21/07/2010 20:58 GMT+7 | Người Hà Nội
Không chơi đàn tôi không biết làm gì
* Ông có thể kể về nơi mình đã sinh ra?
- Tôi sinh năm 1958, tại Bệnh viện C, Hà Nội. Nhà tôi ở số 28 Tống Duy Tân, trước đây còn gọi là phố Kỳ Đồng. Đây là một villa của Pháp ngày xưa, sau đó thuộc về một tư nhân. Gia đình tôi thuê lại một căn gồm 2 phòng trên tầng 3. Villa gồm 6 hộ trong đó có 3 hộ người Hoa. Diện tích hai phòng chỉ khoảng 20m2, có lần khi quay lại thăm ngôi nhà này, tôi giật mình vì không thể tin được rằng sao nơi sinh sống của 5 con người lại nhỏ bé đến thế.
Hồi ấy, tôi có một sở thích là nuôi gà. Vì những năm đi sơ tán, hằng ngày tôi được trồng cây, nuôi gà và thế là tôi trở nên mê gà từ lúc nào không hay. Năm 1970, lúc 12 tuổi, từ nơi sơ tán trở về, tôi đã làm một cái chuồng gà trong nhà mình. Vì ở nhà chẳng có gì chơi nên việc tôi nuôi gà ngoài hành lang trở thành một “sự kiện” đến nỗi bố mẹ tôi cãi nhau. Bố tôi sợ cho tôi chơi ở ngoài lan can sẽ rất nguy hiểm, nhất là những ngày mưa trơn. Hơn thế nữa, mình không chỉ thích cho gà ăn mà còn muốn chơi với nó, mà nhiều khi thả nó ra, nó đi trên lan can rồi còn bay xuống dưới. Nghĩ lại, nếu lúc ấy mình mà chạy theo vồ bắt nó chắc cũng đi tong. Chuyện cho gà ăn với tôi cũng thú vị vì ở dưới nhà tôi lại là nơi bán gạo và nhiều lần tôi ôm gà xuống dưới đó, “lới lơ” với mấy bà bán gạo để gà được ăn miễn phí mà không phải lo lắng gì cho nó.
Cũng như nhiều nhà thời đó, nhà tôi nấu bếp ngoài hành lang, khu vệ sinh chia đôi với láng giềng, điện nước thiếu thốn. Nước phải xách từ dưới nhà lên để dùng.
Nhờ có những năm đi sơ tán nên 7 tuổi tôi đã biết nấu cơm khi mẹ đi làm. Nấu cơm thời đó cũng không được tiện nghi với bếp ga, bếp điện như bây giờ. Hồi ấy dùng lá tre, lá sắn với rạ. Mỗi lần nấu là dùng tay đẩy vào bếp để cháy. Rồi đến khi cơm cạn nước, còn phải biết cách ghế để cơm không bị cháy, bị khê.
* Cuộc sống của ông ở nơi sơ tán đã diễn ra như thế nào?
- Lúc sơ tán trên Hà Bắc từ 1965 - 1969, tôi sống đúng như một cậu bé nông thôn, toàn ra ngoài ruộng lao động chứ có được chơi đàn là mấy. Mà hồi đó, điều kiện cũng chỉ có một cây đàn nên mọi người phải chia nhau tập. Mỗi người chỉ được 40 phút/ngày bởi đàn thì ít học sinh thì nhiều. Thời gian còn lại là để học văn hóa.
Gia đình tôi có gen với khoa học tự nhiên hơn là xã hội (chú ruột tôi là GS toán học Đặng Đình Áng). Hồi bé tôi cũng rất thích môn toán. Cuối cấp 1 năm lớp 4 tôi đi thi toán được giải nhất xã, rồi đến nhất huyện Yên Dũng, sau đó là nhất tỉnh Hà Bắc. Lúc ấy cũng cơm đùm cơm nắm đi thi.
* Dường như những người bạn học từ thuở sơ tán của ông vẫn chơi với nhau đến tận bây giờ?
- Đúng vậy. Nhưng phải hơn 40 năm sau chúng tôi mới gặp lại nhau. Nhận ra nhau cũng bùi ngùi. Giờ thì gặp nhau thường xuyên hơn, mỗi năm mấy lần.
Người thầy Liên Xô và bản Concerto số 2 của Rachmaninov
* Cảm giác của ông khi lần đầu tiên chạm tay lên phím dương cầm? Lúc đó cây đàn đã hấp dẫn với ông chưa? Khi nào thì ông thực sự cảm thấy yêu thích bộ môn này?
- Lúc đó cây đàn như một thứ đồ chơi có âm thanh đối với tôi. Hồi đó, trò chơi của trẻ con chỉ là đánh bi, đánh xèng. Khi tiếp xúc với đàn piano, tôi tò mò khi thấy nó phát ra âm thanh, lại còn có nốt cao, nốt thấp. Rồi sau đó tôi cũng chơi được những giai điệu đơn giản và thấy chiếc đàn dần dần cuốn hút mình. Giờ đây nghĩ lại tôi thấy mình may mắn khi chọn đúng nghề sở trưởng. Bởi nếu không chơi đàn nữa thì tôi cũng không biết làm gì.
Trong nhà, tôi là người nhỏ nhất. Gia đình ai cũng chơi đàn nên đến lượt tôi, mọi người bảo nhà mình ầm ĩ quá nên không muốn cho tôi học đàn nữa. Nhưng trẻ con thì thường thích làm ngược lại với điều bố mẹ nói. Nên khi bố mẹ không thích cho tôi học đàn thì tôi lại thích và quan tâm đến cây đàn. Cuối cùng cả nhà quyết định cho tôi học đàn. Mới đầu, tôi học cũng rất tự do chứ cũng không theo bài vở gì. Chỉ đến khi đủ tuổi vào trường thì mới bắt đầu vào khuôn phép.
Sống trong môi trường âm nhạc từ khi lọt lòng như vậy nên âm nhạc thấm vào người, vào tâm trí tôi một cách rất tự nhiên. Vì thế mà tôi yêu thích bộ môn này tự nguyện, không có một sức ép nào từ phía gia đình.
* Việc ông được thầy Issac Katz phát hiện và sau đó được đào tạo chuyên nghiệp tại Nhạc viện Tchaikovsky là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời?
- Năm 1974, thầy Issac Katz, chuyên gia người Liên Xô sang giảng dạy cho giảng viên và sinh viên đại học của trường nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia) trong vòng một năm, lúc đó tôi mới 16 tuổi, là học sinh trung cấp 2.
Khi sang đây, ông Katz đã đề nghị được nghe qua tất cả học sinh, sinh viên khoa piano chơi và ông ấy đã nhận dạy tôi là một trường hợp đặc biệt. Tôi được học với thầy trong vòng 6 tháng và 6 tháng đó đúng là một bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời.
Sau khi nghe tôi chơi những bài đơn giản của trẻ con, ông ấy đổi luôn chương trình học của tôi thành chương trình đại học. Lúc đó tôi thấy choáng. Tôi không hiểu sao ông lại cho mình học như vậy. Nhưng bên cạnh đó tôi cũng thấy hăm hở, thích thú. Và sự nghiệp của tôi bắt đầu với bản Concerto số 2 của Rachmaninov (một sự tình cờ là tôi sẽ trình diễn lại tác phẩm này vào ngày 1/10/2010, nhân lễ kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long).
Phải nói Concerto số 2 là một tác phẩm khó dành cho các sinh viên đại học. Tôi nhớ hồi đó trong trường còn thiếu sách học mà bố tôi thì đang phấn khởi vì việc học hành của con nên đã tìm cách xin ngay vào thư viện quốc gia để có được bản nhạc cho tôi tập. Tôi đã học thuộc bài trong vòng hai tháng, mặc dù lúc đó cũng rất bận vì còn phải học phổ thông.
Sau đấy lại có cuộc biểu diễn đặc biệt trong trường kỉ niệm về Rachmaninov. Chương trình gồm 3 bản concerto, 2 bản do các giảng viên chơi là anh Nguyễn Hữu Tuấn (cố trưởng khoa piano), Ngô Cảnh Trướng – người gốc Hoa (nay đang ở Canada) và Tôn Nữ Y Lăng (chị gái nghệ sĩ piano Tôn Nữ Nguyệt Minh). Các bản concerto đều có phần đệm của Issac Katz (phần piano 2). Có thể thấy tên tuổi của những nghệ sĩ tham gia trong chương trình này toàn là những người cự phách của thế hệ đó.
Riêng tôi chơi cả 3 chương bản Concerto số 2 và điều này trở thành một sự kiện gây sốc của trường, vì ở thời điểm đó chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Thầy Katz đã “bốc” tôi lên và chứng tỏ cho mọi người thấy tôi ở trình độ nào. Hồi ấy vui lắm, chấn động toàn trường. Mà cũng nhờ việc này mà năm 1975 tôi tốt nghiệp và được tạo một sức bẩy rất mạnh để tôi đi học ở nước ngoài. Ai cũng biết bố tôi là nhà thơ Đặng Đình Hưng, một nhân vật “Nhân văn Giai phẩm” nên tôi cũng chẳng mơ mộng gì việc đi đâu hết. Nhưng nhờ có sức bẩy của ông Katz nên đã có một cuộc họp đặc biệt về việc này. Và kết quả tôi là trường hợp đầu tiên, “con của một Nhân văn Giai phẩm” được ra nước ngoài. Sau này, Nhà nước mở cửa, cho phép cũng như tạo rất nhiều điều kiện cho các văn nghệ sĩ đi nước ngoài. Đó là một niềm vui lớn đối với những người trong nghề.
Hồi đó, khó khăn không thể tưởng tượng được. Đi sang các nước tư bản rất khó khăn, cộng thêm việc nhiều kẻ biểu tình phản đối chống Việt Nam đã trở thành mối lo ngại lớn cho các đoàn nghệ thuật ra nước ngoài biểu diễn. Riêng chuyện của tôi thì họ không có phản ứng gì. Điều đó khiến tôi cảm thấy xúc động, vì có lẽ giá trị nghệ thuật cuối cùng đã vượt qua được mọi trở ngại.
Bởi vì tôi yêu tôi
* Ông thường làm gì để chuẩn bị tốt nhất trước mỗi buổi biểu diễn của mình? Và điều gì làm ông hài lòng nhất sau mỗi đêm diễn?
- Chuẩn bị thì ai cũng có chuẩn bị nhưng có lẽ lần nào ra biểu diễn tôi cũng cảm thấy run. Run là vì mình yêu mình quá. Bởi nếu mình chơi dở, người ta sẽ chê và điều đó làm tổn thương đến tự ái của mình. Chắc chỉ có là thánh thì mới quên đi cái sự run ấy nhưng mình là người trần nên tôi nghĩ tốt nhất là phải biết cách ngự trị được sự hồi hộp theo hướng tích cực để có thể chơi đàn bằng sự hứng thú.
Gần đây thì tôi hay dùng “chiêu” niệm thần chú. Trước giờ ra biểu diễn tôi thường dùng câu niệm “bữa nay là bữa biểu diễn cuối cùng trong đời”. Nhưng thực tế thì lần nào cũng là bữa diễn cuối cùng, đó là cách tôi đánh lừa bản thân. Vì đây là vấn đề về tâm lý nên mỗi người sẽ có một cách giải quyết riêng. Có lúc tôi lại sử dụng phương pháp thiền. Vì khi run, tim hay đập loạn và tay bị lạnh, thiền giúp mình điều hòa nhịp thở, máu lưu thông. Ngồi thiền một lúc là tay trở nên ấm dần.
Sau mỗi đêm diễn, điều hài lòng nhất đối với tôi không phải là những tràng vỗ tay. Đó sẽ không phải là thước đo cho sự thành công nếu bạn đến Nhật Bản, bởi ở đó họ không thể hiện sự tán thưởng bằng những tràng vỗ tay hay nói “bravo, bravo”. Họ chỉ nói được hay không được.
Điều khiến tôi cảm thấy hài lòng, đó là khi những mong muốn của mình được thực hiện trong đêm diễn, đó là khả năng bộc lộ bản thân của tôi đến đâu.
* Cảm nhận của ông khi được gọi là “Người được Chopin chọn”? Ông có nghĩ điều đó đôi khi khiến mọi người chỉ biết đến mình với âm nhạc của Chopin không, trong khi ông vẫn chơi nhạc của những nhà soạn nhạc nổi tiếng khác như Bach, Mozart hay Debussy?
- Có lẽ trong một xã hội phát triển, bất cứ lĩnh vực nào cũng cần đến sự chuyên môn hóa cao và tôi nghĩ trong âm nhạc cũng vậy. Ở thời Chopin, người sáng tác và biểu diễn cùng là một người, nhưng sau đó họ tách dần ra theo sở trườngng. Vì thế, họ gọi những người chuyên chơi nhạc của một nhà soạn nhạc như tôi, là Chopinist – người chơi nhạc Chopin. Tôi thấy vui vì mình là một trong những người đại diện cho Chopinist quốc tế, hơn nữa lại được chính người dân Ba Lan - quê hương của Chopin đón nhận. Họ không chỉ đón nhận mình năm 1980 mà sau 30 năm, vào Gala kỉ niệm 200 năm ngày sinh của Chopin tháng 3 mới đây, có 3 pianist toàn cầu được chọn để biểu diễn thì trong đó họ mời tôi. (Các nghệ sỹ trình diễn hôm đó gồm có Lý Vân Địch - người Trung Quốc, đoạt giải năm 2000, Garrick Ohlsson - người Mỹ, đoạt giải năm 1970 và Đặng Thái Sơn - đoạt giải năm 1980).
Tôi hiểu nỗi đau của Chopin
* Ông và Chopin có mối liên hệ nào khi hai người sống ở hai thời đại khác nhau và cách xa nhau mấy đại dương?
- Nhạc của Chopin xuất phát từ nội tâm nên chứa đựng nhiều tình cảm. Nhạc của Chopin không chỉ có một màu về cái đẹp, cái vui mà độ buồn đau cũng rất kinh khủng. Nếu ai đã từng đọc về cuộc đời của Chopin thì thấy, thuở nhỏ người nghệ sỹ tài hoa này cũng đẹp đẽ, dễ dàng và hạnh phúc, nhưng đến thời thanh niên đã suy sụp vì sức khỏe yếu. 20 tuổi, Chopin rời Ba Lan sang Pháp và sống nửa đời người trong tâm trạng nhớ xứ sở, cảm thấy bị lạc lõng vì xa quê hương. Nhưng quan trọng vẫn là vì tình hình sức khỏe của ông không đảm bảo. Tuy nhiên, trong con người ông luôn có sự tranh đấu giữa một thể chất yếu và bệnh tật với một lý trí mạnh mẽ và kiên định. Chính vì thế, chơi nhạc của Chopin cần phải hiểu được nỗi đau ẩn chứa trong sâu thẳm tâm hồn nhà soạn nhạc này. Âm nhạc của Chopin không phải là thứ âm nhạc hào nhoáng mà có những lúc rất gần gũi, thân mật.
Tôi nghĩ mình đến với âm nhạc của Chopin như thuận theo số trời. Mẹ tôi (nghệ sĩ piano Thái Thị Liên) cũng là người rất thích nhạc của Chopin. Khi còn đi sơ tán, vào những đêm yên tĩnh, trong bóng tối, mẹ tôi chơi đàn dưới ngọn đèn dầu những tác phẩm nhỏ như Mazurka, Nocturne của Chopin. Tôi nghe và đã yêu thích từ đấy. Nhưng lúc đó điều kiện học thiếu thốn đủ thứ. Sách nhạc thì ít mà băng đĩa thì không có. Cho đến Concour Chopin năm 1970, khi mẹ tôi được mời sang làm khách tham dự, nhờ chuyến đi ấy của mẹ mà tôi mới có sách, có băng đĩa để học. Vậy là ngày đêm tôi chơi nhạc Chopin và âm nhạc của Chopin thấm dần vào máu mình từ đấy. Đó là một trong những bước quan trọng trong sự nghiệp của tôi.
* Và cuối cùng ông đã là “Người được Chopin chọn” và số phận đã gắn ông với Chopin…
- Tôi không nói đến mối liên hệ giữa tôi và Chopin nhưng tôi tự thấy mình có những điểm gần gũi với ông ấy. Ví dụ như chiều cao của tôi và Chopin tương đương nhau (1m60). Bàn tay của ông ấy và bàn tay của tôi cũng có kích thước như nhau. Nhờ những điểm tương đồng đó mà cách viết nhạc của Chopin đã đem lại nhiều thuận lợi cho tôi. Đó là về mặt kỹ thuật. Về tinh thần, ai cũng biết hồn nhạc của Chopin đầy chất thơ, lãng mạn, tinh tế và tế nhị. Và cách đàn của tôi cũng gần với sự lãng mạn.
Nhưng điều quan trọng hơn cả là mình thấm được cái đau của Chopin. Suy cho cùng, cuộc đời của tôi không được thuận lợi so với các nghệ sỹ quốc tế khác. Sự trắc trở diễn ra từ cuộc sống hàng ngày đến những phức tạp trong gia đình. Gia đình tôi có nhiều luồng văn hóa khác nhau. Mẹ tôi sinh ở Sài Gòn, học trường Tây nên chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, còn bố lại là người rất truyền thống. Tôi cũng không hiểu tại sao hai ông bà lại lấy nhau, nhưng cuộc sống gia đình có nhiều mâu thuẫn. Năm 1976 là một năm định mệnh, vì khi quyết định cho tôi đi học nước ngoài, bố mẹ tôi đã ly dị. Tôi vẫn còn giữ tờ giấy li hôn của tòa, trong phần phân chia tài sản ghi rõ cha tôi được cái xe đạp thiếu nhi, mẹ tôi thì được mấy cái xoong nồi…
Được gặp thầy là điều quan trọng
* Việc được thầy Issac Katz phát hiện với việc đoạt giải Chopin 1980 thì điều nào đối với ông quan trọng hơn?
- Tôi nghĩ rằng lúc đó mà không có thầy Katz thì tôi chẳng làm được điều gì hết. Mình mà có đi thi thì cũng chỉ cầm “cái rọ không” về mà chẳng đoạt được giải thưởng nào. Ông ấy đã làm cho tôi tin tưởng vào khả năng của mình, rằng tôi sẽ trở thành một nghệ sĩ biểu diễn tầm cỡ quốc tế. Dù lúc đó tôi chưa hoàn thiện nhưng cũng đã bộc lộ được tiềm năng.
Trước đây, mẹ tôi từng là một giáo viên piano nghiêm khắc. Ít có học sinh nào mà không phải trải qua sự nghiêm khắc của bà. Và trong giáo dục con cái thì bà đã dạy tôi không được kiêu ngạo và phải khiêm tốn. Tuy nhiên, có lúc tôi lại trở nên tự ti - điều này thì không tốt tí nào. Cho đến khi gặp ông Katz thì tôi mới biết mình là ai. Tôi nghĩ cho dù không có Concours Chopin nhưng được sự hướng dẫn của thầy Katz thì tôi vẫn có thể biểu diễn được ở tầm quốc tế và đoạt một giải khác. Do đó được gặp thầy với tôi là điều quan trọng hơn.
Tôi coi việc đoạt giải thưởng Chopin là một bước đệm cho sự nghiệp của mình sau này. Giải thưởng này đã đem lại một niềm tin lớn cho tôi. Không ai tin được là mình đã diễn đạt được cái nền văn hóa châu Á chuẩn như thế nào. Cũng nhờ có giải thưởng ấy mà sau này Nhà nước đầu tư rất nhiều cho các em ra nước ngoài du học ngay từ Trung cấp. Tôi rất chú ý đến chuyện này.
Tôi nghĩ tính thời điểm cũng quan trọng. Nếu tôi sinh sớm hơn thời điểm đó vài năm thì chắc cũng khó vì lúc này đất nước còn chiến tranh, kể cả có sự giúp đỡ của ông Katz thì tôi cũng chẳng có cơ hội đi đâu cả. Khi tôi tốt nghiệp năm 1975 thì đất nước cũng gần kết thúc chiến tranh và tôi đi là vừa đẹp. Còn muộn hơn thời điểm này thì chắc tôi cũng chỉ đi buôn thôi, không nên cơm nên cháo gì.
Tập đàn trong những điều kiện khắc nghiệt nhất
* Tết 1978, thời tiết tại Moskva xuống tới - 44 độ C, ông đã từng luyện tập trong những điều kiện hết sức khắc nghiệt như vậy?
- Mọi người cứ nghĩ nhiệt độ như vậy thì cũng sẽ lạnh như ở Việt Nam nhưng thực ra ở bên đó, chỉ có ra ngoài trời mới lạnh còn vào nhà lại rất ấm, nên tôi có thể tập đàn một cách thoải mái. Tôi có cảm giác ở Việt Nam, mùa lạnh còn lạnh hơn cả ở Nga vì nhiệt độ trong nhà và bên ngoài gần như nhau.
Nhưng cách đây hơn chục năm, có lần tôi cũng phải luyện tập với điều kiện thời tiết rất khó khăn. Đó là vào năm 1998 khi ở Canada xảy ra vụ bão tuyết lớn nhất trong lịch sử. Lúc ấy, tuyết rơi chậm và còn đóng băng thành những viên đá lớn khi rơi xuống. Những viên đá tuyết làm cây cối gãy đổ xuống đường, còn các mái nhà thì bị thủng. Toàn thành phố chìm trong bóng tối với một tuần không có điện. Mọi người phải di cư đi chỗ khác, hoặc chui vào các siêu thị để lánh nạn, nhưng tôi thì vẫn ở nhà. Vì lúc đó đã có lịch diễn và không thể hủy bỏ nên tôi quyết định ở lại để việc luyện tập của mình không bị gián đoạn. Một tuần không điện, không lò sưởi và rất lạnh nên tôi đã phải đeo găng tay để tập được đàn.
Song nghĩ lại, tôi thấy có lẽ những năm tháng đi sơ tán mới chính là khoảng thời gian phải học tập trong điều kiện khó khăn nhất. Vì lúc ấy, hầu như mọi sinh hoạt đều ở dưới hầm. Môi trường ẩm thấp nên đàn hay bị xịt nốt. Rồi lại còn phải giữ gìn đàn cho chuột khỏi chạy vào khe của các pedal, cắn hỏng búa đàn và lớp dạ lót bên trong. Ở nơi sơ tán, dân Hà Nội được người địa phương giúp đỡ tận tình về điều kiện ăn ở nhưng có những lúc họ không thích tiếng đàn vì sợ “tiếng đàn át tiếng bom”, ồn ào không nghe được thông báo có máy bay của địch đến để chạy xuống hầm trú ẩn. Vậy là có kẻ xui trẻ con trèo lên đàn và “bậy” lên đó. Thành ra, có những hôm khi chúng tôi vừa mở nắp đàn lên thì mùi xú uế bốc lên thật khủng khiếp. Một tay tập đàn, còn tay kia bịt mũi (cười).
Mỗi tiếng đàn tựa như một từ
* Theo ông, vì sao nhạc cổ điển lại khó hiểu với đám đông? Vì sao người Đức xếp âm nhạc có tầm tư tưởng chỉ đứng sau triết học?
- Người Đức xếp âm nhạc đứng sau triết học có lẽ cũng vì tính trừu tượng trong âm nhạc. Khi nghe nhạc, không thể đòi hỏi người nghe phải hiểu cụ thể là âm nhạc đang nói gì vì mỗi người có sự tự do trong cảm nhận riêng của mình. Điều đó thể hiện tính dân chủ cao trong âm nhạc. Và cũng vì âm nhạc không có ngôn ngữ cụ thể nên phần nào thể hiện được tính triết học ở đây.
Bình thường người ta luôn đòi hỏi người chơi đàn phải đem đến một tiếng đàn có chất hát. Tôi thì chia ra làm hai loại. Chất hát mới chỉ ở mức một, còn mức hai là tiếng đàn phải biết nói lên được. Hát là thuộc về cái đẹp. Đó là sự ngân nga, lên xuống trầm bổng. Nhưng khi “nói”, thì mỗi tiếng đàn tựa như một từ. Mà từ ở đây là triết và mình có thể triết theo cách mình muốn.
Tuy nhiên, xếp âm nhạc đứng sau triết học là với người Đức, còn không thể áp đặt điều này vào âm nhạc của Chopin được. Vì người Đức thì theo lý trí mà âm nhạc của Chopin là tình cảm.
Concours Chopin giúp bố tôi sống thêm được 10 năm
* Trong gia đình, ông chịu ảnh hưởng từ ai nhiều nhất? Từ mẹ ông - một nghệ sĩ piano hay cha ông - một nhà thơ?
- Về thời gian thì hai mẹ con luôn ở bên nhau. Trong suốt quãng đời của mình cho đến giờ, mẹ chỉ xa tôi 3 năm khi tôi ở bên Nga (từ năm 1977 - 1980). Không sống gần bố nhiều nhưng tôi chịu ảnh hưởng từ bố rất lớn. Đọc những tác phẩm của ông (Đặng Đình Hưng - PV), có những điều đến giờ tôi mới nhận ra, vì lúc nhỏ tôi chưa nhận thức được. Nếu ai đã từng tiếp xúc với những tác phẩm của bố tôi, có thể thấy thơ của ông cũng có sự tương đồng với âm nhạc về cách thể hiện qua những biểu tượng.
Phải nói thêm rằng, nhờ có Concours Chopin 1980 mà bố tôi được sống thêm 10 năm. Vì lúc ấy bố tôi bị ung thư phổi nặng, đang phải sống trong cảnh ở gầm cầu thang nhà ông bạn, không nhà không cửa mà đưa vào viện thì cũng chỉ nằm chờ chết. Đúng hôm thi concours, bố tôi vào viện. Ở nhà điện sang nói tôi thi xong phải về ngay. Lúc đó tôi tính nếu ở trong nước mà không chạy chữa được cho bố thì tôi sẽ đưa ông ra nước ngoài. Cuối cùng thì GS Tôn Thất Tùng và GS Hoàng Đình Cầu đã chữa chạy cho bố tôi sống thêm được 10 năm nữa. Concours Chopin đã đem lại nhiều thay đổi không chỉ với cuộc đời tôi mà cả gia đình tôi.
Hà Nội - “vùng của tôi”
* Ông đang sống cùng với mẹ ở Canada? Một ngày của ông diễn ra thế nào? Ngoài âm nhạc, ông có thể chia sẻ về những sở thích trong cuộc sống hàng ngày của mình?
- Mẹ tôi đang ở Việt Nam. Tôi có mua một căn hộ ở khu Golden Westlake - Hà Nội cho bà và cũng để thuận tiện cho tôi mỗi khi về Việt Nam. Vậy là tôi cũng có hộ khẩu ở Hồ Tây rồi đấy (cười). Cuộc sống tôi của về cơ bản là không theo một lịch trình nhất định nào cả. Hồi trẻ, tôi thích dậy muộn và tập đàn khuya. Nhưng bây giờ thì đã thay đổi. Tôi thường tập đàn vào buổi sáng để cảm thấy yên tâm nếu sau đó mình phải thực hiện những hoạt động khác. Chiều tôi thường dạy học. Khi nào đi lưu diễn thì sau đó về nhà dạy bù, lúc ấy thì dạy liên tục.
Trước đây mẹ đã giúp tôi rất nhiều nhưng năm nay mẹ tôi đã 93 tuổi nên mình phải biết làm nhiều thứ hơn. Thế nên tôi cũng biết đi chợ mua đồ ăn thức uống. Về khoản nấu ăn tôi không giỏi lắm nhưng tôi biết “phán”. Tôi thích làm những món đặc biệt khi nhà có bạn bè đến chơi. Còn bình thường thì chỉ làm những món nhanh mà đảm bảo dinh dưỡng. Một bữa cơm đơn giản của tôi chỉ cần có rau chần, sốt với nước chấm ngon là được. Đồ ăn của xứ mình ngon lắm, tôi về có mấy hôm mà tăng ký đây này (cười).
Sau một ngày làm việc, tôi thường mò mẫm lên Internet. Tôi cảm giác một ngày không vào mạng thấy bứt rứt thế nào ấy. Tôi rất thích trang Youtube và thấy nhờ có những phương tiện này mà bây giờ ai học nhạc cũng đều rất thuận lợi.
* Ông nghĩ sao về Hà Nội?
- Thay đổi nhiều và nhanh. Mỗi lần về là mỗi lần khác.
* Ông thường làm gì khi về Hà Nội?
- Lần nào về cũng ngắn ngủi thôi nhưng tôi đều qua lại những nơi là kỷ niệm thời thơ ấu. Tôi gọi đó là “vùng của tôi”. Bây giờ thì thấy tất cả đều nhỏ xíu trong mắt mình. Mà cũng khác trước. Vì giờ ngôi nhà trước kia tôi ở cũng đã là một nhà hàng. Trước đây, sau nhà tôi có đường tàu hỏa. Hồi ấy, trước khi tàu vào ga thì chỉ có rú còi thôi, không như bây giờ, có nhiều ký hiệu. Mà mỗi lần tàu chạy qua thì rung cả nhà lên. Tôi ghé qua cả công viên mà hồi bé thường ra đó chơi. Ngày
xưa nhà chật mà trẻ con thì cần có không gian để vui chơi nên toàn ra công viên chơi nhặt búp đa, hoặc lang thang ra tới tận cầu Long Biên. Rồi những đêm lạnh,
tôi nhớ đến những tiếng rao của người bán rong “chí mà phù, lục tàu xá” đi qua nhà. Tiếng rao của người ta hay lắm.
Tôi còn trở lại cả nơi sơ tán, lần đầu là ngay sau năm 1980. Hồi ấy vẫn còn nghèo, chỉ toàn đồi sắn mênh mông, tôi gặp lại cả ông bà chủ nhà khi tôi ở đó. Lần về ấy, hãng NHK (Nhật Bản) cũng xuống đó làm phóng sự.
Sau 10 năm tôi trở lại đó lần nữa thì đời sống đã được cải thiện, nhà mái ngói mọc lên nhiều hơn. Đó là một điều đáng mừng nhưng với riêng một người nghệ sĩ như tôi thì kỷ niệm vẫn là hình ảnh của những đêm trăng, không có điện, không gian hoang sơ nhưng có tiếng trẻ con hát hò, thấy được hương vị đồng quê, có cả núi và “sông Thương nước chảy đôi dòng”, ôm thân cây chuối tập bơi và bắt cua đồng khi trời nắng.
Tôi đã chứng minh được mình
* Năm 1984, ở tuổi 26, ông là một trong những người đầu tiên được phong tặng NSND. Ông nghĩ sao khi mình là NSND trẻ nhất trong lịch sử?
- Tôi nghĩ đấy không phải là cái đích đối với một người nghệ sĩ mà quan trọng là những việc làm tiếp theo của người nghệ sĩ đó là gì? Lúc đó có nhiều luồng phản ứng, nói tôi còn quá nhỏ và quá trẻ. Đây cũng là một quyết định mạnh bạo của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhưng thời gian từ 1984 đến nay tôi đã chứng minh được mình là người như thế nào.
* Xin cảm ơn NSND Đặng Thái Sơn!
Lưu Ngọc Minh - Trần Thế Vinh (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất