22/08/2014 19:32 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Đến bây giờ, tức đã hơn 7 năm qua đi, người viết vẫn còn ám ảnh ánh mắt của họ ở phiên toà hôm ấy: Len lén tìm vị trí ngồi của người thân, nhưng lại không dám nhìn lâu. Từ tác phong, đến thái độ, họ giống như những cậu học bị cô giáo chủ toạ gọi lên khi không thuộc bài hơn là những tội nhân trước vành móng ngựa. Phiên toà sơ thẩm vụ bán độ SEA Games 23 của nhóm 7 cầu thủ ĐT U23 Việt Nam dự định kéo dài 2 ngày, nhưng…
Mặc dù hơn 8h10’ (ngày 25/1/2007, tức hơn một năm sau khi nghi án thành án và hầu hết các bị can đều đã trải qua thời gian tạm giam, cũng như quản thúc tại địa phương), toà mới bắt đầu phiên xét xử đầu tiên, nhưng từ 6h sáng, rất nhiều các phóng viên thông tấn báo chí, từ mảng nội chính đến thể thao, từ các cơ quan truyền thông trong nước đến các hãng thông tấn nước ngoài, đã tập trung tại sảnh phòng xét xử Toà án Nhân dân TP.HCM.
Ngoài người thân của cầu thủ, còn có các thiếu nữ tuổi ô mai vốn từng xem họ là thần tượng và cả những người dân hiếu kỳ cũng đến dự. Kẻ vào người ra tấp nập như… trẩy hội.
Từ trong phòng xử nhìn ra, khoảng sân rộng tiền sảnh Toà án Nhân dân TP.HCM toàn người là người, giữa cái nắng nóng phương
Vì bóng đá quá được quan tâm ở Việt Nam và đây là vụ lớn nhất được lôi ra pháp đình, nên thuật ngữ “đại án Bacolod”, kể cũng không quá lời.
Theo quy định, chỉ một số ít các phóng viên ảnh và truyền hình được di chuyển khi Toà cho phép, số còn lại, chúng tôi, ngồi phía cuối phòng. Vị trí này tiện quan sát nhất cử nhất động của tất cả, tuy nhiên lại không thể trực diện được biểu lộ cảm xúc của các bị cáo trước vành móng ngựa.
Nhưng, có một vị mặc sơ mi trắng, hơi đậm người, di chuyển liên tục và dùng máy ảnh kỹ thuật số đời mới, chụp hết người này đến người kia. Chắc chắn đó không phải là nhà báo, vì đồng nghiệp, chúng tôi phần lớn đều có thể nhận ra ngay. Vậy nhân vật này là ai và tại sao có quyền di chuyển và “chụp” khi toà đang xử? Tất cả đều thắc mắc và bắt đầu khó chịu, để rồi cuối cùng đã ồ lên.
Ông là Phạm Liêm Chính (thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội), người sẽ bảo vệ miễn phí cho thân chủ Phạm Văn Quyến. Mọi người “ồ lên” có lẽ vì không ai nghĩ rằng, công việc của luật sư ở Toà lại là chụp ảnh, thay vì phải tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi cho thân chủ. Có người đã xì xầm “rách việc” và “làm mấy chuyện bao đồng, tào lao hết sức” !
Như mọi cuộc điều trần hay xét xử khác, lần lượt các đối tượng được phép trình bày và trả lời các câu hỏi của quan toà. Một số ban đầu chối các tình tiết và thừa nhận tội danh, trong đó phải kể đến Quốc Vượng, nhưng cơ bản sau đó đều cúi đầu nhận tội. Chỉ thắc mắc là, trong khi phần lớn các đối tượng còn lại đều đến Toà bằng phương tiện tự túc, hoặc do người thân đưa tới, thì Quốc Vượng và Trương Tấn Hải bị còng tay khi được dẫn vào phòng xét xử, dù họ không phải là tội phạm nguy hiểm, mà chỉ là đồng chủ mưu trong các tội danh “đánh bạc” và “tổ chức đánh bạc” bị truy tố?
Một tình tiết nữa là trong khi các đối tượng khác được tại ngoại, thì Vượng và Hải vẫn bị giam, cho đến trước ngày ra Toà.
Còn nhớ đêm hôm trước ngày xét xử, chúng tôi vẫn ngồi ăn tối với Quốc Anh, một trong số các đối tượng trong chuyên án bán độ SEA Games 23. Sau thời gian bắt tạm giam phục vụ điều tra (khoảng 4 tháng), nhóm của Quốc Anh gồm Văn Quyến, Văn Trương, Hải Lâm, Phước Vĩnh, Bật Hiếu, được tại ngoại, quản thúc tại địa phương.
Trước và sau ngày xét xử, chúng tôi thậm chí vẫn rủ họ đi đá “phủi”, khi có dịp hàn huyên, ở đâu đó như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng hay thậm chí cả ở Nghệ An. Nhưng chuyện này sẽ nói sau…
Sau khi kết thúc phiên toà buổi sáng, trưa cùng ngày, như thường lệ chúng tôi cùng với Quốc Anh, Phước Vĩnh (và người thân của họ) đi ăn trưa, trước khi quay lại Toà án vào đầu giờ chiều, với phần bào chữa của các luật sư chiếm thời lượng đáng kể. Đến 16h15 phút cùng ngày, phiên toà tạm nghỉ, để ngày hôm sau làm việc tiếp.
Song có cảm giác như buổi chiều ấy đã là ngày hôm sau rồi thì phải, bởi phiên điều trần lúc sáng quá dai dẳng…
Sau 2 ngày xét sử phiên sơ thẩm, cuối cùng Toà tuyên án dành cho ít nhất 7 bị can là tuyển thủ U23 QG. Với người trong cuộc, đây hẳn phải là phần “căng” nhất, nhưng với chúng tôi, nó thuộc về “khâu” hỏi đáp của luật sư cũng như quan toà với nhân chứng là trợ lý Hùng Cường, Tài Em, Hoàng Thương – những đồng đội trong màu áo U23 Việt Nam của nhóm cầu thủ vừa nhúng chàm. Tài Em đã rất điềm tĩnh…
Bước ra khỏi phòng xử, 2 cầu thủ Văn Quyến và Quốc Anh là những người được săn đón nhiều nhất. Phần vì họ quý tài năng của bộ đôi cầu thủ này, phần khác là quý cái tính cách. Rất nhiều những cái bắt tay chìa ra, những chiếc “name card” và cả những lời hứa…, của mấy ông Giám đốc A, B, C tự xưng nào đó, được báo chí đăng tải.
Một bộ phận người thích nổi tiếng bằng cách bám víu vào nỗi đau? Nói thế bởi phần lớn những lời hứa ấy đều trôi vào hư không, bóng chim tăm cá. Suy cho cùng, cầu thủ, họ gây ra những tội lỗi thì chỉ tự họ có thể sửa được. Và ở mức độ khác nhau, họ đều đã đứng lên ngay nơi mà mình ngã xuống, đó là thảm cỏ.
Quốc Vượng chịu mức án nặng nhất (6 năm tù tổng cộng cho 2 tội danh đánh bạc và tổ chức đánh bạc), số còn lại bị phạt từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù (treo) về tội danh tổ chức đánh bạc, cùng với thời gian thử thách từ 2 – 3 năm. Ở phiên toà phúc thẩm 3 tháng sau (tháng 4/2007), Quốc Vượng được giảm án xuống còn 4 năm vì tội tổ chức đánh bạc (chủ mưu), Văn Quyến, Văn Trương, Hải Lâm, Phước Vĩnh cùng chịu 2 năm tù treo và 2 năm thử thách về, với cùng tội danh. Riêng bật Hiếu và Quốc Anh thì bị giữ nguyên mức án sơ phẩm, 2 năm 6 tháng tù treo và 3 năm thử thách… |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất