14/09/2015 06:31 GMT+7
(lienminhbng.org) - Martialmania đã bắt đầu, khi mà những tin tưởng lẫn nghi ngờ, những chế giễu lẫn động viên, những chờ đợi lẫn soi mói đều đã có câu trả lời.
Vào sân ở phút thứ 65, thay cho Mata, khi Man Utd đang dẫn 1-0, Anthony Martial chỉ có 25 phút để chứng tỏ những người điều hành Man Utd không phải những kẻ hoảng loạn ngu ngốc trên thị trường chuyển nhượng. Bàn ấn định tỷ số theo đúng chất “Henry Style” đã gây sốc trên sân cỏ, trên mạng xã hội và cả trên các phương tiện truyền thông. Cái tên Martial vô danh được biết đến sau đúng 15 ngày đã trở thành cái tên ngôi sao chỉ sau trận đầu ra mắt đội bóng mới. Nhưng, trên thực tế, với riêng Martial, thực sự bàn thắng đầu tiên, trong trận ra mắt đầu tiên chưa là cái gì cả bởi đằng sau nó còn có những thứ lớn lao hơn nhiều, những thứ đủ tạo cho những ủng hộ viên Man Utd một niềm tin vững chãi.
Hãy thử trả lời một câu hỏi sau đây, chúng ta sẽ thấy rõ ràng nhận định kể trên không hề phi lý chút nào. Ngoài bàn thắng ra, những hình ảnh nào của Martial nói riêng và những gì xoay quanh anh nói chung để lại ấn tượng mạnh nhất? Chắc chắn, nhiều người không trả lời được. Đơn giản, họ đã bị cuốn vào cơn lốc Martialmania của bàn thắng đầu tiên anh ghi cho Man Utd mà quên béng mất những hình ảnh người quay phim cố tình ghi lại kể từ khi Martial bước ra khỏi băng ghế dự bị.
Khi quyết định thay người được đưa ra, Martial chăm chú nhìn vào những bảng chỉ dẫn được in ra rất chu đáo trên tay người HLV và lắng nghe rất kỹ những chỉ dẫn của ông ta qua sự thông dịch của Morgan Schneiderlin. Martial mới sang Anh quốc, không sõi tiếng Anh và chỉ cần hình ảnh Schneiderlin cặn kẽ dịch lại cho anh đã đủ để thấy một sự thực: Với người đời, Martial có thể là một thằng nhóc nhưng thằng nhóc ấy đang có được sự hậu thuẫn của đàn anh trong rất nhiều việc ở mảnh đất mới mẻ mang lại cho anh nhiều bỡ ngỡ. Sự chăm chút của đàn anh đi trước thực sự rất đáng qúy mà không phải cầu thủ trẻ nào cũng có được. Thêm vào đó, sau trận cầu, không ít cầu thủ già giơ của Man Utd còn lên twitter chúc mừng anh, điển hình như Schweinsteiger, với câu Tweet “Còn màn ra mắt nào hay hơn không? Chúc mừng Martial”. Những động viên ấy chắc chắn sẽ là cái nôi để Martial trở thành một ngôi sao, nhất là khi vận may đã tìm đến anh theo đúng kiểu ‘cô thương’.
Lần đầu tiên chạm bóng của Martial có lẽ ít ai nhớ bởi nó hơi nhạt nhoà. Đó là khi anh giật gót cho Young ở biên trái, tình huống mà sau đó Young bị đau khiến ai cũng lo ngại anh bị lật cổ chân. Nhưng lần thứ hai chạm bóng của Martial lại nói lên tất cả. Khi ấy, Man Utd đang dẫn 2-0, Martial nhận bóng ở hành lang phải. Thay vì quyết định đột phá hay chuyền bóng, anh tự tin thể hiện kỹ thuật và cài người giữ bóng cù cưa trước một trung vệ to cao, kinh nghiệm là Lovren. Cuối cùng, Lovren đã phải vật ‘ông ôn mười chín tuổi’ của Man Utd để chịu một quả phạt. Sau pha bóng đó, Darmian đã lại gần đập tay với Martial tỏ ý khích lệ. Khuôn mặt Martial lúc đó thực sự rất đáng lưu ý. Nó lỳ lợm, tỏ ra bản lĩnh một cách kiêu hãnh ngầm.
Thực tế, đó mới là khoảnh khắc ‘Henry style’ nhất của Martial. Khi đội nhà dẫn bàn, khi trận đấu chỉ còn chừng chục phút, cầm bóng câu giờ là việc đáng làm hơn là việc thể hiện phẩm chất cá nhân. Quyết định Martial đưa ra cho thấy anh có độ quái rất đáng nể, độ quái của kẻ luôn ý thức rằng “thành tích tập thể quan trọng hơn thành tích cá nhân bội phần”. Và cũng chính từ pha thách thức tay đôi đó với Lovren, Martial đã có cơ hội để đối phương phải ngại ngần anh, khiến anh bẻ sườn họ dễ dàng ở phút định mệnh, phút anh ghi tên mình vào lịch sử Man Utd.
Thế nên, bàn thắng của Martial không là gì cả so với mấy chi tiết rất nhỏ mà anh đã thể hiện trong 25 phút trên sân của mình. Cái Man Utd cần tất nhiên là bàn thắng nhưng không hẳn chỉ mình một cầu thủ cụ thể nào đó mới mang lại được bàn thắng. Cái Man Utd cần hơn là một tinh thần, và nếu tinh thần Man Utd đó được thể hiện trong một cậu trai trẻ vừa mới gia nhập đội bóng, lợi ích của 36 triệu bảng nằm ở đó chứ không phải ở đâu khác.
Vượt trên hết, sau màn ra mắt của Martial, ta có thể thấy Man Utd thực sự là một tập thể gắn kết, không có ranh giới trẻ-già; mới-cũ. Đó chính là tố chất chiến thắng và nó cũng chính là thứ để tin họ sẽ là đối thủ cạnh tranh lớn nhất với Man City, ít ra là từ nay tới mùa Đông. Còn việc ca ngợi Martial dựa trên bàn thắng, hãy để thời gian trả lời thêm, khi anh chứng tỏ mình có khả năng phá lưới đều đặn. Lúc đó, có đặt biệt danh cho anh là Martial Arts (Võ nghệ) như tờ L’Equipe giật tít trang nhất hôm qua hay Martian (người sao hỏa) đi nữa cũng chưa muộn.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất