17/08/2017 06:30 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Khá thú vị, thời điểm giải Bùi Xuân Phái tròn 10 tuổi cũng là lúc nhà văn hóa Hữu Ngọc sắp bước sang tuổi 100. Sự ngẫu nhiên ấy có một cái kết đẹp, khi tên ông được đưa vào "bảng vàng" Giải thưởng lớn 2017.
Một thế kỷ qua, cây đại thụ ấy đã phủ bóng xuống Hà Nội, làm cầu nối đưa Hà Nội và văn hóa Việt ra thế giới, bằng sự uyên bác, nghiêm cẩn và cầu thị của mình.
Những "ngẫu nhiên" thú vị
Gắn bó với Thủ đô gần một thế kỷ, nhưng Hữu Ngọc nói rằng ban đầu, "tình yêu" của ông dành cho Hà Nội chỉ là cảm tính. Và, sự xa cách ngẫu nhiên giữa ông với mảnh đất này, mới giúp tình yêu ấy thấm sâu vào khối óc và trái tim.
"Kháng chiến 1946, tôi rời Hà Nội, ở trong rừng sâu cô quạnh. Mỗi khi ăn củ sắn, nhắm củ khoai, tôi lại nhớ đến những hàng xôi lúa ở Hà Nội, nhớ đến mùi thơm của đỗ, mỡ hành như thế nào, nhớ đến phở của Hà Nội ra làm sao?" – ông kể. " Khi ở bên cạnh những thứ ấy, ta thấy nó rất tầm thường, nhưng khi xa rồi, ta mới thấy hết giá trị của nó, mới hiểu thêm nó ở chiều sâu".
Lùi về quá khứ một chút, Hữu Ngọc bảo ông gắn bó với văn hóa cũng bởi sự... ngẫu nhiên. Làm nghề giáo, đến kháng chiến chống Pháp, ông được giao làm Trưởng phòng Giáo dục tù, hàng binh Âu-Phi, trong đó có khoảng 600 tù binh người Đức. Những ngày ấy, ông chỉ biết hai ngoại ngữ là Anh và Pháp, nhờ đọc được một cuốn sách dạy tiếng Đức được dịch sang tiếng Pháp trong suốt hành trình dẫn tù binh từ Việt Bắc sang Vân Nam (Trung Quốc) nên biết thêm tiếng Đức.
Để rồi, từ những "ngẫu nhiên" ấy, Hữu Ngọc sau hàng thập kỷ đã trở thành một "bảo tàng sống" về văn hóa Việt nói chung và văn hóa Hà Nội nói riêng. Bây giờ, ở tuổi 100, người ta vẫn thấy Hữu Ngọc hàng ngày ngồi sau xe máy tới NXB Thế giới để làm việc với vai trò cố vấn hoặc trò chuyện cả buổi với những vị khách nước ngoài tại nhà.
Gặp người viết, Hữu Ngọc kể hiện ông đang gấp rút hoàn thành một lúc hai cuốn sách về văn hóa. Hỏi hai cuốn ấy là gì thì ông chỉ lắc đầu: "Nói trước, bước không qua". Tất cả chỉ là ngẫu nhiên. Tôi nói rồi. Ngẫu nhiên đời tôi gắn với việc nghiên cứu văn hóa. Đến tròn 1 thế kỷ tuổi, ngẫu nhiên được danh họa Bùi Xuân Phái tìm đến như giải thưởng lần này."
Cầu nối đưa Hà Nội ra thế giới
Hàng chục năm cầm bút, Hữu Ngọc đã cho ra đời 34 cuốn sách. Trong số các kiến thức văn hóa ông “xuất khẩu” ra thế giới, mảng văn hóa Hà Nội chiếm một vị trí quan trọng. Năm 1997, cuốn Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội bằng tiếng Anh và Pháp đã được dùng làm quà tặng các nguyên thủ quốc gia đến tham dự Hội nghị các nước có sử dụng tiếng Pháp lần 7 tại Hà Nội.
Đây là công trình đầu tay về văn hóa Hà Nội của nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc và là cuốn sách đầu tiên giới thiệu về Hà Nội cho người nước ngoài kể từ tháng 8/1945 đến thời điểm đó (1997). Trong cuốn sách, Hà Nội ban đầu được nhắc tới như một tấm gương phản ánh lịch sử của Việt Nam suốt 3000 năm qua. Rồi tiếp theo đó là chân dung một Hà Nội của truyền thống, với kinh thành, đô thành; khu phố Tây; khu nông thôn ngoại thành...
Năm 2010, Hà Nội tròn 1.000 tuổi, ông lại được "đặt hàng" biên soạn bộ sách 10 cuốn Hanoi, who are you? (Hà Nội, bạn là ai?) bằng tiếng Anh để phục vụ công tác đối ngoại. Mỗi tập của Hanoi, who are you? trả lời một vấn đề: Hà Nội - ăn uống, Hà Nội - vui chơi, Hà Nội - địa lý…
Chưa hết, ông còn xuất bản cuốn Hà Nội của tôi, dày gần 500 trang, như là một "tự bạch" về Hà Nội, về những người bạn nước ngoài của ông đã từng sống, công tác ở Hà Nội. Qua mỗi vị khách quốc tế ấy, người đọc có thể thấy được tình yêu của những người bạn ông dành cho Hà Nội sâu đậm đến nhường nào.
Còn nữa, ở Đức có một tạp chí cứ 3 tháng phát hành một số. Hơn 10 năm qua, tạp chí ấy vẫn "chừa đất" cho ông "xuất khẩu văn hóa Hà Nội" đến bạn đọc Đức thông qua những bài viết về Hà Nội. Như lời Hữu Ngọc, sắp tới, những bài báo trong suốt 10 năm ấy sẽ được gom lại để in thành sách.
Trong cuộc trò chuyện, ông đưa tay rờ lên tai, chỉ vào mắt, gõ nhè nhẹ lên đỉnh đầu, rồi bảo: "Tôi 99 tuổi rồi, cái đầu 'cạn dần nhiên liệu' rồi, tai nghễnh ngãng, phải dùng máy trợ thính và mắt khi đọc phải dùng kính lúp. Nhưng, mình vẫn lạc quan là thế hệ sau luôn còn những người dám xông pha vào mặt trận văn hóa".
Vài nét về nhà văn hóa Hữu Ngọc Nhà văn hóa Hữu Ngọc sinh 22/12/1918 tại Hà Nội, quê gốc ở Thuận Thành (Bắc Ninh). Ông đã được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Chiến công và Huân chương Độc lập, Chính phủ Thụy Điển tặng Huân chương “Ngôi sao phương Bắc”, Chính phủ Pháp tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm và giải “Lời Vàng” cùng nhiều danh hiệu, giải thưởng cao quý khác. Hơn 60 năm cầm bút, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm viết về kho tàng văn hóa phong phú của nhiều dân tộc. Đặc biệt, để giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, ông viết đều đặn hàng chục năm trời cho 2 tờ của TTXVN là Le Courrier Viet Nam (tiếng Pháp) và Vietnam News (tiếng Anh). |
Bên cạnh lễ trao giải vào 9h30 sáng nay tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội), giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội còn có một số hoạt động khác như triển lãm ảnh 10 năm Vì tình yêu Hà Nội (tại số 5 Lý Thường Kiệt) và đêm nhạc Tình yêu Hà Nội phố vào 20h ngày 26/8/2017 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội. |
Huy Thông
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất