19/03/2020 14:53 GMT+7 | Dạo quanh nước Đức
(lienminhbng.org) - Đã có nhiều huyền thoại xung quanh nhà soạn nhạc thiên tài Đức Ludwig van Beethoven và Bản giao hưởng số 9 (Ninth Symphony) của ông. Và mới đây, Trung tâm Lưu trữ Beethoven ở Bonn (Đức) đã công bố phiên bản mới quan trọng của Bản giao hưởng số 9, trong đó có một số âm thanh mới.
Cần nhắc lại, năm 2020 này cũng là năm mà cả thế giới kỷ niệm 250 năm ngày sinh Beethoven (1770).
Một phiên bản mới
Trong bối cảnh các màn trình diễn nhạc giao hưởng sắp tới đã bị hủy do đại dịch COVID-19, người yêu nhạc vẫn cơ hội để nhìn lại kiệt tác này qua các sự kiện tôn vinh nhà soạn nhạc cũng như qua phiên bản mới của nó ( do G.Henle, một công ty chuyên xuất bản các bản nhạc, thực hiện). Đặc biệt, phiên bản mới của Bản giao hưởng số 9 giúp người hâm mộ biết được những ý định ban đầu của nhà soạn nhạc.
Nhà nghiên cứu Beate Kraus thuộc Trung tâm Lưu trữ Beethoven tại Bonn (Đức) đã phục dựng phiên bản mới này. Cụ thể, Kraus đã nghiên cứu nhiều ghi chú trong các bản sao khác nhau của Bản giao hưởng số 9 và trong bản nhạc được sử dụng cho lần in đầu tiên. Với kinh nghiệm của mình, chuyên gia này đã tiếp xúc với nhiều nguồn tài liệu chưa được xác định trước đó.
“Bản nhạc sẽ có âm thanh khác so với trước đây” - Kraus nói “Một khán giả bình thường cũng sẽ nghe thấy sự khác biệt này ngay lập tức”.
“Tôi tìm ra rồi, tìm ra rồi”
Bản giao hưởng số 9 của Beethoven được trình diễn ra mắt hồi tháng 5/1824 và đã nhận được những tràng vỗ tay như sấm rền. Trước đó, Beethoven đã được Hiệp hội London (Philharmonic Society) đặt hàng sáng tác bản giao hưởng này từ năm 1817 thông qua Ferdinand Ries, một người bạn của soạn giả, đồng thời là một trong những nhà điều hành của Hiệp hội. Và ít ai biết, Beethoven bắt đầu sáng tác bản nhạc này từ năm 1818 với hứa hẹn trang trọng rằng sẽ sớm có kết quả và các quyền độc quyền cho buổi ra mắt thế giới. Nhưng phải đến năm 1822, ông mới nghiêm túc chuyên tâm sáng tác bản nhạc mới này.
Đáng nói, ở phần cuối bản nhạc, Beethoven nói rằng ông muốn “kết thúc công việc bằng một điều gì đó đặc biệt”. Và điều đặc biệt ở đây là bài thơ Ode to Joy của nhà thơ Đức Friedrich Schiller - khi một phần nội dung bài thơ đã được sử dụng làm lời ca để các giọng đơn ca và đồng ca thể hiện trong chương cuối. Đó cũng là thử nghiệm đầu tiên mà Beethoven khi cùng sử dụng giọng hát với các nhạc cụ trong một bản giao hưởng.
Schiller sáng tác bài thơ Ode to Joy hồi năm 1785 dành cho bạn bè khi ngồi “cầm ly”. Bài thơ này ra đời 4 năm trước cuộc Cách mạng Pháp, trong đó Schiller nói đến tinh thần tự do, bình đẳng và tình anh em.
Một người bạn ông, sau này đã kể lại rằng, đoạn mở đầu cho phần thanh nhạc của bản giao hưởng đã gây ra rất nhiều khó khăn cho nhà soạn nhạc. Đặc biệt, khi bắt đầu sáng tác chương 4, Beethoven đã phải rất nỗ lực để “đi vào” đoạn tụng ca của Schiller trong phần này. Khi làm được điều này, Beethoven đã nhảy nhót trong phòng và la lớn “tôi tìm ra rồi, tìm ra rồi”.
Rốt cuộc, khán giả London đã phải đợi trong một thời gian dài mới được chứng kiến tác phẩm ra đời. Tuy nhiên, mọi chuyện không diễn ra như lời hứa của Beethoven: Màn diễn ra mắt của bản nhạc không tổ chức tại Anh mà ở tại… thủ đô Vienna của Áo. Những nhân vật có ảnh hưởng ở Vienna đã thuyết phục Beethoven trình diễn bản nhạc mới lần đầu tại Nhà hát Karnnertor của thành phố này.
Khán giả ứa nước mắt
Năm 1824, Beethoven đã gần như bị điếc hoàn toàn. Nhưng ông vẫn muốn xuất hiện trong màn trình diễn ra mắt bản nhạc này. Cụ thể, Beethoven không thể cưỡng lại việc “giúp đỡ” các nhạc sĩ trên sân khấu bằng cách thị phạm cho họ thấy phong cách và sự năng động mà ông muốn.
Các hành động của Beethoven lúc đó cực kỳ tạo hứng thú. Một nhạc sĩ sau này đã viết: “Ông đứng tại vị trí của nhạc trưởng và lắc lư mình như một kẻ điên. Có lúc, ông vung chân hết cỡ, lúc sau ông cúi xuống sàn nhà, có lúc ông lại dùng tay. Cứ như thể ông muốn chơi tất cả các nhạc cụ và hát tất cả các phần hợp xướng. Thật may là nhạc trưởng đã lưu ý các nhạc sĩ không chú ý đến nhà soạn nhạc!”
Khi màn diễn bản giao hưởng kết thúc, Beethoven, vẫn đối mặt với dàn nhạc và tất nhiên không thể nghe thấy tiếng vỗ tay như sấm của khán giả. Caroline Unger, nghệ sĩ đơn ca giọng nữ cao, phải gõ nhẹ vào cánh tay của nhà soạn nhạc để ông quay lại và có thể nhìn thấy phản ứng của đám đông. Nhiều người tham dự màn trình diễn, gồm cả Unger, đã ứa nước mắt khi nhận ra chứng khiếm thính của Beethoven.
Bản giao hưởng số 9 của Beethoven hiện vẫn rất nổi tiếng thế giới, được dùng làm giai điệu của Liên minh châu Âu từ năm 1985. Đặc biệt, bản nhạc gốc có chữ ký của Beethoven đã trở thành Di sản Tư liệu Thế giới từ năm 2001. |
Việt Lâm (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất