29/10/2019 07:03 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Tối qua 27/10 tại Hà Nội, nhà đấu giá Chọn’s đã gõ búa thành công tác phẩm Thủy điện Thác Bà (bột màu, 43,5cm x 118,5cm, 1975) của Bùi Trang Chước với giá 744.480.000 đồng (32.000 USD). Với nhiều người thì đây là một kết quả bất ngờ, nhưng với tầm cỡ lớn lao của Bùi Trang Chước (1915-1992), tác giả Quốc huy Việt Nam, thì đây là một sự tái khởi động dễ chịu, vì tương lai tác phẩm của ông sẽ còn tăng giá nhiều hơn nữa.
Ngày 27/4/2004 tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 (Hà Nội, đã khai mạc triển lãm về Bùi Trang Chước, với 1.000 tác phẩm được trưng bày. Đây được xem là một phần diện mạo của Bùi Trang Chước, nếu xét về số lượng, có thể xếp ông vào số ít những họa sĩ đồ sộ nhất của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Với mỹ thuật Việt Nam hiện đại, ông là “khai quốc công thần”, đặc biệt trong các lĩnh vực thiết kế quốc huy, tiền, tem thư, huân chương và huy chương.
Từ các bộ tem nhiều người biết
Theo một số liệu, Bùi Trang Chước có ít nhất 68 mẫu tem đã được đưa vào sử dụng; chưa kể mỗi mẫu gồm nhiều loại. Nhiều người còn cho biết ông còn vài mẫu tem phát hành thời Pháp thuộc tại Đông Dương… nên con số có thể hơn 100 mẫu.
Bộ tem anh hùng Mạc Thị Bưởi phát hành ngày 3/11/1956 của Bùi Trang Chước gồm 4 loại mệnh giá đang đắt giá nhất Việt Nam. Một thời gian dài - vì sự khan hiếm - bộ tem được lùng kiếm tại Việt Nam và tại nhiều nước trên thế giới. Hầu như diễn đàn tem quốc tế nào cũng từng đề cập, giao dịch đến bộ tem này.
Mấy năm gần đây, độ khan hiếm không còn như trước, vì người ta tìm ra một kho lưu trữ còn lưu giữ được, cũng như nạn tem giả tinh vi xuất hiện. Tuy vậy, đây vẫn là bộ tem đắt giá nhất Việt Nam, các con tem lẻ có giá dao động từ vài triệu cho đến cả chục triệu đồng, những trường hợp đặc biệt thì lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng, thậm chí nhiều hơn, nếu chúng là tem bộ trên lá thư đặc biệt của những nhân vật quan trọng, thư đã gởi mà chưa được bóc để đọc…
Trong các tem thời kỳ trước 1945, Bùi Trang Chước còn gây ấn tượng sâu đậm về tính thẩm mỹ với lễ tế Đàn Nam Giao, vua Bảo Đại, Nam Phương hoàng hậu, Hoàng thân Norodom Sihanouk, nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes, bác sĩ Yersin, nhà sinh vật học Ernest Doudart de Lagrée, phi công Roland Garros, hội chợ Sài Gòn, ký túc xá Đại học Đông Dương… Trong giới sưu tập quốc tế và Việt Nam, đây là những mẫu tem quý hiếm, giá cao, rất được săn lùng.
Vì khả năng thiết kế hiện đại và có tính ứng dụng cao, đầu năm 1956, Bùi Trang Chước được nhà nước đặt vẽ tiền giấy. Những mẫu tiền mệnh giá 1 đồng, 5 đồng đến nay vẫn là những mẫu tiền đẹp, được giới sưu tầm săn đón. Từ ngày 10/10/1954 cho đến lúc nghỉ hưu năm 1976, Bùi Trang Chước là họa sĩ vẽ tiền tại Vụ Phát hành thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Đến các tác phẩm còn ẩn tàng
Bức tranh Thủy điện Thác Bà mà Chọn’s vừa đấu giá là một trong rất nhiều tranh của Bùi Trang Chước còn hiện diện. Gia đình cho biết còn giữ nhiều tranh bột màu, màu nước và sơn khắc của ông. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có lưu giữ bức sơn khắc Công trường xây dựng khu gang thép Thái Nguyên (1962), chủ đề tuyên truyền, nhưng ông vẽ có hồn cốt riêng, ít theo xu thế chung.
Về vật liệu sơn khắc, có thể nói ông là một trong số ít cá tính nổi bật của Việt Nam. Nhà phê bình Quang Việt từng nhận định: “… nếu kể tên các họa sĩ chuyên sâu vào nghệ thuật đồ họa, dành cả cuộc đời cho đồ họa, đặc biệt cho nghệ thuật tranh sơn khắc - thì ta hầu như không kể được nhiều, ngoài một số tên tuổi quan trọng như Nguyễn Khang (một trong những người mở đầu cho nghệ thuật tranh sơn khắc Việt Nam), Công Văn Trung, Huỳnh Văn Thuận, Thái Hà, Doãn Tuân, Trần Hữu Chất và Bùi Trang Chước (hoặc thêm một số họa sĩ khác nữa như Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Văn Trường, Nguyễn Trọng Hợp, Trần Việt Sơn, Nguyễn Nghĩa Duyện, Vũ Tư Khang)…”.
Trong vài trò giảng viên mỹ thuật, ông đã có nhiều học trò xuất sắc như Trần Lưu Hậu, Mai Long, Trịnh Phòng, Ngô Tôn Đệ, Đào Đức, Ngô Mạnh Lân, Thục Phi, Lê Lam, Ngọc Linh, Trịnh Kim Vinh, Nguyễn Thế Vỵ…
Quang Việt viết thêm: “Một bức tranh mà thiếu chi tiết thì dễ bị thiếu đi sự sinh động, tính tự nhiên, khó tạo ra được sự vững tin ở người xem. Nhưng ngược lại, một bức tranh mà thiếu đi đại thể thì người xem thậm chí không hiểu nó muốn nói lên cái gì cả. Bởi vậy, một bức tranh có đẹp, có hay, suy cho cùng, phải có cả hai cái đó. Một trong những họa sĩ tiêu biểu mà ta có thể dẫn ra cho chủ đề này chính là Bùi Trang Chước”.
Chính những điều này mà việc tái xuất hiện, rồi gây ấn tượng, tạo sức nóng về giá bán từ các tác phẩm của Bùi Trang Chước là có thể nhìn thấy trước được.
Ngày 27/2/2004, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn thông báo ý kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải tại cuộc họp về việc xác định tác giả vẽ mẫu Quốc huy Việt Nam như sau: "Mẫu Quốc huy Việt Nam là một cống hiến chung của giới mỹ thuật Cách mạng Việt Nam, trong đó phải kể đến công lao của họa sĩ Bùi Trang Chước - người đã vẽ những mẫu Quốc huy để làm cơ sở lựa chọn, hoàn thiện, và họa sĩ Trần Văn Cẩn - người đã chỉnh sửa, hoàn thiện mẫu Quốc huy theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo để trình Quốc hội phê duyệt”. |
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất