27/02/2009 16:35 GMT+7 | Âm nhạc
NSND Đặng Thái Sơn qua nét vẽ của họa sĩ Còm |
Cuộc trò chuyện trong một chuyến anh về biểu diễn tại Việt Nam đã để lại những ấn tượng đặc biệt với chúng tôi. Hầu như không có bóng dáng của một nghệ sĩ đã từng giành giải Nhất cuộc thi âm nhạc quốc tế Chopin lần thứ 10, cũng là người châu Á đầu tiên được mời làm Giám khảo Concours Chopin năm 2005, mà là một người đàn ông Việt Nam cởi mở, thân thiện, dí dỏm và dịu dàng, tạo cảm giác hết sức gần gũi.
* Những năm gần đây, khán giả yêu âm nhạc Việt Nam được gặp NSND Đặng Thái Sơn nhiều hơn. Liệu có phải đến tuổi nào đó thường người ta có tư tưởng trở về chốn cũ?
Theo tôi bao giờ cũng thế. Cuộc đời giống như vòng tròn. Có lông cánh thì bay nhảy, nhưng đến một lúc nào đó sẽ thấy, hay đúng hơn là bắt đầu những dự cảm. Giờ má tôi đã nhiều tuổi, bà đã ở tuổi 90, mà tôi thì đi tour biểu diễn suốt.
Một năm có 12 tháng thì tôi đi hết 6 tháng, không có người trông nom má cũng ngại. Vì thế, cũng có thể tôi đưa má tôi về Việt Nam ở cùng anh chị, sau đó, dần dần tôi cũng sẽ về. Tất nhiên là phải đến một ngày nào đó tôi hết bay nhảy.
* Với truyền thống của người Việt Nam là quan tâm đến người mà mình yêu mến, không ít người băn khoăn khi thấy người đại diện duy nhất của Việt Nam về nhạc giao hưởng trên trường quốc tế vẫn "một mình"? Chẳng lẽ, ngần ấy thời gian mà không có bóng hồng nào lọt được vào mắt anh?
(cười to) Sợ nhiều hồng quá người ta lại bảo ngày lắm mối tối nằm không! Nói vậy chứ trong nghệ thuật bao giờ mình cũng đẩy ra rất nhiều năng lượng, thì có lúc mình cũng phải nạp điện và phải giữ gìn cho mình, chứ không thì mất cân bằng và có thể chết được.
Mỗi người có một sự lựa chọn riêng. Nếu muốn cuộc sống phẳng lặng thì sẽ không chọn nghề bão táp như tôi hiện nay. Nhiều người cứ bảo tôi sướng, nhưng thực ra, trách nhiệm rất lớn.
Mỗi năm, trong piano, có khoảng 600 Concours với bao nhiêu người tài xuất hiện, mà mấy chục năm qua mình vẫn giữ được như thế này, thì phải hy sinh rất nhiều trong đời tư, chịu sự cô đơn. Nhưng trong nghệ thuật, sự cô đơn bao giờ cũng có cái được kèm theo. Nếu nghệ thuật mà lúc nào cũng vui vẻ, đẹp đẽ và trôi chảy thì nhạt lắm, chẳng nói được gì cả. Thế nên tôi phải chấp nhận.
* Anh là người con rất hiếu thảo với mẹ - NSND Thái Thị Liên. Liệu mẹ có là hình ảnh người phụ nữ choán quá nhiều trong cuộc sống của anh đến mức khiến anh cảm thấy không cần một người phụ nữ khác không?
Thực ra, má tôi phải lo toan một mình từ bé, tất cả gánh nặng thuộc về má, cả từ thời chiến tranh, nhưng má tôi lại không như những người mẹ Việt Nam khác, là thường chỉ bảo cho con cái trong cuộc sống phải cư xử như thế nào. Điều này, má tôi hoàn toàn rất ngây thơ, vì bà được giáo dục theo phương Tây từ nhỏ.
Tôi lớn lên, có những cái tôi rất mơ hồ, thì lúc đó lại có những người bạn gái hơn tuổi, đã có kinh nghiệm sống giúp đỡ, và tôi lại thấy hợp người ta hơn, gần hơn vì người ta thay thế những cái mà mẹ trước kia không có. Cây đàn này mới là người bạn mà mình có thể nói 100% những gì mình muốn nói, cởi mở hoàn toàn 100% những gì mình có thể chia sẻ được.
* Các cô gái phương Tây có nhiều điểm mạnh về sự thẳng thắn. Vậy anh nghĩ sao về các cô gái Việt Nam?
Bạn đời thì tôi không bao giờ nghĩ, vì bạn đời là phải làm cho cả mình và người ta thoải mái, để có hạnh phúc thì mới có thể kết hôn. Tôi có rất nhiều người bạn mà càng ngày tôi càng thích gần. Chỉ có phụ nữ mới có sự nhạy cảm rất khác, rất gần với nghệ thuật. Càng ngày tôi càng thích những người có sự nhạy cảm. Tất nhiên, ở nước ngoài mình có nhiều người bạn phương Tây.
* Sự ảnh hưởng của các kênh truyền thông có ảnh hưởng đến sự phát triển của âm nhạc không, thưa anh?
Rất nhiều. Đặc biệt những năm gần đây truyền thông phát triển như vũ bão. Ai cũng có thể cho video lên, tạo ra những cuộc biểu diễn của những người nổi tiếng, vì thế, mất cả bản quyền. Trong khi đó, kỹ thuật truyền thông hiện nay mang tính chất dân chủ nhiều.
Chẳng cần người phê bình chuyên nghiệp. Xem âm nhạc về ai cũng có thể phê bình âm nhạc, còn sử dụng thế nào là chuyện khác. Mạng Internet và truyền hình cũng làm mọi người xích lại, tôi ngồi ở nước ngoài nhưng qua màn ảnh tôi cũng có thể dạy được ở bên này.
* Một câu hỏi hơi riêng tư một chút: Anh có điều gì cảm thấy không hài lòng không?
Lúc nào không hài lòng lại sụp lạy các cụ và tôi lại có cảm giác thoáng suốt trong người. Không phải mê tín mà là có một sức mạnh nào đó mà khoa học chưa giải thích được.
* Anh là người Việt và có quốc tịch nước ngoài…?
Tôi giữ 2 quốc tịch từ thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng dành cho những trường hợp đặc biệt. Ba tôi dặn, không bao giờ được quên gốc gác của mình. Giờ tôi đã có cuộc sống mới, nhiều khi nghệ sĩ nước ngoài như thế thường cầu kỳ và khó tính, nhưng ba tôi dặn, gốc nhà mình là chân thành và giản dị, mộc mạc, nên tôi luôn nhớ lời ba tôi và vì thế đã cho tôi những khả năng chịu đựng lớn hơn.
Ai cho tôi nhung lụa tôi cũng không từ chối (cười lớn), nhưng khi gặp những gì không đúng lắm, mình cũng không bực bội, khó chịu.
* Là người đã rất thành công với những dấu mốc thế giới thừa nhận. Anh còn những dự định nào khác muốn vượt qua trong cuộc đời?
Nếu chỉ ngồi mà đếm với cộng những gì trong quá khứ và tự cảm thấy hài lòng thì sẽ không giúp được gì trong tương lai. Cho nên, cứ làm theo sức mình. Đây là một sự lựa chọn, vì trong nghệ thuật không thể đơn giản thấy một người nghệ sĩ nổi tiếng là tưởng cứ tự dưng người ta nổi tiếng.
Có người chỉ có một số phần trăm về tài năng, còn đằng sau là sự may mắn và một êkíp đưa người ta lên thành nổi tiếng, tiền bạc, thế lực… những thứ chẳng dính dáng gì đến âm nhạc cả. Cái lựa chọn của tôi là cái nào làm cho mình vui nhất phải là có giá trị thực. Còn lên được đến đâu, mọi người cho thì nhận, chứ không phải mình không được thì quýnh lên vì những chuyện đó.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất