NSND Đặng Thái Sơn: Người ta cứ tưởng mình mơ mộng…

15/02/2013 07:00 GMT+7 | Âm nhạc


(lienminhbng.org) - “Người được Chopin chọn” lại chọn Beethoven cho một dự án đồ sộ trong cuộc trở về Việt Nam trong năm 2013. Người làm chủ 88 phím đen và trắng trên cây dương cầm thú nhận mình yếu đuối nhất là khi… đi chợ và cũng thích xem tử vi(!)

Vẫn là “chất” dí dỏm, hóm hỉnh, những câu chuyện thú vị luôn kèm theo tiếng cười sảng khoái của NSND Đặng Thái Sơn mỗi khi tôi gặp ông, nhưng lần này, cuộc trò chuyện của chúng tôi trở nên ấn tượng hơn khi NSND Đặng Thái Sơn “bật mí”, đây là cuộc phỏng vấn “độc nhất vô nhị” mà ông từng thực hiện, dành riêng cho TT&VH vì ông chưa bao giờ trả lời phỏng vấn qua Skype (nói chuyện trực tuyến qua mạng Internet). Cũng từ chiếc carema nhỏ bé ở Skype, tôi bất ngờ với “món quà” được NSND Đặng Thái Sơn tặng: Chiêm ngưỡng ngôi nhà nhỏ ấm cúng của ông tại Canada, từ phòng làm việc, phòng khách, bếp, chậu hoa lan cho đến hình ảnh tuyết đang rơi nhẹ bên khung cửa sổ.

Lựa chọn những ngày giữa tháng 1/2013 để tiếp tục triển khai dự án Marathon Beethoven tại Việt Nam - một dự án đồ sộ nhất trong cuộc đời ông kể từ sau cuộc thi Chopin 1980, NSND Đặng Thái Sơn nói rằng đây là thời điểm đẹp nhất trong cuộc đời nghệ sĩ của mình để thực hiện được chương trình này.

2013 - Thời điểm đẹp nhất trong đời nghệ sĩ của tôi!

* Con số 2013 có ý nghĩa như thế nào đối với ông khi ông chọn làm một show lớn nhất từ trước đến nay ở quê nhà trong thời điểm này?

- Vì đến 2013 là thời điểm đẹp nhất trong đời nghệ sĩ của tôi - chín muồi rồi đấy! (Cười lớn). Như bạn biết, để đạt tới độ chín trong nghề thì phải là độ chín muồi (đỉnh điểm của sự nghiệp) chứ không phải chín nhừ hay chín tới. Điều này rất quan trọng đối với tôi, nhất là khi tôi quyết định triển khai dự án đồ sộ nhất từ trước tới nay tại quê nhà kể từ sau Concourt Chopin 1980 và tôi thấy đây thực sự là thời điểm đến đúng lúc mà tôi có thể thực hiện được dự án này.

* Vậy từ 1980 cho đến nay, còn những chương trình nào mang tính “lịch sử” tại quê nhà mà ông nhớ mãi?

2013 là thời điểm đẹp nhất trong đời nghệ sĩ của tôi để tôi quyết định triển khai dự án đồ sộ nhất từ trước tới nay tại quê nhà kể từ sau Concourt Chopin 1980.

- Từ 1980, hầu như năm nào tôi cũng diễn ở Việt Nam. Chỉ có khoảng thời gian từ 1987 - 1993 là tôi bị gián đoạn. Một dấu ấn khá quan trọng trong những lần về đó là năm 1980, khi tôi diễn 10 buổi liên tiếp tại Nhà hát Lớn Hà Nội do nhạc trưởng Trọng Bằng chỉ huy ngay sau khi được giải trở về. Đó có thể xem như một sự kiện lịch sử. Rồi sau 6 năm gián đoạn, trở lại Việt Nam diễn từ 1993 cũng là một dấu mốc quan trọng nhiều ý nghĩa đối với tôi.

* “Người được Chopin chọn” lại chọn Beethoven cho dự án đồ sộ hiếm hoi này có thể nói gì về Beethoven? Tính tầm cỡ của một dự án đồ sộ ở đây là gì, thưa ông?

- Dự án Marathon Beethoven gồm 5 bản concerto (từ số 1 đến số 5) không phải là nhỏ nếu không muốn nói đây là số lượng bài rất lớn. Nó là một sự thử thách đối với tôi, như một cuộc chạy marathon, chứ không phải chạy điền kinh vì nó đòi hỏi chạy nhanh, sức dai. Chưa kể để chơi 5 tác phẩm liền trong hai đêm, mình còn như một đạo diễn sân khấu vì tính chất mỗi tác phẩm, nếu chơi riêng sẽ thấy khác nhưng ở đây, chơi cùng trong một chương trình thì phải làm sao thể hiện được sự khác biệt của mỗi tác phẩm nên tôi đã phải “lập trình” cho hai đêm diễn khác nhau. Hơn nữa, bình thường trình diễn một concerto đối với một solist là đã mệt nhoài rồi, trong khi chương trình này là 5 tác phẩm. Thực sự là tôi muốn thử thách sự dẻo dai của chính mình.

Trong nhạc cổ điển, Beethoven là một đỉnh lớn. Tìm đến âm nhạc của Beethoven là tìm đến sự đồng điệu lớn không thể nói bằng lời vì đó là thứ âm nhạc đầy tính kịch, nhân quyền, sự đồng cảm đến mức ngấm những nỗi buồn khổ đau, những dư vị mùi đời, biết hết nhân tình thế thái. Âm nhạc của Beethoven đầy sức sống, sự lạc quan và đặc biệt, mang tính phổ cập trên toàn cầu. Tính đấu tranh, nhân bản, con người, đặc biệt là tính chất cách mạng trong âm nhạc của Beethoven mạnh mẽ tới mức, ngay trong những ngày tháng cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, Hồng vệ binh cấm các loại nhạc cổ điển nhưng riêng Beethoven lại được... tha.

NSND Đặng Thái Sơn và mẹ, nghệ sĩ Thái Thị Liên. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

* Nhạc cổ điển ở Việt Nam vốn được coi là dòng nhạc kén chọn người nghe, vậy ở chương trình này ông có hy vọng ngoài vé mời, ngoài lượng khán giả hâm mộ ông thì có bao nhiêu khán giả đến nghe (chứ không phải đến xem ông biểu diễn)?

- Khán giả của một buổi biểu diễn bao giờ cũng có nhiều thành phần. Có những khán giả tinh túy là giảng viên, học sinh nhạc viện, tiếp đến là những người yêu thích âm nhạc nghiêm túc, say mê với âm nhạc cổ điển nhưng cũng có dạng tò mò, có người đến để gặp bạn bè… Nói chung, dân chủ nên ai đến cũng được. Song, theo quan điểm của tôi, một dự án có tính nghiêm túc kinh điển đòi hỏi trình độ văn hóa cao để thưởng thức. Xã hội mình cũng đang dần khá giả và ngày càng chú trọng trong đời sống tinh thần. Đó là một bước tiến gần đến tinh hoa của âm nhạc cao quý. Khán giả đến khán phòng của Nhà hát Lớn Hà Nội đông đúc cũng khiến người nghệ sĩ hào hứng hơn. Trong chương trình này tôi không diễn độc tấu mà diễn cùng dàn nhạc, nó cũng lộng lẫy, hấp dẫn hơn nên tôi hi vọng sẽ nhận được sự quan tâm hơn của tất cả mọi người.

* Ông từng chia sẻ, đối với ông, chơi đàn tại quê hương mình không bao giờ là đủ. Vậy dự án này có phần nào làm ông thỏa lòng?

- Tôi luôn mong muốn mình có thể đưa đời sống âm nhạc Việt Nam đến gần với nhịp sống âm nhạc quốc tế. Chính vì vậy, sau khi dự án này được thực hiện ở Brazil, Nhật Bản tôi đã đưa về Việt Nam.

* Ông có quan tâm đến giá vé của chương trình lần này không? Quả là bất ngờ ở một dự án đồ sộ như thế mà vé chỉ từ 300.000  - 1.500.000 triệu đồng?

Để trở thành nghệ sĩ sẽ không chỉ cần tình cảm, trí tuệ mà hơn cả là lý trí mà lý trí thì cần học từ nhỏ đến lớn để tạo dựng sức mạnh bên trong con người. Nếu có lý trí, con người mới không xao lãng, yếu đuối vì sẽ luôn tìm được nguồn động lực để tiếp tục đi về phía trước.

- À, tôi cũng từng là khán giả, cũng từng “xì” túi ra mua vé nhiều rồi nên rất hiểu. Tôi nghĩ nếu là khán giả thường xuyên đi bằng vé mời, cho không thì chắc là đắt đấy. Nhưng tôi cũng mong khi mọi người đi mua vé, họ có thể thể hiện được sự trân trọng giá trị của nghệ thuật.

Còn khách quan, nếu so với thế giới thì vé như vậy không phải là quá đắt nhưng là cao hơn so với những lần trình diễn trước đây của tôi ở Việt Nam và cũng là cao hơn so với mức bình thường rồi đấy.

Mà thôi, tăng cao quá, thế giới người ta lại bảo Việt Nam lạm phát. Nữa là ở mình, đi nghe nhạc thì chắc kiểu gì cũng vào được thôi! (cười).

Số tôi là số cô đơn

* Có lần ông chia sẻ, khi về Việt Nam, ông thích tới Côn Đảo - nơi có hàng ngàn mộ liệt sĩ…

- Cái hồn bên trong của Côn Đảo là những âm khí, là sự đặc biệt ở nơi đây đối với tôi. Cũng giống như nghệ sĩ, khi chơi đàn phần quan trọng là nội tâm. Để trở thành nghệ sĩ sẽ không chỉ cần tình cảm, trí tuệ mà hơn cả là lý trí mà lý trí thì cần học từ nhỏ đến lớn để tạo dựng sức mạnh bên trong con người. Nếu có lý trí, con người mới không xao lãng, yếu đuối vì sẽ luôn tìm được nguồn động lực để tiếp tục đi về phía trước. Đó là cái tôi nhìn thấy, nghe thấy ở Côn Đảo.

* Nói như vậy là ông cũng sợ khi bị rơi vào sự yếu đuối?

- Có chứ. Một trong những biểu hiện lúc yếu đuối của tôi là tôi thích đi chợ. Đi ra chợ để mua những thứ mình chả dùng đến bao giờ nhưng cứ mua…

* Ông có thể chia sẻ bí quyết chăm sóc “đôi bàn tay vàng” của mình không? 

- Tay của nghệ sĩ chơi piano cũng như tay của vận động viên ấy mà, nó là cái đẹp của sự rắn rỏi. Để bảo vệ đôi tay bên ngoài thì không cần “son phấn” nhưng bên trong về gân cơ khớp thì rất quan trọng. Có nhiều cách giữ gìn đôi tay ngay trong chính sinh hoạt hàng ngày của mình thôi, ví dụ như uống rượu nhiều hay ở nơi khí hậu lạnh giá, nhạy cảm với thời tiết đều phải cẩn thận. Thế nên anh nào học piano mà lại kiếm cớ sợ hỏng tay, không lao động nặng là lười đấy nhé!

* Rượu ư? Ông thường uống khi nào? Có bao giờ say không?

- Tôi chỉ uống lúc vui, uống vừa độ để không làm ảnh hưởng đến độ chuẩn của tay và không uống trước khi diễn.

* Một người xa quê, đôi khi “mất dấu” hương vị Tết cổ truyền?

- Ở Việt Nam, có lẽ thích nhất là thời điểm Tết, nhiều đồ ăn đến mức “quá thực cực thận”. Thực ra, ở Canada nơi tôi ở vẫn có cành đào vào dịp Tết đấy. Ở đây, họ cũng ươm giống cây rồi trồng trong nhà kính nhưng để mua được thì khổ hơn, phải đặt trước cả tháng may ra mới có, nhất là muốn có những cành đào có “dáng chuẩn” theo ý mình. Ngoài ra thì Tết ở đây vẫn có dưa hành và cả muối vừng nữa. Nhưng làm muối vừng hơi phức tạp, lại không thơm được như ở nhà. Trước, tôi cũng thích ăn nem mỗi dịp Tết nhưng năm nay tôi sợ “dính dáng” nhiều đến dầu mỡ nên sẽ chuyển qua ăn nộm.

* Ông có tin vào số phận hay tử vi?

- Thời trẻ bồng bột tôi cũng đi coi bói, quan tâm kiểu tò mò mà. Nhưng giờ U60 rồi, còn muốn biết gì nữa? Tự tôi đoán cũng được. (Cười lớn).

Xem tử vi thì khá hay. Tôi thích tìm hiểu mối quan hệ giữa tử vi và nghệ sĩ để áp dụng cho công việc. Tử vi là xem sao xấu, sao tốt, giúp mình hiểu tính cách của mình hơn, biết mình thuộc dạng người gì, tính cách thế nào nên khi biết được những cái đó thì mình sẽ biết lựa chọn những chương trình biểu diễn phù hợp cho mình hơn, từ nội dung, hình thức biểu diễn, cách tổ chức…

* Thế tử vi nói “số” ông thế nào?

- Tôi ấy à? Nói ra đừng giật mình nhé: nào là mệnh vô chính diệu (không có sao chính), đào hoa thủ mệnh (chẳng được hưởng gì). Hiểm nhất, số tôi là số cô thần quả tú (cô đơn). (Cười lớn). Nhưng đây lại là cái quan trọng cần thiết nhất đối với người nghệ sĩ nên tôi chấp nhận.

Thực ra tôi thích xem tử vi kết hợp xem tay, xem tướng, xem cách đi. Còn dần dần những thứ này mình cũng có thể nghiệm từ cuộc sống ra thôi mà.

* Nhưng ông cũng thật may mắn vì sinh ra trong gia đình âm nhạc, bởi một bà mẹ có tình yêu âm nhạc trở thành “huyền thoại”, tuy đã ngoài 90 tuổi vẫn tràn đầy tình yêu đối với âm nhạc, vẫn lên sân khấu chơi Chopin…

- Quả thật là hạnh phúc khi có mẹ. Tôi cũng mong là có tí gen của mẹ để đến tuổi của bà, tôi vẫn chơi được đàn. Mà cũng chỉ cần chơi được đàn ở tuổi đấy là tốt lắm rồi, không nhất thiết là phải chơi Chopin nữa.

* Giao thừa này, ông sẽ chọn nơi nào để đón Tết?

- Lúc đó, tôi đang ở trên máy bay từ Amsterdam về Montréal sau chuyến lưu diễn tại Hà Lan.

* Người ta thường e sợ tuổi già, mà tôi thì đồ rằng, tuổi tác với nghệ sĩ còn đáng sợ hơn?

- Với tôi, giữ được cái thần nhạc, hơi nhạc trẻ trung là điều quan trọng hơn cả vẻ bên ngoài.

Bình thường, ở tuổi già, người ta có sự chín chắn và tìm được sự bình thản bên trong mà tuổi trẻ bồng bột không có được nên hạnh phúc lớn lao là mình biết chế ngự, kiểm soát nội tâm. Vậy nên, dù ở tuổi nào thì việc làm thế nào để giữ được tâm hồn trẻ trung mãi mãi mới là điều khó.

* Là nghệ sĩ danh tiếng, ông có thích được… khen ngợi, ca tụng?

- Tôi khá tỉnh táo khi nghe khen đấy nhé. Ai khen thật lòng, ai khen xã giao là tôi biết hết. Nhớ lại hồi học lớp một ở nơi sơ tán, tôi có làm một bài văn mà sau này bố đã giữ lại làm kỷ niệm. Đấy là bài văn tả gà. Tôi đã rất chân thành mà nói rằng tôi nuôi gà “lời” như thế nào khi vừa được chơi, vừa được ăn lại còn bán được tiền nữa (chờ đến Tết vỗ béo rồi đem đi bán). Tôi tỉnh táo từ bé rồi nên đó có lẽ cũng là lời khen đúng với tôi nhất. Người ta cứ tưởng mình mơ mộng nghệ sĩ chứ mình rất thực tế!

* Bản thân ông có hài lòng với năm 2012 của mình và mong muốn gì ở một năm mới?

- Năm 2012 tôi đã làm được một số việc lớn như tham gia làm giám khảo ba cuộc thi tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, dự án De Bussy Festival về độc tấu, dự án Marathon Beethoven tại Nhật Bản, Brazil. Nhưng dự án mà tôi thấy hạnh phúc hơn cả là thực hiện ghi hình một chương trình tài liệu với Đài SHK (Nhật Bản) tại khu vực động đất và nơi bị nhiễm phóng xạ Fukusima. Đây là nơi tôi có nhiều gắn bó, đĩa đầu tiên thu âm tôi cũng thực hiện ở đây. Và giờ quay lại đây, trong một hoàn cảnh khác, tận mắt chứng kiến cuộc sống nơi đây sau thảm họa tôi thật sự xúc động. Tôi đã gặp gỡ các em nhỏ tản cư đang học đàn, tìm niềm vui trong âm nhạc để tiếp tục học trở lại ở nơi đây. Tôi đã nghe các em đàn rồi diễn cùng các em. Điều hạnh phúc mà tôi cảm nhận được là tôi đã đóng góp được phần nhỏ đem lại niềm vui tinh thần cho các em. Chương trình tài liệu này sẽ được phát trên toàn cầu năm 2013, phát sóng tại Việt Nam ngày 18/2/2013.

Sang năm 2013, tôi tiếp tục với các dự án như sang biểu diễn từ thiện cho Nhạc viện Tchaikovsky, qua Nhật Bản làm giám khảo quốc tế, rồi trại hè ở Pháp… Có thể lại có thêm chương trình ở Việt Nam nữa.

* Câu chúc đầu năm mới của ông với mọi người thường là câu nào?

- Còn phụ thuộc vào đối tượng tôi gặp là ai. Như người già mình sẽ chúc họ sống lâu trăm tuổi còn người trẻ thì phải là Xuân này xanh hơn Xuân trước…

* Còn câu chúc nào của mọi người dành tặng mình ông thích nhất?

- Quý nhân phù trợ!

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị!

Ngọc Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm