05/02/2014 08:55 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Dường như sự lạc quan đã làm cho ông trẻ hơn hẳn so với cái tuổi sắp 85. Sức khỏe tốt, trí nhớ mẫn tiệp, đi đứng vẫn nhanh nhẹn, chuyện trò hóm hỉnh... Và ông vẫn làm thơ, những bài thơ hồn hậu, giàu tình cảm, chân tình và đầy hi vọng.
Sáng chớm Xuân, dưới mái hiên ngôi nhà xanh mát bóng cây trên đường Yersin (Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), nhà thơ Giang Nam cùng những người bạn già văn nghệ sĩ của ông vừa thư thả uống trà, vừa rôm rả với những câu chuyện bất tận về đời sống, xã hội và đương nhiên không thể thiếu văn học nghệ thuật.
Hạnh phúc với “thơ đột ngột”
Tác giả của bài thơ “Quê hương” nổi tiếng khoe với các bạn văn, năm 2013 ông cảm thấy hạnh phúc vì “đột ngột có thơ”. Ông bảo làm thơ là chuyện “cơm ăn nước rót” hàng ngày từ thuở còn là cậu học trò Trường Quốc học Quy Nhơn, cho đến khi tham gia cách mạng, làm “quan” văn nghệ rồi “quan” tỉnh. Nhưng bao giờ những câu chuyện “thơ đột ngột” cũng khiến ông thích thú.
Nhà thơ Giang Nam - Ảnh: Quyền Khanh
Giang Nam khoe tháng 7-2013, lần đầu tiên trong cuộc đời ông đến với Điện Biên Phủ, nơi ghi dấu chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Cảm xúc trong nhà thơ – người lính Giang Nam trỗi dậy mãnh liệt, ông làm ngay một chùm ba bài thơ “Nhớ Anh”, “Màu trắng hoa ban”, “Chiều Mường Phăng tôi nghe em hát”. Ông đọc mấy câu trong bài “Nhớ Anh”: “Nhắc bác Văn, mẹ bỗng nghẹn ngào/ “Bác ấy thương người già, gởi quà cho cháu nhỏ”/ Kìa Mường Phăng, căn nhà hầm lịch sử/Ai biết bao đêm Anh thức một mình (...)/ “Bao giờ bác Văn lên?”, câu hỏi cháy lòng/ Trả lời mẹ sao đây?“- Thưa, chừng nào bác khỏe”/ Tôi thấy niềm vui ánh lên trong mắt mẹ/ Và trên đồi cao ánh lên sắc cầu vồng...”.
Đôi mắt ông sau làn kính lão hấp háy xúc động: “Mong ước của người mẹ Mường Phăng tôi gặp sẽ không bao giờ thành hiện thực nữa, vì chỉ sau khi bài thơ này ra đời hơn 2 tháng, thì người anh hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ đã vĩnh viễn về với cõi vĩnh hằng”.
Chùm “thơ đột ngột” thứ hai của nhà thơ Giang Nam được ông viết trong chuyến thăm Mỹ cuối Thu 2013. “Tôi ấn tượng nhất khi đứng bên bờ sông Pôtômác (Potomac) trước Lầu Năm Góc, nơi ghi khắc tên những người lính Mỹ tử trận trong chiến tranh Việt Nam. Nhưng ấn tượng hơn cả là tôi đã tìm được nơi Nôman Môrixơn (Norman Morrison), đã tự thiêu ngày 2-11-1965 để phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam của Hoa Kỳ. Với tôi, anh là một trong những biểu tượng của mùa Xuân, của hòa bình thế giới” - ông kể.
Trong bài “Viết bên dòng sông Pôtômác”, Giang Nam viết: “Môrixơn/ Sông vẫn chảy như ngàn đời vẫn chảy/ Lịch sử ghi tên anh - người chiến sĩ/ Đã hiến dâng đời mình cho hạnh phúc ngày mai/ Tôi nghe tiếng anh vang mãi khúc sông này...”
“Thủa còn thơ ngày hai buổi tới trường Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ Ai bảo chăn trâu là khổ? Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao…” (Quê hương - Giang Nam) |
Thơ Xuân riêng cho cô du kích “Quê hương”
Nhiều lần kể về hoàn cảnh ra đời của bài thơ “Quê hương” nổi tiếng, Giang Nam thừa nhận nguyên mẫu “cô bé nhà bên (có ai ngờ) cũng vào du kích” chính là vợ ông, bà Phạm Thị Chiều. Đó là người con gái ở Vĩnh Trường, Nha Trang, gặp ông ở chiến khu Đá Bàn (Ninh Hòa) rồi nên duyên chồng vợ năm 1954.
Mối tình ông bà trải qua bao cuộc sinh ly tử biệt bởi chiến tranh. Ông lên rừng, về khu, bà một mình vừa hoạt động cách mạng vừa chăm con gái duy nhất nhỏ xíu. Bà cùng con gái hai lần vào tù, trong đó một lần, năm 1960, tổ chức báo với Giang Nam là vợ con ông bị địch thủ tiêu. Ngay trong buổi tối hay tin dữ, Giang Nam thức trắng trong chiến hào dưới dãy núi Hòn Dù ở Ninh Hòa viết một mạch bài thơ “Quê hương” gắn với tên tuổi ông với những câu nức nở: “Không tin được dù đó là sự thật/ Giặc bắn em rồi quăng mất xác/ Chỉ vì em là du kích em ơi/ Đau xé lòng anh, chết nửa con người…”.
Nhưng khi đó may mắn là tin báo không chính xác, “cô du kích” của ông vẫn sống và đi cùng với ông suốt chặng đường còn lại của cuộc đời bà. Năm 2013, tối 15/8, gần 60 năm cưới nhau, bà đã rời ông về cõi vĩnh hằng ở tuổi 82. Giang Nam thổ lộ: “Người vợ hiền chung thủy chính là nguồn cảm hứng bất tận cho cuộc đời thơ của tôi. Bệnh tật và tuổi già đã giằng bà ấy khỏi tay tôi, đó là nỗi buồn rất lớn. Nhưng tôi luôn biết cách vượt qua để lạc quan và vẫn lấy hình ảnh của nhà tôi để tiếp tục làm “chỗ dựa” cho thơ mình”.
Bài thơ “Cám ơn em, cám ơn mùa Xuân” mà ông viết vừa ráo mực, dưới tiêu đề có thêm dòng chữ “Nhớ một người đã đi xa”, để nhớ về bà trong những ngày giáp Tết: “Đâu bàn tay mềm trong tay anh chai sạn/ Đâu nụ cười và nước mắt ướt vai anh/ Có phải em từ phía mùa Xuân đến/ Nâng từng bước anh đi vượt gian khổ, thác ghềnh/ Cám ơn em và cám ơn mùa Xuân/ Đã dành cho anh những gì đẹp nhất/ Nhớ lời dặn của em: “Hãy yêu mùa Xuân như buổi đầu ta gặp”/ Anh thấy mình trẻ lại tuổi đôi mươi”.
Thơ chính là cuộc sống
Nhà thơ Giang Nam nói vui rằng chính văn học là con đường tiến thân của ông. “Ngày tôi tham gia kháng chiến, chỉ nhờ bài thơ đầu tiên “Về vùng tạm chiếm” đăng trên báo Thắng của tỉnh Khánh Hòa (năm 1948) mà tôi được Tỉnh ủy Khánh Hòa rút từ chiến khu về làm ở Ty Thông tin. Rồi thời chống Mỹ, tôi hoạt động ở Nam Bộ, cũng nhờ thơ mà làm việc ở Hội Văn nghệ giải phóng. Tôi nổi tiếng cũng nhờ thơ, bài “Quê hương” đoạt giải Nhì cuộc thi thơ báo Văn Nghệ năm 1961. Rồi đất nước thống nhất, tôi được rút ra Hà Nội công tác ở Hội Nhà văn trước khi trở về làm phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (1989-1994). Phải nói, thơ chính là mạch sống của cuộc đời tôi” - ông bộc bạch.
Đi gần hết đời người, nhà thơ Giang Nam đúc rút nhiều quan niệm về văn chương mà ông nói là “mấy suy nghĩ riêng của tôi, còn của người khác thì có thể khác, chớ đây không phải là tuyên ngôn văn học gì cả”. Ông tâm sự: “Với tôi, thơ không bao giờ tách rời cuộc sống. Nó là cuộc sống của một người nhưng cũng là của nhiều người, cho nên thơ nói riêng và văn chương nói chung phải được viết từ gan ruột mình, phải hết sức chân thành để mình chia sẻ với mọi người và họ chia sẻ, đồng cảm với mình”.
Giang Nam cho biết, ông vẫn dõi theo văn học nước nhà và thấy rằng nhiều tác giả trẻ hôm nay đã tạo nên diện mạo mới, sức bật mới cho văn chương Việt, đó là điều cần tôn trọng và trân quý. Tuy vậy, ông cũng trăn trở: “Nói gì thì nói, văn chương phải có tính dân tộc. Tôi thấy đây đó có một lớp tác giả trẻ học theo nước ngoài, có thể chỉ là thử nghiệm, nhưng họ viết một thứ văn chương hoặc rất ngây thơ hoặc rất khó hiểu”.
Vì sao có bút danh Giang Nam? Giang Nam tên thật là Nguyễn Sung, sinh năm 1929 tại xã Ninh Bình (huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa). Tháng 3-1945, khi ông đang học năm thứ tư bậc trung học cơ sở ở Trường Quốc học Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) thì Nhật đảo chính Pháp, trường đóng cửa. Những ngày đi học, cậu học trò tên Sung mê thơ Nguyễn Bính, Huy Cận và đặc biệt là Hồ Dzếnh. “Một hôm đọc hai câu thơ “Tô Châu lớp lớp phù kiều/ Trăng đêm Dương Tử mây chiều Giang Nam” trong thi phẩm “Khúc linh cầu” của Hồ Dzếnh, tôi thấy hai từ “Giang Nam” thật dễ thương nên đã lấy làm bút danh của mình” – tác giả “Quê hương” nhớ lại. Đến nay, nhà thơ Giang Nam đã xuất bản được 9 tập thơ, 5 tập truyện và ký. |
Quyền Khanh
Thể thao & Văn hóa Xuân Giáp Ngọ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất