Chiêm ngưỡng những bảo vật trong Bảo tàng Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam

18/12/2015 17:26 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) – Nằm trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng văn hóa Phật giáo thuộc chùa Quán Thế Âm hiện đang dần hoàn tất những khâu sắp xếp, trưng bày cuối cùng để chuẩn bị cho ngày khánh thành vào ngày 24/12 sắp tới.

Bảo tàng Văn hóa Phật giáo được xây dựng tại chùa Quán Âm Ngũ Giác Đài Sen Ngọc hay còn gọi là chùa Quán Thế Âm, là bảo tàng về văn hóa Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam được UBND TP. Đà Nẵng chính thức quyết định thành lập vào cuối năm 2014.

Nằm trong khuôn viên xây dựng hơn 7.000m2, lưu giữ hơn 500 hiện vật, cổ vật quý hiếm, Bảo tàng văn hóa Phật giáo dù chưa được khánh thành nhưng đã được nhiều chuyên gia, các nhà nghiên cứu đánh giá cao về giá trị cùng như ý nghĩa mà bảo tàng sẽ mang lại. Đây sẽ là Bảo tàng văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam và kết tinh những nét tinh hoa của di sản văn hóa Phật giáo.

Nơi lưu giữ những hiện vật này được xem là Bảo tàng văn hóa phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: Hoàng Yến

Có mặt tại Bảo tàng văn hóa Phật giáo, Thượng tọa Thích Huệ Vinh – Trụ trì chùa Quán Thế Âm vừa chỉ đạo việc trưng bày sắp xếp các hiện vật và cho biết: “Hiện theo các chuyên gia nghiên cứu về giá trị cổ và quý theo nguyên vật liệu làm ra hình tượng có hai bộ tượng được coi là có giá trị nổi bật nhất tại đây.

Một bộ Phật Mật Tông gồm tám vị trụ trì và tượng Bạch ngọc Quan Thế Âm tống tử chừng 2 tấc tạc hình Phật bà đang bế em bé trên tay, được cho là tìm thấy trong hoàng cung nhà Nguyễn do một hoàng hậu thờ để cầu sinh thái tử cũng được các nhà nghiên cứu kiến nghị nên lập hồ sơ xét bảo vật quốc gia.

Tượng Bạch ngọc Quan Thế Âm tống tử tạc hình Phật bà đang bế em bé trên tay, được cho là tìm thấy trong hoàng cung nhà Nguyễn thời xưa do một hoàng hậu thờ để cầu sinh thái tử. Ảnh: Hoàng Yến

Bên cạnh đó, hiện Chùa cũng đang lưu giữ nhiều hiện vật là những tượng Phật, mộc bản kinh Phật, Lư đồng thời xa xưa, đồ thờ cúng, … có niên đại từ thế kỷ VII, đến cuối thế kỷ XIX, XX”.

Khuôn viên Bảo tàng có diện tích 500m2. Ảnh: Hoàng Yến

“Để có được số lượng lớn hiện vật như hiện nay phải trải qua khoảng thời gian hơn 20 năm và đến đời trụ trì thứ 3 của chùa Quán Thế Âm, cùng với những đóng góp của người dân, các nhà nghiên cứu thì ước nguyện thành lập Bảo tàng văn hóa Phật giáo mới có cơ sở và thành hiện thực như ngày hôm nay”. Thầy Thích Huệ Vinh nói thêm.

Mỗi hiện vật gắn liền với mỗi câu chuyện văn hóa phật giáo khác nhau. Ảnh: Hoàng Yến

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết: “Tất cả các hiện vật hiện đang lưu giữ tại Chùa Quán Thế Âm đều có những giá trị nghệ thuật, tâm linh riêng biệt. Mỗi hiện vật gắn liền với mỗi câu chuyện văn hóa phật giáo khác nhau, là sự kết tinh những giá trị văn hóa di sản văn hóa phật giáo Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Để có được số lượng lớn hiện vật như hiện nay phải trải qua khoảng thời gian hơn 20 năm và đến đời trụ trì thứ 3 của chùa Quán Thế Âm. Ảnh: Hoàng Yến

Tuy nhiên, trong số 500 hiện vật sưu tầm được, Chùa sẽ chọn ra khoảng 200 hiện vật được xác định là cổ vật có giá trị không chỉ về mặt tâm linh trong tín ngưỡng Phật giáo mà còn là hiện vật di sản văn hóa để trưng bày nhằm giới thiệu những tinh hoa của nhân loại đến với đông đảo quần chúng nhân dân”.

Một trong 200 hiện vật được trưng bày được lựa chọn từ 500 hiện vật sưu tầm được. Ảnh: Hoàng Yến

Bảo tàng văn hóa Phật giáo có diện tích 500m2, được đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 6 tỷ đồng, nằm trong khuôn viên chùa Quán Thế Âm, đường Sư Vạn Hạnh, Q. Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng.

Tượng Phật bà trưng bày tại Bảo tàng. Ảnh: Hoàng Yến

Hiện khâu trưng bày, sắp xếp các cổ vật, hiện vật đang đi vào những giai đoạn cuối cùng và sẵn sàng cho ngày mở cửa khánh thành vào ngày 24/12 sắp tới.

Hoàng Yến

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm