Tranh cãi khi Đà Nẵng mang phố đêm ra bờ sông Hàn

24/01/2015 10:13 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Phố đêm ngoài ý nghĩa thương mại, là nơi lưu giữ, phản ánh nét đặc trưng văn hóa của thành phố cũng như người dân địa phương. Đà Nẵng đang sắp “trình làng” một phố đêm hoành tráng sau nhiều lần thất bại. Sẽ không có gì là đáng gây băn khoăn nếu như Đà Nẵng không đưa phố đêm ra đặt bên bờ sông Hàn thơ mộng.

Hết cách, mang phố đêm ra bờ sông!

Với một thành phố còn nhiều ít kinh nghiệm làm phố đêm như Đà Nẵng, còn phải nhiều thời gian, thậm chí thất bại để họ xây dựng nên một phố đêm thực sự xứng tầm, chưa nói đến là địa chỉ mà khách quốc tế sẽ ghé thăm.

Sự phát triển của Đà Nẵng thực sự nảy sinh nhu cầu phải có một phố đêm và chính sự tồn tại, phát triển của phố đêm lại phản ánh sự phồn thịnh và đặc trưng văn hóa của thành phố bên sông Hàn. Đến Đà Nẵng, trong thời gian chờ cầu sông Hàn quay, chờ cầu Rồng phun lửa và nước thì người ta biết đi đâu? Muốn thưởng thức ẩm thực, đặc sản Đà Nẵng lại phải lọ mọ gõ trên mạng để tìm. Còn gì tuyệt vời bằng việc dạo phố đêm thưởng thức đặc sản Đà Nẵng, tỷ tê với người bán hàng để thấy hết sự chân thành của người dân nơi đây.

Phố đêm không chỉ là một hình thức thương mại mà còn là điểm du lịch, văn hóa lý tưởng. Nhận thấy tầm quan trọng đó, đã hơn một lần, Đà Nẵng làm phố đêm. Tháng 2/2009, TP đồng ý với đề án phố đêm trên tuyến đường Bạch Đằng do Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Đà Nẵng đề nghị. Cũng trong năm 2009, vào ngày 15/12, TP đồng ý cho Công ty CP Đức Mạnh mở phố đêm tại khu vực Trung tâm thương mại Vĩnh Trung Plaza. Nhưng cho đến nay, tất cả thất bại hoàn toàn .

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch hội Liên hiệp VHNT cho rằng: “Để đêm Đà Nẵng phát huy hết sức thu hút của mình, người Đà Nẵng cần phải tổ chức thật tốt dịch vụ kinh doanh các đặc sản ẩm thực, thậm chí cần hình thành cho được những món ăn ngon chỉ bán buổi tối và những phố ẩm thực chỉ mở cửa ban đêm nhằm kích thích khẩu vị và tạo thói quen ăn đêm đối với những thực khách sành ăn. Ngoài ra cũng cần có một số khu thương mại tập trung phục vụ nhu cầu mua sắm vào ban đêm của những người nghiện shopping - ở đấy ánh đèn sáng rực trong các tủ kính và trên các lối đi sẽ góp phần kích thích sức mua của người tiêu dùng một cách rất là đáng kể”.

Đà Nẵng đang khát khao vươn lên tầm thế giới thì bắt buộc phải chú trọng đến du lịch về đêm. Một phố đêm ở TP đáng sống này là điều cần thiết nhưng phải làm thế nào để địa điểm văn hóa này thu hút người dân và du khách? Đà Nẵng đang mơ về một phố đêm như thế.

Hy vọng không làm “xấu” sông Hàn

Ngày 2/12/2014, tại buổi họp nghe báo cáo phương án điều chỉnh thiết kế đề án phố đêm sông Hàn, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến đã thống nhất chủ trương cho phép Công ty TNH DHTC Đa Năng đầu tư triển khai dự án phố đêm tại khu vực vỉa hè phía đông hai bên cầu Sông Hàn với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 12,7 tỷ đồng. Khu phố đêm sẽ hoạt động từ 18h mỗi ngày và không quy định giờ đóng cửa. Các gian hàng được bố trí trên khu đất có tổng diện tích hơn 12.000m2 theo các chủ đề gồm hàng đặc sản, thời trang, tiêu dùng, mỹ nghệ, lưu niệm, tổng hợp, khu vực ẩm thực và khu vực trò chơi giải trí cho thanh thiếu niên.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hậu- Giám đốc Công ty DHTC cho biết: “Đây là địa điểm hợp lý nhất để làm phố đêm. Vì chỗ ấy là 1 cái bến nên mô hình là những con thuyền là phù hợp nhất. Sân khấu và quán bar là điểm nhấn của phố đêm”. Bà Hậu cho rằng các mặt hàng được bán ở đây thuộc tất cả các các vùng miền Việt Nam, chứ không của riêng Đà Nẵng.

Đà Nẵng đã mất 25 năm giải tỏa mười mấy ngàn căn nhà ổ chuột, cảng cá, cầu tàu,…ở hai bên bờ sông nhằm tạo cảnh quan đẹp cho sông Hàn. Nhà của dân nằm trên bờ còn bị giải tỏa thì không có lý nào lại cấp phép cho doanh nghiệp làm phố đêm ngay vị trí ấy. Trước đó, trong những lần làm việc với Hội quy hoạch TP, ông Nguyễn Bá Thanh, khi ấy là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, yêu cầu phải để trống khu vực ấy để tạo không gian, chỗ vui chơi cho người dân.

Khi được hỏi về dự án phố đêm sông Hàn, KTS Hồ Quang Huy- phó chủ tịch Hội Quy hoạch Việt Nam kiêm chủ tịch Hội Quy hoạch Đà Nẵng hoàn toàn không biết. Điều đó thật kỳ lạ vì Hội quy hoạch TP có nhiệm vụ tham vấn và phản biện cho Ủy Ban về các công trình quan trọng của TP. Ông Huy nói: “Dự án này không nằm trong quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết 1/2000, tại sao lại giải quyết tùy tiện như thế? Toàn bộ vệt sông Hàn là không gian trung tâm, rất quan trọng trong quy hoạch chung của TP Đà Nẵng đến năm 2030. Chúng tôi đề nghị TP phải làm cái quy hoạch chi tiết chứ cứ cắt xẻo như thế này thì "chết", chẳng giống ai cả.”

Bán hàng nước bên bờ sông Hàn, ông Trần Văn Đồng bày tỏ: “Đa dạng sản phẩm du lịch để phục vụ người dân và du khách là tốt. Nhưng theo tôi, các mặt hàng ở phố đêm nên là đặc sản Đà Nẵng hoặc mở rộng ra là ẩm thực miền Trung, chứ không nên ôm đồm tất cả các vùng miền. Vị trí xây dựng như hiện tại thì sẽ chắn hết tầm nhìn và gây mất chú ý ở nút giao thông luôn chật kín người trên cầu sông Hàn vào giờ cao điểm. Lại thêm, hai năm một lần,TP tổ chức pháo hoa. Dù đã có khán đài cũng không đủ chỗ nên người dân phải đứng hai bên bờ sông để xem. Nếu có phố đêm này thì không biết người dân lấy chỗ nào đứng mà xem pháo hoa.”

Năm 2015 là năm văn hóa văn minh đô thị của Đà Nẵng. Liệu rằng, việc xây dựng phố đêm bên sông Hàn có là một điểm nhấn văn hóa, một sản phẩm du lịch về đêm hay vẫn quẩn quanh như “con kiến leo cành đa”.

Mấy ngày nay, người dân mỗi lần đi trên đường Trần Hưng đạo không khỏi “nhức mắt” khi một đoạn dài mấy trăm mét của bờ sông Hàn đã bị nhà đầu tư dùng bảng hiệu bịt kính, vô cùng phản cảm. Nỗi ám ảnh cảnh quan tuyệt vời của khúc sông đẹp nhất bị phá vỡ, khuất lấp tầm nhìn cùng câu hỏi tiến độ thi công có đáp ứng, vẫn đang tồn tại trong lòng những người yêu Đà Nẵng, yêu con sông Hàn. Liệu phố đêm khi được đưa ra bờ sông Hàn, có tồn tại bền vững?

Mới đây, sau khi dự luận lên tiếng, phản biện, Đà Nẵng đã phải dừng lại dự án tòa tháp ngọn Hải Đăng trên sông Hàn (thực chất là khách sạn).

Hồng Thúy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm