sự trầm bổng của ca tuồng và những khuôn mặt tuồng đẹp đẽ.

Các công ty lữ hành thường xuyên đặt hàng những tiết mục nghệ thuật này, trong đó có nhiều đoàn khách nước ngoài, 200 ghế trong rạp, khi nào cũng kín chỗ.

NSND Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tâm sự: “Sau mỗi buổi biểu diễn, chúng tôi đều phát phiếu thăm dò để biết mình được và chưa được ở đâu mà còn sửa. Khách đến với nhà hát chưa bao giờ khen diễn viên của mình đẹp, và chưa hẳn khen diễn xuất nhưng họ luôn trầm trồ lửa nghề của các diễn viên trong nhà hát".

Ngoài ra, TP Đà Nẵng còn trích kinh phí, tạo điều kiện cho 4 nghệ sĩ của nhà hát đi học Đại học, việc chưa từng có tiền lệ ở các địa phương khác. Bên cạnh đó, dù kinh phí làm một vở mới phải mất từ 600 triệu - 1 tỷ đồng nhưng nhà hát vẫn thường xuyên có những vở mới, mang hơi thở thời đại, gần nhất là vở Hoàng Diệu.

Với những cách sáng tạo như trên, mỗi năm Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn trọn vở từ 40-60 đêm tuồng. Trong 3 năm liên tục gần đây, mỗi năm được 250-300 buổi biểu diễn, trong đó nhà hát tổ chức độc lập từ 180-208 buổi, còn lại là các đêm biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Nhìn từ khó khăn của nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật tuồng nói riêng, có thể thấy hướng đi của Đà Nẵng cũng là một gợi ý cho các đơn vị nghệ thuật truyền thống khác.

Hồng Thúy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm