01/05/2021 00:00 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Trên trang cá nhân của mình, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu vừa có những chia sẻ về một tuần đầy thách thức đối với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
Trong bài viết này, ông lại nhắc đến bệnh nhân tên Nhân, một kỹ sư Việt Nam đang giúp xây trụ sở Đại sứ quán mắc COVID-19.
"Sau hơn một tuần nằm viện, bạn Nhân đã đỡ hơn nhưng vẫn phải thở ôxy. Tám bạn khác đã khá hơn nhiều nhưng vẫn cần tiếp tục theo dõi.
Từ hôm thứ Ba đến hôm nay, mỗi ngày ĐSQ đón nhận một ca nhiễm mới. Ca nhiễm thứ 10 là một bạn đã tiêm vắc xin. Ca nhiễm thứ 11 là một thanh niên đã từng nhiễm vào tháng 10 năm 2020, lần này bạn ấy tái nhiễm với chủng mới. Ca nhiễm thứ 12 là một cán bộ rất trẻ và khỏe" - Đại sứ Phạm Sanh Châu viết.
Trước bài viết này, những chia sẻ của Đại sứ Phạm Sanh Châu về tình hình sức khỏe của anh Nhân đã phần nào giúp chúng ta nhìn rõ hơn bao giờ hết thực trạng đại dịch COVID-19 hiện nay tại Ấn Độ.
Cụ thể, trong lá thư "Nhân ơi, xin em đừng chết!" được nhiều báo trong nước đăng tải, Đại sứ Phạm Sanh Châu viết: "Từ lúc em nhập viện, 24 tiếng đồng hồ đã trôi qua mà Đại sứ không nhận được bất kỳ tin tức nào của em.
Một tuần qua thật khủng khiếp, mọi việc diễn biến nhanh không ngờ. Mới hôm thứ năm tuần trước (15/4) sau khi đi công tác về, Đại sứ cùng em còn say sưa bàn các giải pháp chống thấm cho trụ sở mới của Đại sứ quán (ĐSQ) thì ngay hôm sau em đã sốt và phải nghỉ ở nhà.
Cũng đúng chiều hôm thứ sáu (16/4), Thủ hiến vùng New Delhi lên tivi công bố lệnh phong tỏa toàn bộ thủ đô khi đợt dịch lần thứ 2 bất ngờ tấn công Ấn Độ với số ca nhiễm trên 200.000 người chỉ trong 24 giờ.
Sau em đến lượt các bạn Tuấn "béo", Tuấn "râu", Trung, Cường, Bền và Tùng lần lượt sốt. Trong ĐSQ, anh Hùng ở bộ phận bếp cũng đã mắc COVID-19.
Đại sứ cứ tưởng với việc kích hoạt ngay nhóm hỗ trợ khẩn cấp, khai báo tình trạng sức khỏe của mỗi người 3 lần một ngày trên phần mềm chung, cùng nhau làm "bác sĩ" theo dõi và chữa trị cho nhau, chúng ta sẽ khống chế được bệnh dịch như cách mà Đại sứ và 38 đồng nghiệp ĐSQ đã làm và dắt tay nhau lặng lẽ vượt qua đợt dịch cuối tháng 9 năm ngoái. Nhưng Đại sứ đã lầm. Cuộc chiến lần này nguy hiểm và cam go hơn rất nhiều.
Thách thức đầu tiên là không tìm được nơi để xét nghiệm cho các em vì đâu cũng quá tải. Mới tuần trước gọi xét nghiệm trước khi đi công tác là họ đến luôn. Giờ đây được xét nghiệm cũng trở thành một "đặc ân". Sau xét nghiệm phải đợi 2 đến 3 ngày mới biết kết quả. Ngay cả đến bây giờ kết quả xét nghiệm của một số em cũng không tìm thấy vì tất cả trở nên hỗn loạn vì quá tải".
Sau 5 ngày nhiễm bệnh em vẫn sốt rất cao, ngủ li bì và nhiều lúc không tỉnh đến mức anh Hải phải gọi điện bảo: "Đại sứ ơi, anh Nhân sốt cao 39 độ liên tục, nồng độ ôxy dưới 90%, có hiện tượng bội nhiễm phải đưa gấp vào viện thôi". Nhưng vào viện nào bây giờ? Cả ĐSQ ai có đầu mối nào đều lần lượt gọi điện, tìm mọi cách để có giường cho em, nhưng vô vọng.
Đại sứ đã cố gắng tìm cách tiêm vắc xin COVID-19 cho các em, nhưng chưa kịp triển khai thì các em đã ốm, mà ốm rất nặng dù đều còn trẻ và rất khỏe, hằng ngày vẫn chạy đá bóng rất nhanh. Hình như vi rút chủng mới B.1.617 của Ấn Độ tấn công rất nhanh và tàn phá rất mạnh kể cả những người trẻ tuổi, một sự khác biệt lớn so với đợt dịch lần đầu.
Thấy em không ăn được, ngay cả cháo nuốt không được, Đại sứ đã cho nấu súp yến, một thứ dự trữ chiến lược thời COVID, cho em".
Trong lá thư này, Đại sứ Phạm Sanh Châu còn cho biết mình đã gọi điện đến Bệnh viện Apollo nhưng được một bác sĩ cho hay không còn giường nữa vì mấy chục bệnh nhân đang chờ một giường.
Vị bác sĩ này gợi ý chuyển bệnh nhân vào cơ sở hai của họ là khách sạn Plaza Crown giá khoảng 10.000 rupees (3,1 triệu đồng/ngày) để theo dõi, nhưng ở đó không có máy trợ thở. Những người khác trong Đại sứ quán cũng đã gọi điện khắp nơi nhưng chỗ thì hết giường, chỗ thì nói ôxy chỉ còn đủ 40 phút cho những người đã nằm trong viện, chỗ thì không còn giường và máy thở.
"Cùng với việc từ chối không cho nhập viện, mỗi bác sĩ lại gửi cho Đại sứ một danh sách thuốc với phác đồ điều trị khác nhau.
Thật trớ trêu khi vào thời điểm cùng quẫn và chẳng biết hỏi ai, các nhà ngoại giao lại trở thành Hội đồng y khoa, quyết định việc cho các em dùng loại thuốc gì. Quyết định cuối cùng là theo ông bác sĩ Amit Bệnh viện Sharda vì ông ấy nói như đinh đóng cột rằng cả nhà ông đã bị nhiễm và đang điều trị theo phác đồ này. Đành gửi số phận của em vào phương thuốc của ông ấy vậy.
Giải pháp cuối cùng mà Đại sứ phải dùng tới lúc này là gọi điện trực tiếp cho một lãnh đạo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, một người bạn quen của Đại sứ, khẩn thiết nhờ giúp đỡ. Những lời khẩn cầu cũng được tới tấp gửi tới Vụ Lễ tân và Vụ Khu vực phụ trách Việt Nam. Các bạn bảo liên hệ lại Bệnh viện Apollo chắc chắn sẽ có giường.
Dự báo tình hình có thể bất trắc, Đại sứ quyết định trực tiếp đưa em vào viện vì sợ rằng nếu không đi cùng có thể giường đó sẽ lại bị dành cho người khác.
Đúng như dự đoán, mãi 3 tiếng sau khi Đại sứ về, em mới được nhập viện vì họ không tìm thấy kết quả xét nghiệm dương tính của em. Nhìn thấy em lê lết ngồi ngoài đường chờ đợi mà lòng Đại sứ quặn đau. May mắn thay khi em tiếp cận được bình ô xy thì nồng độ ô xy trong máu của em chỉ còn 80%", Đại sứ Phạm Sanh Châu viết.
Và, nhiều người đọc đã rất xúc động khi đọc đến đoạn cuối lá thư của Đại sứ: "Nhân ơi, với tư cách là một Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền, tôi ra lệnh cho em không được chết vì dự án của chúng ta vẫn còn dang dở. Ngôi nhà Việt thật đẹp giữa thủ đô New Delhi đang đợi chúng ta hoàn tất. Hơn bao giờ hết ĐSQ cần có em.
Nhân ơi, xin em đừng chết vì em còn rất trẻ và vợ con em đã gửi gắm em cho Đại sứ. Chúng ta đã hứa sẽ cùng nhau đi qua đợt dịch này xây xong trụ sở cho ĐSQ và bình an.
Và cuối cùng em có nghe tiếng khóc của bao người đang chầu chực ở bệnh viện mà người thân của họ đang chết vì không thể tiếp cận máy thở ôxy và giường bệnh. Vì thế em không được phép chết để đỡ phí đi một cái giường mà nhờ nó bao nhiêu tính mạng đã có thể được cứu sống.
Đại sứ tin em nhất định sẽ chiến thắng và trở về trong sự chờ đợi của gia đình em, trong tình thương yêu của toàn bộ anh chị em trong ĐSQ và của cộng đồng người Việt đang sinh sống tại Ấn Độ".
Còn trong bài mới nhất đăng trên trang cá nhân của mình, ngoài việc thông tin về tình hình sức khỏe của anh Nhân và các nhân viên khác, Đại sứ Phạm Sanh Châu cũng đã thay mặt anh chị em trong ĐSQ gửi lời cảm ơn lãnh đạo và nhân dân hai nước Việt Nam và Ấn Độ, cũng như bạn bè khắp năm châu đã gọi điện và gửi lời thăm hỏi, sẻ chia. Đây là nguồn động viên tinh thần to lớn, kịp thời và rất đáng quí đối với Đại sứ Phạm Sanh Châu nói riêng, các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ nói chung trong những giờ phút cam go này.
"Những ngày trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng chúng tôi tin chắc chắn một điều, đó là chúng tôi sẽ vững vàng cùng nhau vượt qua thử thách to lớn này và chiến thắng bệnh dịch, cũng giống như dân tộc Việt Nam đã từng chiến thắng trong ngày này của 46 năm trước".
Cuối bài viết, Đại sứ Phạm Sanh Châu gửi lười chúc đến bệnh nhân số 10, một sinh nhật thật đáng nhớ. "Tối nay Đại sứ sẽ tổ chức Birthday Party online cho em. Chắc chắn rằng Ấn Độ sẽ sớm vượt qua đại dịch này" - Đại sứ Phạm Sanh Châu kết thúc bài viết.
PH (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất