15/10/2021 12:38 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Đà Nẵng đang ấp ủ nhiều dự án nhằm kích thích sự phát triển của ngành du lịch, trong đó đặc biệt chú trọng phát triển các ngành dịch vụ trọng tâm, giữ gìn môi trường du lịch bền vững, tiếp tục đầu tư để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố... là những mục tiêu cơ bản Đà Nẵng hướng tới sau khi đẩy lùi dịch bệnh.
Khai thác điều kiện thế mạnh
Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, với mục tiêu khôi phục hoạt động du lịch sau ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch Đà Nẵng đã xây dựng sẵn sàng các trường hợp phục hồi và tăng trưởng trong ngành du lịch. Hướng đến quy hoạch cho hoạt động phát triển du lịch trên toàn thành phố với trọng tâm dọc theo bờ biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn (Bờ Đông), ven vịnh Đà Nẵng, khu vực đồi phía Tây và bán đảo Sơn Trà để khai thác hiệu quả các tài nguyên mặt nước tự nhiên, di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Theo đó, trong tương lai gần, thành phố sẽ trở thành một điểm du lịch đặc sắc với 6 nút du lịch là: Nút du lịch đô thị tại trung tâm thành phố - điểm nhấn là thành phố cổ; nút du lịch sinh thái cộng đồng tại các vùng núi và hồ chứa phía Tây và bán đảo Sơn Trà; nút du lịch tàu biển tại Cảng Tiên Sa; nút văn hóa, thể thao quanh các trung tâm thể thao, văn hóa thành phố và Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn; nút du lịch ven bờ Đông và nút du lịch ven vịnh Đà Nẵng.
Từ các điểm nhấn này sẽ "sản sinh" ra nhiều sản phẩm du lịch thế mạnh không phải địa phương nào cũng có. Ngoài du lịch nghỉ dưỡng biển, cơ sở vật chất cho du lịch MICE là tài nguyên sẵn có, Đà Nẵng sắp tới cũng đầu tư thêm nhiều tuyến du lịch đường sông mới lạ và hấp dẫn gắn trải dài dành cho du khách như ghé thăm các cộng đồng sinh thái vùng quê mới lạ, địa điểm văn hoá, lịch sử, tâm linh để tăng sức thu hút. Theo phê duyệt của UBND TP Đà Nẵng, nhiều sản phẩm dịch vụ để phát triển kinh tế ban đêm cũng đã được lên kế hoạch sẵn sàng chỉ chờ khi dịch bệnh được khống chế là sẽ tái khởi động, mang tới diện mạo mới cho ngành du lịch Đà Nẵng.
Trong lĩnh vực đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, thành phố Đà Nẵng đã dự kiến các công trình lớn: Cầu tàu thuộc khu vực dự án Công viên châu Á của tập đoàn Sungroup tại vị trí Y8- công viên châu Á quận Hải Châu; Các cầu tàu và điểm đến trên tuyến du lịch đường thuỷ nội địa tại khu vực bán đảo Sơn Trà và vịnh Đà Nẵng (Bãi Cát Vàng, Bãi đá đen, Mà Đa, Sủng Cỏ…) tại Khu vực bán đảo Sơn Trà và vịnh Đà Nẵng.
Trong đó riêng trên địa bàn quận quận Liên Chiểu tập trung nhiều các dự án du lịch lớn mang tính trọng điểm, ví dụ như KDL Mikazuki Xuân Thiều, Phố đêm Tokyo; KDL sinh thái Nam Ô; KDL nghỉ dưỡng và tổng hợp Làng Vân; Một số dự án du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái tại khu vực bán đảo Sơn Trà. Dự kiến các công trình du lịch văn hóa lịch sử tâm linh sinh thái làng nghề bao gồm Bảo tàng Trận chiến; Khu du lịch cộng đồng Nam Ô (Bảo tàng ốc, sản phẩm ngắm bình minh, hoàng hôn trên thuyền thúng, công viên sinh thái ghềnh Nam Ô, bãi tắm Nam Ô, bảo tồn tôn tạo các di tích văn hoá, lịch sử); Điểm du lịch sinh thái tại Đèo Hải Vân.
Tận dụng "du lịch thông minh"
Việc xác định ưu tiên tăng tỷ lệ khách có khả năng chi trả cao và thị trường khách nội địa sẽ là chủ lực trong thời gian sắp tới, qua đó Sở Du lịch Đà Nẵng nhận định sẽ tập trung mạnh mẽ vào việc thu hút khách ở các thị trường nội địa là những thành phố lớn có đông đảo nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Bắc, các tỉnh vùng Tây Nguyên. Đồng thời mở rộng các thị trường tiềm năng ở các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa các tỉnh Tây Bắc và Tây Nam Bộ.
Ngay sau khi tình hình dịch bệnh được khống chế, mức độ an toàn cao trong cộng đồng, Đà Nẵng sẽ tiếp tục khai thác thị trường khách quốc tế trọng điểm, tập trung vào phân khúc khách chất lượng cao và khách đi tự túc (FIT); mở rộng khai thác thị trường tiềm năng, cơ cấu lại thị trường khách quốc tế theo hướng tăng tỷ lệ khách từ các thị trường xa lên khoảng 20%.
Tuy nhiên hiện nay đối diện với bối cảnh dịch bệnh, các hoạt động của ngành du lịch phải tính đến phương án duy trì và thúc đẩy thị trường qua ứng dụng công nghệ, đây cũng là xu hướng bắt buộc phải học hỏi, thích nghi để phát triển. Các doanh nghiệp du lịch của Đà Nẵng buộc phải cạnh tranh, nhanh chóng học tập để "phủ sóng" công nghệ trong các hoạt động kinh doanh như bán hàng trực tuyến để tăng sức cạnh tranh. Từ đó xây dựng những sản phẩm, giải pháp cho việc kinh doanh các dịch vụ du lịch, tự tạo cơ hội cho mình. Trên thực tế, hiện nay nhiều tập đoàn khách sạn lớn đều ứng dụng công nghệ để quản lý kinh doanh nhiều hệ thống khách sạn đã sử dụng các phần mềm liên kết các bộ phần của khách sạn như lễ tân, đặt phòng, maketing để dễ dàng hơn trong việc quản lý công việc, nhân sự.
Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho rằng du lịch trực tuyến (E-Tourism) đang và chắc chắn sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai. Đặc biệt khi ngành du lịch Đà Nẵng ngày càng mở rộng và phát triển hơn thì những công ty du lịch trực tuyến lớn như Agoda, Booking, Tripadvisor... sẽ có những phương thức riêng để tạo mô hình kinh doanh và bán hàng trực tuyến nhằm tăng sức cạnh tranh, tạo thói quen mua sắm trực tuyến để nâng cao sự tiện lợi cho khách hàng trong các dịch vụ tối thiểu như đặt vé máy bay, phòng khách sạn...
Nắm bắt xu thế phát triển, Ngành du lịch thành phố cũng đang đẩy nhanh ứng dụng công nghệ trong công tác xúc tiến thị trường như nghiên cứu khảo sát du lịch trực tuyến đối với khách du lịch; tổ chức hội chợ ảo, tour du lịch ảo, các chương trình livestream đẻ quảng bá sản phẩm du lịch và tăng sức thu hút; triển khai hoạt động "du lịch thông minh" qua công nghệ số.
Được biết việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động truyền thông quảng bá du lịch đã được ngành Đà Nẵng chú trọng, bắt đầu từ năm 2016, thành phố đã xây dựng và triển khai bộ nhận diện thương hiệu du lịch (Danang FantastiCity), Cổng thông tin du lịch Đà Nẵng (danangfantasticity.com) bằng 5 ngôn ngữ. Phát triển các hoạt động truyền thông trên trang mạng xã hội Facebook, Instagram, Youtube, Twitter…và trang dành riêng cho từng thị trường khách quốc tế như Weibo (Trung Quốc) và Naver (Hàn Quốc); xây dựng Chatbot hỗ trợ tương tác với du khách, App Danang FantastiCity; website danangticket.com; Tháng 6.2020, ngành du lịch Đà Nẵng đã phát video giới thiệu về du lịch Đà Nẵng trên kênh truyền hình BBC ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương để tăng sự tương tác và quảng bá rộng rãi.
Khôi Nguyên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất