Ngày Quốc tế Nam giới 19/11: Lê Hoàng đến Liên Hợp Quốc bàn chuyện đàn ông là gì?

19/11/2017 19:05 GMT+7 | ĐÀN ÔNG CHẤT

(lienminhbng.org) - Nhân Ngày Quốc tế Nam giới 19/11, Báo Thể thao & Văn hóa (TTXVN) và Giovanni đã có buổi gặp gỡ, trao đổi cởi mở cùng độc giả và những ai quan tâm đến cuộc thi trong buổi tọa đàm Đàn ông là số 1 hay số 0.

Tham dự sự kiện này là những khách mời nổi tiếng: “giáo sư” Xoay Đinh Tiến Dũng (MC), Tim Voegel-Downing - giám đốc sáng tạo của tập đoàn Giovanni, nghệ sĩ Chí Trung - Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, hot blogger Hoàng Minh Trí (Cu Trí) và Hoa hậu thân thiện Dương Thuỳ Linh.

Tại cuộc tọa đàm, sẽ đặt ra vấn đề cần có một ngày dành riêng cho đàn ông ở Việt Nam cũng như chính thức công nhận ngày 19/11 là Ngày đàn ông.

Tuy nhiên, BTC đặt ra Ngày Nam giới tại Việt Nam không có nghĩa là tôn vinh đàn ông, mà là một dịp để cộng đồng nói về những vấn đề mà người đàn ông đang đối mặt trong cuộc sống hiện tại: như sức khoẻ, đàn ông tính, vai trò của họ trong xã hội, hay những áp lực lớn lao mà họ phải gánh chịu. Từ đó, cùng nhau giải quyết các vấn đề, theo hướng không chỉ đàn ông tự giải quyết, mà còn có sự giúp đỡ từ phía những người phụ nữ.

***

Nhân dịp ngày đàn ông, Đạo diễn Lê Hoàng hưởng ứng bằng một bài viết giả tưởng về cuộc tranh cãi trong LHQ nhằm thể hiện cái nhìn hóm hỉnh của anh về ngày đàn ông. Xin trân trọng giới thiệu quý độc giả bài viết này:

Mới đây Liên Hiệp Quốc đã mở một hội thảo khẩn cấp, mang tính toàn cầu, có sự tham gia của nhiều lãnh đạo cấp cao của nhiều quốc gia, với một chủ đề nóng bỏng: “Tại sao không có ngày đàn ông?”.

Dưới đây là một số ý kiến của các đại biểu của một số quốc gia về Ngày Quốc tế Nam giới. 

Đại biểu Nga tuyên bố:

"Đàn ông không có ngày, bởi vì họ không có cuộc đời. Như tất cả đều biết, đời đàn ông xưa nay đều do đàn bà quyết định. Sướng hay khổ, nghèo hay giàu, no hay đói nằm ở chỗ lấy được một cô vợ ra sao, chứ bản thân đàn ông chả có vai trò nào hết. Thậm chí, ở nhiều nơi trên trái đất, nếu lấy nhằm vợ là đàn ông hỏng cả cuộc đời, nếu yêu nhằm người là đàn ông tan tác sự nghiệp, chỉ cần một bà mẹ vợ độc ác, một cuộc thi hoa hậu sai phạm là đàn ông nát bét tâm hồn.

Một chai rượu Vodka cũng có khả năng khiến đàn ông gục gã, một trận đá banh thua cũng khiến đàn ông khóc nức nở, vậy thì có nên cho đàn ông một ngày hoặc một phút hay không?"

Chú thích ảnh
“Poster” của tọa đàm “Đàn ông là số 1 hay số 0”

Đại biểu Mỹ vội vã đứng lên phản bác:

"Đàn ông không có ngày vì đa số đều không biết dùng súng. Ai cũng biết ở Mỹ súng bán tự do, mua súng còn dễ hơn cả mua khoai lang, đã thế khoai cần luộc lên mới ăn còn súng cầm ra là bắn được liền".

Nhưng phần lớn đàn ông mua súng xong, chỉ để cất đi đêm khuya lén lút đem ra ngắm nghía chứ khi bị đàn bà dọa li dị, dọa chia tay đàn ông chỉ biết van xin hoặc kê súng vào đầu mình không dám nổ, chưa kể nhiều chàng trai bị cô gái bỏ là coi như chết. Theo thống kê tin cậy, đa số đàn ông Mỹ mua súng là do đàn bà sai đi mua và rất nhiều đàn ông đeo súng hiên ngang ngoài đường nhưng đạn thì vợ cất trong bếp. Thế thì đàn ông có ngày cũng phí đi vì những ngày quan trọng phải bắn pháo hoa chả lẽ lúc đó lại nhờ đàn bà bóp cò?

Đại biểu Đức không đồng tình với Mỹ và Nga, ông ta tuyên bố: Đàn ông không có ngày vì cơ bản họ không có tiền. Ngày duy nhất đáng nhớ trong tháng của ngày đàn ông là ngày lãnh lương thì đàn bà luôn luôn kiểm soát, biết trước và cưỡng đoạt. Do không tiền, hoặc do không là chủ đồng tiền của mình một cách thực chất, đàn ông mất hết sức mạnh, mất hết tự tin.

Lúc nào đi ra phố cũng rón rén, lúc nào vào tiệm ăn, trung tâm thương mại cũng lắm lét, trong gia đình hễ cứ nói tới sắm sửa là lên cơn co giật, cứ nói tới chi phí là toát mồ hôi, không còn để ý đến không gian và thời gian, có ngày để làm gì?

Đại biểu Pháp buồn rầu phát biểu:

Đàn ông không thể có ngày nếu chưa có tự do.

Đa số đàn ông không có quyền cấp giấy phép thi hoa hậu, cũng không được thu hồi nó khi có chuyện xảy ra, không có chức năng tổ chức thi áo tắm, không được về quá khuya, không được uống quá say, không được hỏi ý kiến khi mẹ vợ ở chung nhà. Gần như toàn bộ đàn ông đều lo lắng thấp thỏm khi chụp ảnh nude vì chả hiểu mình có phạm pháp hay chưa, và ngay cả khi vẽ hay chụp chính mình thì đàn ông cũng chưa chắc được cấp giấy phép trưng bày.

Đại biểu Tây Ban Nha dõng dạc:

"Đàn ông không đáng có ngày vì nếu có họ chắc chắn chỉ biết dùng nó như một con bò. Ai cũng biết bò suốt năm ở trong chuồng, chỉ đợi ngày được sổng ra lao đầu vào bất cứ cái gì mềm mại, uyển chuyển, phấp phới và rực rỡ, lao một cách điên cuồng đến mức bị đâm cũng không hề cảm thấy đau, như thế cứ để đàn ông không có ngày sẽ an toàn hơn, hơi khác với phụ nữ dùng ngày 8/3 để ngồi vắt chân lên chỉ chờ mua hoa hay chờ được dẫn đi ăn, đàn ông sẽ vùng lên, sẽ có ảo tưởng ngày đó dài vô tận, dẫn tới những hành động mất kiểm soát gây nguy hiểm cho xã hội".

Đại biểu Anh nói:

"Thả đàn ông vào ngày của chúng chả khác gì thả một đứa bé vào đám sương mù. Đứa bé sẽ quờ quạng, sẽ đi lung tung, sẽ đâm vào xe cộ hoặc để xe cộ đâm vào mình.

Bản thân đàn ông khi sinh ra đã có sẵn sương mù trong đầu. Họ luôn lơ mơ thế nào là bạn gái, thế nào là bạn của bạn gái, đâu là mát xa, đâu là mát gần, đâu là yêu, đâu là chấp nhận, mình có trí tuệ hay mình chỉ liều lĩnh? Cho đàn ông một ngày là bổ sung vào tâm trí chúng, một ảo giác mà khả năng ảo giác đó mang lại những hành động dạy dột sẽ quá cao".

Đại biểu Trung Quốc hùng hồ tuyên bố:

"Tại sao phải có ngày đàn ông? Nhân loại chưa đủ khổ với các ngày à? Thử xem trong năm còn mấy ngày trống để chúng ta nghỉ ngơi. Nào là ngày của Mẹ, ngày của Cha, ngày cúp điện vì trái đất, ngày tiêm chủng toàn cầu, ngày kỷ niệm nạn nhân chiến tranh, ngày giết sâu bọ, ngày không tai nạn giao thông, ngày Thiếu Nhi Quốc Tế, ngày toàn thành phố dọn vệ sinh…Nói thẳng ra, chả còn ngày nào là ngày ăn uống, ngày vui chơi đàn đúm, ngày tụ tập bạn bè.

Vả lại đã có ngày Nhà giáo, ngày Bác sĩ, ngày Nhà báo…cho nên những đàn ông nào muốn có ngày thì hãy cố gắng trở thành bốn loại người ấy, còn lại để chúng tôi yên".

Đại biểu Việt Nam dặn dò:

"Nếu có một ngày đàn ông thì họ cũng dùng hết cho đàn bà mà thôi. Ví dụ như về điện ảnh, họ sẽ đi xem phim Cô Ba Sài Gòn, Nhà có năm nàng tiên, hoặc Em là bà nội của anh. Về sân khấu đi coi Người Vợ ma hoặc 12 bà mụ. Về ca nhạc nghe bản Em của ngày hôm qua, Cô bé dỗi hờn, Là con gái thật tuyệt. Còn về văn học sẽ đọc cuốn Những người đàn bà lừng danh thế giới".

 Đạo diễn Lê Hoàng

Để tôn vinh một người đàn ông Việt Nam, thì theo bạn, họ là người như thế nào? Là người giỏi việc nhà hay giỏi kiếm tiền? là trụ cột gia đình cả về tinh thần và vật chất? là ga-lăng, là tâm lý hay dù nghèo nhưng biết ứng xử văn hóa, nói năng lịch thiệp? hoặc là những người đàn ông sẵn sàng ở vị trí “hậu phương” chăm con cho vợ ra “tiền tuyến”?

Bạn hãy cho chúng tôi biết quan điểm của mình cùng báo Thể thao &Văn hóa (TTXVN) trong cuộc thi Đàn ông chất là...bắt đầu từ ngày 19/11.

Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam và cả những công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc và định cư ở nước ngoài đều có thể trở thành những nhà “đàn ông học” với cuộc thi này, thông qua các hình thức tham dự bằngBài viết, Tác phẩm ảnh, Video clip.

Về bài viết: không giới hạn số lượng, độ dài mỗi bài không quá 1.500 chữ (ưu tiên những bài viết có hình ảnh kèm theo phù hợp với nội dung bài viết.

Tác phẩm ảnh: khuyến khích chùm ảnh từ 10 bức trở xuống, ảnh màu hoặc đen trắng do chính tác giả (người gửi ảnh) chụp bằng máy ảnh hoặc điện thoại, ảnh gửi dự thi phải ở dưới dạng file JPG có dung lượng tối thiểu 1MB, độ phân giải tối thiểu 300 dpi.

Video clip: mỗi nhóm hoặc cá nhân là tác giả của video clip, gửi tối đa với 3 tác phẩm, thời lượng không quá 10 phút. BTC chấp nhận video clip dự thi quay bằng điện thoại,định dạng phổ biến avi, mpeg, mkv, klv, mp4…

Các tác phẩm ở mọi hình thức tham dự cần có thể hiện những cái nhìn độc đáo về đàn ông, có ý tưởng sáng tạo, thông điệp rõ ràng.

Bài dự thi gửi về về BTC qua địa chỉ E-mail: [email protected] kèm theo thông tin cá nhân, hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp tại Báo Thể thao & Văn hóa (11 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) từ ngày 19/11 đến 19/12/2017.

 

Cuộc thi sẽ công bố kết quả vào ngày 26/12 tại Fanpage của Báo Thể thao & Văn hóa và trên báo điện tử Thể thao & Văn hóa (chuyên mục: Đàn ông "chất") với các hạng mục giải thưởng như sau:

- 1 Giải Nhất: 30.000.000 đồng + Voucher Giovanni trị giá 4.000.000 đồng.

- 2 Giải Nhì: mỗi giải 20.000.000 đồng + Voucher Giovanni trị giá 3.000.000 đồng.

- 3 Giải Ba: mỗi giải 10.000.000 VNĐ + Voucher Giovanni trị giá 2.000.000 đồng.

- 3 Giải Khuyến khích: mỗi giải: 5.000.000 đồng + Voucher Giovanni trị giá 1.000.000 đồng.

Hướng tới ngày Quốc tế Nam giới 19/11: Hãy tham gia cuộc thi 'Đàn ông chất là...'

Hướng tới ngày Quốc tế Nam giới 19/11: Hãy tham gia cuộc thi 'Đàn ông chất là...'

Với một nửa thế giới là phụ nữ, tại Việt Nam, ít nhất họ đã có đến 2 ngày được tôn vinh (8/3, 20/10). Vậy có nên có một ngày để tôn vinh đàn ông tại Việt Nam?

Hướng tới ngày Quốc tế Nam giới 19/11: Hãy là những người đàn ông 'chất'...

Hướng tới ngày Quốc tế Nam giới 19/11: Hãy là những người đàn ông 'chất'...

Một nửa đàn ông là đàn bà, đấy là đầu đề cuốn tiểu thuyết nổi tiếng về thời cách mạng văn hóa của nhà văn Trung Quốc Trương Hiền Lượng.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm