Thời giáo dục bỏ bút lông dùng bút sắt...

28/10/2014 16:53 GMT+7 | Di sản

(lienminhbng.org) - Sáng nay, 28/10 tại nhà Tiền đường, khu Thái Học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã khai mạc triển lãm: Giáo dục Việt Nam giai đoạn 1802-1945 qua tài liệu lưu trữ do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I phối hợp với Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức.

Triển lãm trưng bày 120 phiên bản tài liệu, hình ảnh, bản vẽ kỹ thuật được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn và các tài liệu tiếng Pháp. Tài liệu được thể hiện trên 22 tấm pa - nô kèm theo chú thích và thuyết minh.

Tư liệu quý giá

Các phiên bản tài liệu và hiện vật trưng bày tại triển lãm tái hiện chân thực nền giáo dục của Việt Nam giai đoạn 1802 – 1945 với sự tồn tại của hai nền giáo dục: Giáo dục khoa cử nho học dưới triều Nguyễn và giáo dục khoa cử Tây học thời Pháp thuộc. Qua đó thấy rõ được quá trình thay thế từng bước của nền giáo dục Tây học trước sự suy yếu của nền giáo dục Nho học trong những năm cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX.

Ông Hà Văn Huề, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1, cho biết: “Ban tổ chức đã chú ý lựa chọn những tư liệu thực sự có giá trị về các phương diện: nội dung phản ánh, tính xác thực, pháp lý của các hiện vật, văn bản tiêu biểu được lựa chọn từ khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn. Chủ đề các tư liệu được lựa chọn tập trung qua việc phản ánh chính sách giáo dục; chương trình giáo dục; chế độ thi cử; chế độ sử dụng con người sau đào tạo”.

Bà Lê Thị Kim Trang, phó giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết: “Tài liệu Châu bản triều Nguyễn và các hiện vật chứa đựng nhiều thông tin phong phú, phản ánh toàn bộ lịch sử, đời sống kinh tế xã hội, con người ở Việt Nam thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX cũng như phản ánh mô hình giáo dục, khoa cử ở Việt Nam. Đây là tài liệu vô cùng quý giá, để con người hiện nay có thể nhận thức rõ sự phát triển, thay đổi của giáo dục Việt Nam”.

Quyết tâm phát triển giáo dục

Ông Hà Văn Huề cho biết: “Những tư liệu này có giá trị quan trọng vì đưa chúng ta ngược dòng lịch sử quay về giai đoạn thay thế từng bước của ngành giáo dục Việt Nam cuối thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX”.

Theo ông Huề, trong thời kì chúng ta đang tiến hành cải cách về giáo dục, nội dung của các tài liệu, hiện vật này vẫn có giá trị đến ngày nay như tài liệu Châu bản lưu giữ có ghi vua Gia Long đã có nhiều ngự phê tập trung về giáo dục, chú trọng việc thi cử, tuyển chọn nhân tài, học tập tại Văn Miếu Quốc Tử Giám; Vua Khải Định đã ra bản Dụ số 123 ngày 6/12/1918 về việc bãi bỏ kì thi Hội và khoa thi Hội cuối cùng năm 1919, chấm dứt thời kì thi cử Nho học và nền giáo dục phương Tây ngày càng được chiếm lĩnh. Học trong nền giáo dục phương Tây không còn gói gọn trong văn hay, chữ tốt mà đã kết hợp giữa lí thuyết và thực hành.

Qua buổi triển lãm, công chúng sẽ có thêm những thông tin về lịch sử giáo dục Việt Nam giai đoạn 1802 – 1945, đặc biệt có giá trị tham khảo rất lớn đối với các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách về giáo dục, các nhà khoa học, học sinh, sinh viên và bạn đọc quan tâm đến vấn đề này.

Ông Hà Văn Huề cho biết: “Chúng ta cần phát huy, kế thừa những giá trị tích cực của giáo dục trong giai đoạn 1802 -1945 kết hợp với giáo dục hiện đại giúp học sinh, sinh viên giữ được nề nếp đạo đức bên cạnh đó là có kiến thức toàn diện để Tâm – Tài luôn đi cùng nhau”.

Chủ đề về giáo dục tiếp tục là một trong những thông tin phản ánh tại triển lãm về Châu bản triều Nguyễn sẽ được tổ chức vào tháng 11 tới tại cố đô Huế.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 28/11/2014.

Một số hình ảnh tại triển lãm:


Khách tham quan tới tham dự triển lãm

Khoa cử theo hệ thống giáo dục bản xứ


Khoa cử - khoa bảng triều Nguyễn


Xưởng sửa chữa ô tô trường kĩ nghệ thực hành Huế


Giờ dạy mẫu tại trường Quốc học Huế


Nghiên mực và ống đựng bút


Gánh tủ đựng sách


Du khách nước ngoài thích thú khi xem các tài liệu, hiện vật tại triển lãm.

Nguyễn Liên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm