12/03/2024 16:52 GMT+7 | Tin tức 24h
Đại dịch COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu bùng phát đại dịch COVID-19. Đây là kết luận được đưa ra trong một nghiên cứu, công bố ngày 12/3, trên tạp chí y khoa The Lancet.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, nghiên cứu đã cung cấp cái nhìn toàn diện nhất về những tổn hại mà đại dịch COVID-19 gây ra đối với sức khỏe con người và là một trong những nghiên cứu đầu tiên đánh giá đầy đủ các xu hướng nhân khẩu học, sử dụng dữ liệu về độ tuổi và các yếu tố khác để phân tích tỷ lệ tử vong.
Để đưa ra được kết luận trên, hàng trăm nhà nghiên cứu đã sàng lọc dữ liệu của Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME), có trụ sở tại Mỹ. Ông Austin Schumacher, nhà nghiên cứu của IHME và là tác giả chính của nghiên cứu, nhấn mạnh đối với tất cả những người trưởng thành, đại dịch COVID-19 gây tác động nghiêm trọng nhất thế giới trong nửa thế kỷ qua, hơn cả xung đột và thiên tai.
Theo các nhà nghiên cứu, COVID-19 là nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp cướp đi sinh mạng của hơn 15,9 triệu người trong giai đoạn 2020-2021, cao hơn 1 triệu người, so với ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong cùng khoảng thời gian trên, 84% trong tổng số 204 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới ghi nhận tuổi thọ trung bình giảm. Tỷ lệ tử vong ở nam giới trên 15 tuổi tăng 22%, trong khi ở nữ giới là 17%.
Cụ thể, tuổi thọ trung bình của người dân trên thế giới giảm từ 73,3 tuổi vào năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát xuống còn 71,7 tuổi vào năm 2021. Đối với nữ giới, tuổi thọ giảm từ 76 tuổi xuống còn 74,8 tuổi. Đối với nam giới, tuổi thọ giảm từ 70,8 tuổi xuống còn 69 tuổi. Ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe, tuổi thọ trung bình giảm tới 3,7 năm. Peru, Bolivia và thủ đô Mexico City của Mexico là những khu vực ghi nhận tuổi thọ trung bình của người dân giảm mạnh nhất.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy Barbados, New Zealand và Antigua và Barbuda là những nước có tỷ lệ tử vong thấp nhất trong thời kỳ bùng phát đại dịch. Đáng chú ý, tuổi thọ trung bình của người dân Australia còn tăng nhẹ, từ 83,2 tuổi trong năm 2019 lên 83,4 tuổi. Theo nhà dịch tễ học của trường Đại học Deakin (Australia), Phó Giáo sư Hassan Vally, nghiên cứu này là minh chứng cho thấy phản ứng khá tốt của Australia trong xử lý đại dịch, đặc biệt là trong năm đầu tiên, khi các biện pháp nghiêm ngặt được áp dụng, bao gồm cả việc phong tỏa để kiểm soát sự lây lan của COVID-19 trước khi có vaccine.
Báo cáo ghi nhận "sự gia tăng chưa từng có" về số ca tử vong trên toàn cầu ở những người trên 25 tuổi trong khoảng thời gian từ năm 2020-2021. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi lại giảm 7% (khoảng 500.000 trẻ) trong giai đoạn này. Nhà nghiên cứu Hmwe Hmwe Kyu của IHME coi tỷ lệ trẻ em tử vong tiếp tục giảm trong một thời gian dài là “tiến bộ đáng kinh ngạc”, đồng thời cho rằng thế giới hiện cần tập trung vào “đại dịch tiếp theo và giải quyết sự chênh lệch lớn về sức khỏe giữa các quốc gia”.
Bất chấp những tác động của đại dịch, người dân dường như vẫn sống lâu hơn trước đây, khi từ năm 1950 đến năm 2021, tuổi thọ trung bình đã tăng 23 năm, từ 49 tuổi lên 72 tuổi.
Ngoài ra, nghiên cứu còn cho thấy dân số của nhiều nước giàu và già hóa đã giảm, trong khi dân số tại các nước ít giàu có hơn lại tăng. Các nhà nghiên cứu cảnh báo điều này có thể tạo ra "những thách thức xã hội, kinh tế và chính trị chưa từng có, như tình trạng thiếu lao động ở những khu vực nơi dân số trẻ ngày một giảm cũng như khan hiếm tài nguyên ở những nơi quy mô dân số tiếp tục mở rộng nhanh chóng". Do đó, trong thời gian tới, các nước trên thế giới cần hợp tác về việc di cư tự nguyện.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất