Đại biểu 'chấm điểm' Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng trả lời chất vấn

13/06/2015 20:29 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Nhiều câu hỏi, nhiều nội dung được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm đã hâm nóng bầu không khí nghị trường suốt hơn hai ngày qua. Kỳ họp Quốc hội nào cũng vậy, những phiên chất vấn và trả lời chất vấn luôn được đông đảo nhân dân, cử tri cả nước mong chờ.

Sự thừa nhận trách nhiệm của các Bộ trưởng được cho là thẳng thắn và những lời hứa đã được đưa ra, không phải để vỗ về, để làm lắng dịu dư luận hay để tạo sự yên tâm mà là những cam kết sẽ được đáp lại bằng những hành động cụ thể, thiết thực nhất.

Chấm điểm Bộ trưởng

Bên lề phiên chất vấn, nhiều đại biểu hài lòng với trả lời của các Bộ trưởng. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát được nhiều đại biểu đánh giá cao.

“Bộ trưởng trả lời rất rõ, thuyết phục, đầy đủ ý kiến của cử tri, giữa người hỏi và người trả lời rất hiểu nhau. Tôi nghĩ ngay từ phiên mở đầu, Bộ trưởng Cao Đức Phát được đánh giá là Bộ trưởng nắm rất chắc và cảm thông, chia sẻ với người nông dân, nêu rõ vấn đề để người dân hiểu là Bộ đang làm, đã làm và sẽ làm. Đây là cơ hội rất thuận lợi để Bộ trưởng đưa ra được quan điểm của mình” – đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) nhận xét.


Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: An Đăng – TTXVN

Cho biết chấm điểm các Bộ trưởng rất là khó, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nhận định mỗi Bộ trưởng có một đặc thù riêng, nhưng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời chất phác và nắm chắc vấn đề nên bà hài lòng hơn tất cả. Tuy nhiên, bà vẫn chưa thực sự hài lòng ở chỗ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải kết hợp với các Bộ khác để giải quyết vấn đề nông nghiệp.

Vấn đề quan trọng là nghiên cứu mô hình nào để phát triển nông nghiệp thì Bộ trưởng chưa nêu được ngành phải làm gì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ ra sao, trách nhiệm tổ chức thị trường, xây dựng chuỗi liên kết của Bộ Công thương như thế nào… Qua trả lời chất vấn của ba Bộ, bà Bùi Thị An cho biết các Bộ này chưa nhận rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tìm hướng phát triển để gỡ nút thắt của nông nghiệp hiện nay, nhưng qua ý kiến phát biểu của Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bà đã thấy rõ lối ra để phát triển ngành nông nghiệp.

Muốn các Bộ trưởng khi trả lời chất vấn, đưa ra giải pháp phải có thời gian cụ thể để giải quyết các tồn tại, sau khoảng thời gian đó phải có kiểm chứng, xem lời hứa đó đã thực hiện được bao nhiêu, còn bao nhiêu không thực hiện, lý do gì, chủ quan hay khách quan, đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho biết nếu còn thời gian, bà sẽ tiếp tục “truy” đến cùng Bộ trưởng Công Thương.

Trong khi đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo trả lời khá rõ ràng thì đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nói phần trả lời của Bộ trưởng không thuyết phục ông.

Về phần trả lời của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các đại biểu cho rằng thời gian dành cho Phó Thủ tướng không nhiều để trả lời chi tiết, cụ thể câu hỏi của các đại biểu nhưng cũng đủ để các đại biểu hài lòng. Đại biểu Nguyễn Thị Khá cho biết cơ bản Phó Thủ tướng đã đáp ứng được nội dung đại biểu cần hỏi, nhưng, có những điểm chưa sâu, cần được giải thích kỹ hơn trong các văn bản trả lời sau này.

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) muốn Phó Thủ tướng nhấn mạnh hơn vào những giải pháp có tính đột phá để cải cách nền công vụ công chức như phải loại khỏi bộ máy những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; nêu được những tiêu chí đi liền với lộ trình thực hiện việc tinh giản biên chế.


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN

Hài lòng với trả lời của Phó Thủ tướng, đại biểu Đỗ Văn Vẻ cho hay mở đầu phiên chất vấn, các đại biểu đặt câu hỏi rất trọng tâm vào những vấn đề mà hiện nay cử tri đang quan tâm. Những câu hỏi đó đã được Phó thủ tướng trả lời đúng theo những yêu cầu của câu hỏi đặt ra, như tình trạng chống tham nhũng, lấp sông Đồng Nai, chặt cây xanh ở Hà Nội. Đây là những vấn đề cử tri rất quan tâm và được Phó thủ tướng trả lời thẳng thắn, rõ ràng, cụ thể từng vấn đề.

Phó Thủ tướng nắm bắt chắc việc chặt cây xanh, trách nhiệm thuộc về ai và đúng với quy trình chưa, kiểm điểm, rút kinh nghiệm, sửa chữa như thế nào. Trước những bức xúc của cử tri về thực trạng lấp sông Đồng Nai, Phó Thủ tướng đã thể hiện rất rõ quan điểm dừng lại, không được lấp sông Đồng Nai, phải đánh giá lại cũng như đảm bảo các yêu cầu.

Bộ trưởng nói phải đi đôi với làm

Các Bộ trưởng đã hứa là phải làm và phải đảm bảo đúng cam kết đã hứa trước Quốc hội và nhân dân – đây là ý kiến của đại biểu Đỗ Văn Vẻ. Theo ông Vẻ, các đại biểu và cử tri sẽ phải chờ đón xem lời hứa của các Bộ trưởng thực hiện thế nào. Song, ông tin tưởng tất cả lời hứa đó của Bộ trưởng sẽ phải làm và làm đến nơi, đến chốn, thể hiện tinh thần trách nhiệm của các Bộ trưởng.

Nhân dân, đặc biệt là các đại biểu Quốc hội kỳ vọng sau mỗi lần chất vấn, điều được các Bộ trưởng cam kết sẽ phải làm, làm được sẽ là tốt cho nhân dân, có làm được, giữa nói và làm phải đi đôi với nhau, nhân dân mới tin tưởng – ông Vẻ nói. Ông cho rằng những chỉ số đánh giá lòng tin của các Bộ trưởng sau này sẽ được thể hiện bằng các lời hứa và việc làm. Cái gì cần lắng nghe thì lắng nghe, tiếp thu và sẽ phải triển khai các công việc một cách quyết liệt. Các đại biểu sẽ theo dõi kết quả lời hứa đạt được đến đâu, làm như thế nào. Ông cũng mong trong quá trình các Bộ trưởng làm, sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), sau chất vấn, để thực hiện được lời hứa của Bộ trưởng, yếu tố quan trọng nhất là nghị quyết của Quốc hội. Đây là yếu tố vừa bắt buộc, vừa thực hiện quyền giám sát của Quốc hội trong quá trình thực hiện lời hứa của Bộ trưởng. Cũng từ nghị quyết để Bộ trưởng thực hiện và sau đó trả lời trước Quốc hội về quá trình thực hiện lời hứa của mình.

Song, ông cũng cho rằng một số điểm cũng không nên đặt hy vọng quá cao vì thực tế có những điều nhiều đại biểu chất vấn nhưng không thể khắc phục ngay, phải có thời gian, lộ trình như việc buôn hàng lậu, gian lận thương mại là vấn đề mà nhiều kỳ họp, kể cả những nhiệm kỳ sau nữa cũng vẫn còn tiếp tục, không chấm dứt được. Hay tình trạng được mùa rớt giá, sản phẩm dư thừa, khó tiêu thụ là vấn đề khó vì thực tế nhận thức của người dân vẫn có giới hạn, quy hoạch trong phát triển chuỗi liên kết vẫn chưa chặt chẽ.

Chu Thanh Vân (TTXVN)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm