Đại lễ Phật đản Phật lịch 2566 -Dương lịch 2022: Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng lịch sử dân tộc

14/05/2022 20:44 GMT+7

Hơn hai nghìn năm có mặt ở Việt Nam, thời kỳ nào Phật giáo cũng tỏ rõ đức từ bi, hỷ xả, lấy chân - thiện - mỹ để giáo hoá chúng sinh, lấy trí tuệ làm sự nghiệp và phương châm hành đạo.

Đại lễ Phật đản: Thực hành nghi lễ tắm Phật thế nào?

Đại lễ Phật đản: Thực hành nghi lễ tắm Phật thế nào?

Lễ Tắm Phật là một trong những nghi thức phổ biến của Đại lễ Phật Đản hằng năm trong nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau.

Trong dòng chảy của Phật giáo, ở thời kỳ nào, giai đoạn nào, Phật giáo Việt Nam cũng luôn đồng hành cùng thăng trầm của dân tộc, cũng đều có những đóng góp xứng đáng với truyền thống giúp đời, hộ quốc, an dân.

Đóng góp quan trọng vào xây dựng, bảo vệ đất nước   

Điểm lại lịch sử cho thấy, các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần đã thể hiện tinh thần tự chủ, độc lập, anh dũng của dân tộc; đồng thời khẳng định tinh thần gắn liền đạo pháp với dân tộc của Phật giáo Việt Nam. Tại lễ Phật Đản Vesak 2008 tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã phát biểu nhấn mạnh: “... Ngay từ buổi đầu tiên, với tư tưởng từ bi, hỉ xả, Phật giáo đã được nhân dân Việt Nam đón nhận, luôn đồng hành cùng dân tộc với phương châm nhập thế, gắn bó giữa Đạo và Đời, phấn đấu vì hạnh phúc và an vui cho con người.

Trong các thời đại, thời nào lịch sử Việt Nam cũng ghi nhận những nhà sư đại đức, đại trí đứng ra giúp đời hộ quốc an dân. Sự kiện các Thiền sư Không Lộ, Tuệ Tĩnh, Vạn Hạnh… đã hết lòng phò vua giúp nước, xây dựng xã tắc vững bền vì bách tính.  Đặc biệt, lịch sử Việt Nam mãi ghi nhớ công lao của vị vua anh minh Trần Nhân Tông có công lớn lãnh đạo nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Khi đất nước thái bình, Người nhường ngôi, từ bỏ giàu sang, quyền quý, tìm nơi non cao Yên Tử để học Phật, tu hành, sáng lập nên Thiền phái Trúc Lâm - một dòng thiền riêng của Việt Nam tồn tại mãi tới ngày nay.       

Chú thích ảnh
Đức quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Trí Quảng. Ảnh: Xuân Khu/TTXVN

Phát huy truyền thống quý báu đó, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân ta, Phật giáo đã có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Phật giáo luôn nêu cao truyền thống đi đầu trong đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết dân tộc và tham gia phong trào đấu tranh cách mạng. Theo lời kêu gọi thiêng liêng của Đảng và Bác Hồ kính yêu, đã có hàng nghìn tăng ni, Phật tử trở thành những chiến sĩ yêu nước, sát cánh cùng toàn dân đánh giặc. Nhiều chùa, tịnh viện trở thành cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ; nhiều nhà sư đã tạm gác áo cà sa để mặc chiến bào tham gia chiến đấu chống ngoại xâm, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đó là những việc làm thể hiện tinh thần hy sinh cao cả đối với non sông đất nước của những người con Phật.   

Sau khi giang sơn thu về một mối, hàng triệu tăng ni, phật tử trong các tổ chức, hệ phái đã đồng lòng xây dựng một ngôi nhà chung của Phật giáo là Giáo hội Phật giáo Việt Nam.   

Với phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đồng hành cùng nhân dân cả nước tiến hành công cuộc đổi mới trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết và với phương châm “phụng đạo, yêu nước”; Giáo hội đã quan tâm hướng dẫn tín đồ, Phật tử sinh hoạt theo đúng chính pháp, góp phần xây dựng cuộc sống lành mạnh của người dân; xuất hiện nhiều điểm sáng với vai trò đặc biệt của sư sãi trong việc vận động quần chúng xây dựng đời sống văn hóa, kinh tế-xã hội ở các địa bàn dân cư. Nhờ đó, đã tạo niềm tin, là nguồn cổ vũ lớn lao cho tăng ni, Phật tử trong và ngoài nước, góp phần làm cho Giáo hội ngày càng phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc.

Làm phong phú nền văn hóa dân tộc  

Là một trong những hệ tư tưởng điển hình trong nền văn hóa dân tộc Việt Nam, tinh thần Phật giáo in đậm, tạo nên một sắc thái riêng trong các lĩnh vực văn hóa dân gian, văn học nghệ thuật, văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp, văn hóa ẩm thực...   

Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, Phật giáo đã có những đóng góp quan trọng. Vào thời Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, lực lượng sáng tác văn học dân tộc chủ yếu là các nhà sư, nổi bật như: Ngô Chân Lưu ( Khuông Việt đại sư), Mãn Giác; thời Trần với các vị: sư tổ Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đã để lại nhiều văn thơ Hán Nôm mang dấu ấn lịch sử tư tưởng đương thời… Không chỉ ảnh hưởng trong văn chương, Phật giáo đã tạo nên một khuynh hướng thẩm mỹ độc đáo cho nghệ thuật tạo hình. Lịch sử kiến trúc và điêu khắc Việt Nam không thể không nhắc đến các ngôi chùa như: Phật Tích, Bút Tháp, Thiên Mụ, Vĩnh Nghiêm…; những tác phẩm như: Tượng Phật nghìn tay, nghìn mắt (chùa Bút tháp), tượng các vị La Hán (chùa Tây Phương)… là những công trình nghệ thuật tiêu biểu cho sức sáng tạo của người xưa…   

Trong lĩnh vực văn hóa ứng xử, giao tiếp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thường xuyên tổ chức các đoàn đi thuyết pháp ở nhiều nơi; thông qua việc truyền bá triết lý và thực hành giáo lý Phật giáo để xây dựng đạo đức tốt đẹp, duy trì bản sắc văn hoá dân tộc, góp phần giảm bớt tiêu cực và tệ nạn xã hội; hướng dẫn tín đồ tu tâm dưỡng tính, làm những việc thiện, tránh những việc ác, biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau, thể hiện đức tính tốt đẹp của những người con Phật. Thông qua đó, giúp con người tránh vô minh, chế ngự dục vọng, lòng tham lam để mang lại sự sáng suốt, an lạc, hạnh phúc và sẵn sàng làm mọi việc vì nước, vì dân, vì cộng đồng, góp phần ổn định xã hội…

Chú thích ảnh
Chùa Diệu Đế được trang trí rực rỡ. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Mối quan hệ không thể tách rời giữa dân tộc và đạo pháp  

Hơn hai nghìn năm có mặt ở Việt Nam, những triết lý tốt đẹp của Phật giáo đã góp phần tạo nên những giá trị truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam. Thông qua những hoạt động mang tính xã hội, cùng với nhiều tôn giáo khác, Phật giáo Việt Nam đã thể hiện sâu sắc tinh thần nhân văn, hướng thiện, tăng cường kết nối tình đoàn kết giữa Đạo với Đời, giữa các tầng lớp nhân dân, góp phần giáo dục, phát huy tinh thần cộng đồng, phát huy sức mạnh tập thể theo truyền thống của người Việt.   

Phật giáo Việt Nam không ngừng phát triển, lớn mạnh về mọi mặt; luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết các tôn giáo, khẳng định mối quan hệ gắn bó không thể tách rời giữa dân tộc và đạo pháp. Giáo hội cùng các tăng ni luôn tích cực hưởng ứng, vận động Phật tử tham gia các phong trào thi đua yêu nước như xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa mới, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, tham gia bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, phòng, chống dịch bệnh với nhiều cách làm hay, mô hình tiêu biểu.  

Đặc biệt, từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tới nay, hưởng ứng lời kêu gọi “chống dịch như chống giặc", Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gương mẫu chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh; chủ động, kịp thời chỉ đạo dừng, hoãn nhiều hoạt động sinh hoạt tôn giáo để bảo đảm an toàn sức khỏe cho tăng ni, phật tử và xã hội.   

Cùng với đó, Giáo hội đã ủng hộ nguồn kinh phí lớn cho Quỹ Vaccine, hỗ trợ mua trang thiết bị, vật tư y tế, lương thực, thực phẩm... Phong trào “cởi áo nâu, khoác áo blue” đã thu hút được hàng nghìn tăng ni, Phật tử cùng với các chức sắc, tín đồ của các tôn giáo khác đăng ký là tình nguyện viên ra tuyến đầu, vào các bệnh viện thu dung, dã chiến giữa tâm dịch TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để cùng với đội ngũ y, bác sỹ chăm sóc người bệnh.

Nhiều cơ sở thờ tự Phật giáo trở thành nơi điều trị, chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 hoặc tiếp nhận tro cốt của những người qua đời vì dịch bệnh để thờ cúng cho đến khi thân nhân đến nhận. Qua đó, làm an lòng những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn, mất mát người thân trong dịch bệnh, góp phần ổn định tư tưởng xã hội.   

Thành quả hôm nay của Phật giáo Việt Nam là sự kết tinh, chắt lọc những nỗ lực, tâm huyết của hơn hai nghìn năm Phật giáo đồng hành cùng dân tộc Việt Nam. Nhân quả ấy đang là cơ duyên, vận hội mới cho Phật giáo Việt Nam trên con đường hoằng dương Phật pháp, góp phần xây dựng đời sống hoà bình an lạc cho dân tộc Việt Nam và cho thế giới, để trong hạnh phúc chung của nhân loại có hạnh phúc riêng của mỗi chúng ta.

Thu Hạnh/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm