19/04/2013 07:02 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Danh họa Hà Lan Rembrandt (1606-1669) là một trong những họa sĩ nổi tiếng nhất thế giới, với những họa phẩm khiến người ta mê mẩn. Tuy nhiên một cuốn sách tiểu sử về ông vừa ra mắt mang tựa đề Rembrandt sẽ giúp độc giả thấy được những khía cạnh đen tối của người họa sĩ này: tính tình gắt gỏng, sự không chung thủy trong quan hệ tình cảm và cuộc sống đầy bi kịch
1. Cuộc đời của Rembrandt trải dài trong thời kỳ đỉnh cao của Kỷ nguyên Vàng, khi đó xã hội Hà Lan ngập trong kim tiền của giới quý tộc và trưởng giả, nhiều người không tiếc tiền đầu tư cho các tác phẩm nghệ thuật. Cuốn sách mới này nêu bật cả khía cạnh xã hội và lịch sử của Hà Lan thời đó.
Cuốn sách này được phát hành đúng vào thời điểm họa phẩm nổi tiếng nhất của ông là The Night Watch được đưa trở lại Bảo tàng Quốc gia Rijksmuseum ở Amsterdam, khi bảo tàng được mở cửa lại sau 10 năm tu bổ.
Các nhà chức trách Bảo tàng Rijksmuseum đã ủy quyền cho nghệ sĩ Typex (50 tuổi) viết cuốn sách trong quá trình tu bổ bảo tàng. Cuốn sách đã nêu những nét nổi bật trong cuộc đời và tác phẩm nghệ thuật của Rembrandt, trong đó có cả nhân vật chính ở giữa bức tranh The Night Watch: nhà lãnh đạo quân sự Frans Banning Cocq. Banning Cocq từng chất vấn Rembrandt về một cô gái Hà Lan 18 tuổi mà nghệ sĩ đã ngủ với cô ta. Về sau cô gái này lại dùng rìu bổ chết người tuyển dụng cô làm việc.
Typex được ca sĩ Australia Nick Cave mô tả là “nghệ sĩ Hà Lan vĩ đại thứ hai chỉ sau có Rembrandt”. Theo kế hoạch, Typex định dành 5 năm để viết sách. Song ông đã “ép” thời gian xuống còn 2 năm rưỡi để viết và vẽ tranh minh họa cho cuốn sách, với cường độ làm việc 14 tiếng mỗi ngày.
“Tôi đã đọc cả một tủ sách viết về Rembrandt, ghi chép rất nhiều và sau đó tiến hành công việc. Chúng ta có nhiều điều chưa biết về Rembrandt. Những gì mà chúng ta biết được chỉ là những giấy tờ chính thức về tình trạng hôn nhân, cái chết của ông và các hợp đồng tài sản” - Typex cho biết.
Cuốn sách mới của Typex được viết dựa theo các giai thoại về Rembrant, trong đó phần nào giải thích tại sao càng về sau này ông lại càng hay vẽ các bức chân dung tự họa hết sức đen tối.
Trong sách có đoạn viết: “Anh sẽ không bao giờ bán được tranh nữa khi cứ liên tiếp vẽ các bức chân dung tự họa. Em vô cùng lo lắng” - Hendrickje Stoffels, người tình lâu năm của Rembrandt nói.
Vợ, các người tình, con cái và thậm chí cả những đối thủ cạnh tranh nghệ thuật lần lượt qua đời khiến Rembrandt ngày càng hay sinh sự. “Ông gặp nhiều bi kịch. Những người xung quanh ông đều qua đời. Rembrandt đã phải sống trong cô đơn” - Typex cho biết.
2. Cuốn truyện này còn nhắc đến người bạn và đối thủ của Rembrandt là Jan Lievens. Trong những năm 1660, Jan Lievens thành công thương mại hơn Rembrandt.
“Giờ là những năm 60 (1660). Khách hàng là thượng đế” - Lievens từng nói với Rembrandt.
Sách cũng đề cập tới nhà buôn nghệ thuật Hendrick van Uylenburgh, người đã góp phần tạo dựng sự nghiệp cho Rembrandt. Ông từng nói với họa sĩ rằng: “Đầu tư cho một tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao luôn đúng đắn. Nó mang lại cho ta thanh thế và uy tín xã hội”.
Theo cuốn sách, Rembrandt đã rất thán phục một người học trò tài năng của mình là Carel Fabritius và ông thậm chí còn ký tên mình vào một bức tranh của Fabritius.
Tới lượt mình, Fabritius cảm ơn Rembrandt bằng cách luôn ký tên thầy dưới các bức tranh do ông vẽ. Tuy nhiên việc này khiến các sử gia nghệ thuật trong thế kỷ 21 vô cùng lúng túng khi muốn xác định họa phẩm nào thực sự là của Rembrandt.
Giai thoại khác được đề cập tới có nói rằng công tước Florentine Cosimo de’ Medici đã tới Amsterdam và tìm mọi cách gặp Rembrandt chỉ để đặt vẽ các bức tranh về các cô gái Hà Lan.
Nhưng Rembrandt dù đang trong cảnh cực kỳ túng thiếu, đã nhất quyết không chạy theo đồng tiền. Ông đã đáp trả yêu cầu của công tước rằng: “Hãy nói với ông ta nếu muốn có những bức tranh vẽ gái đẹp với những màu sắc sáng sủa thì đến tìm những người buôn tranh chứ không phải tôi. Giờ thì tất cả hãy cuốn xéo ra khỏi nhà tôi”.
Tác giả Typex cho rằng: “Rembrandt là người hết sức khó tính và đầy nỗi ám ảnh. Có thể ông sẽ sống dễ dàng hơn nếu như ông bớt nói thẳng và chiều theo thị hiếu của người giàu. Song ông không thể làm được như vậy”.
Việt Lâm (theo AFP)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất